Kỳ 1: Kỳ 2:
Phóng to |
Nhọc nhằn bán “con”
Sau khi tốt nghiệp ngành kỹ thuật điện tử Trường đại học Bách khoa TP.HCM, Hùng quyết tâm theo đuổi mơ ước phải bước vào lĩnh vực công nghệ cao để ứng dụng làm ra những sản phẩm phục vụ cuộc sống. Năm 2007, anh Hùng đăng ký đề tài nghiên cứu hệ thống khử trùng dụng cụ y tế với Sở Khoa học công nghệ TP.HCM, được duyệt kinh phí 330 triệu đồng. Một năm mày mò làm rồi bỏ, mượn tiền, vay tiền nhiều nơi, cuối cùng khi xài hết hơn 500 triệu đồng thì cái máy khử trùng chào đời. Nhưng muốn đề tài được nghiệm thu phải có chỗ chịu sử dụng máy đó.
Gõ cửa khắp các bệnh viện ở TP.HCM, tìm đến các bệnh viện lớn, nhỏ dọc miền Trung ra miền Bắc, đi đâu Hùng cũng bị hỏi: “Máy đó xài ở đâu chưa?”. Hùng trả lời: “Dạ, cái này là đề tài nghiên cứu khoa học”. Hỏi tiếp: “Vậy đề tài nghiệm thu chưa?”. Câu trả lời dĩ nhiên là chưa. Cuộc trò chuyện chấm dứt. Thương cho “đứa con” vừa mới chào đời đã không được đón nhận, có lúc anh Hùng nghĩ: “Chỉ cần tìm được “bố mẹ nuôi”- nghĩa là đơn vị nào chịu bỏ tiền ra đầu tư - mình sẽ chuyển giao hết công nghệ bản quyền”. Hơn ai hết, anh hiểu chiếc máy này nếu được ứng dụng sẽ tiết kiệm được rất nhiều cho ngành y tế.
Không nản, anh Hùng tiếp tục vay thêm tiền để tổ chức những buổi thuyết trình nho nhỏ, nói nôm na là “bán hàng la” tại các bệnh viện để giới thiệu cái máy của mình với lời cam kết: chấp nhận mọi sự chất vấn, kiểm định chất lượng gắt gao nhất của ngành y tế, cho sử dụng thử nghiệm trước, khi nào bệnh viện cảm thấy được thì mới trả tiền.
May mắn, chiếc máy của Hùng được ban giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 để mắt tới. Trong một buổi chiều anh phải giải đáp hết mọi chất vấn, thắc mắc của các bác sĩ kỳ cựu trong bệnh viện. Hợp đồng được ký. Vẫn chưa hết lo. “Nửa năm trời mình phải nuôi một bộ phận chăm sóc riêng cho cái máy. Ba thợ lành nghề chỉ có mỗi chuyện lãnh lương rồi nằm chờ, hễ bệnh viện báo máy trục trặc là có mặt ngay để khắc phục. Ba tháng rồi sáu tháng trôi qua, mấy lần kiểm tra lại máy vẫn hoạt động tốt”. Đến lúc này anh Hùng mới được trả tiền.
Khi Bệnh viện Nhi Đồng 2 sử dụng máy hiệu quả tốt, công việc chào hàng bán máy của Hùng đỡ vất vả hơn. Đến nay, số khách hàng của anh đã vượt qua con số 50 bệnh viện trên khắp cả nước. Giá thành máy chỉ bằng 1/3 máy nhập ngoại.
Cuối năm 2011, anh Hùng lập Công ty cổ phần đầu tư thiết bị y tế công nghệ cao Hmed (Hmed là viết tắt của chữ Hùng “medic”) để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê công nghệ của mình. Bây giờ anh đã có trong tay nhiều sáng kiến thiết bị y khoa công nghệ cao, chất lượng đạt chuẩn quốc tế, được ứng dụng rộng rãi tại các bệnh viện lớn, nhỏ trên khắp cả nước, từ Cà Mau đến Móng Cái.
“Đường khó, đi được mới vui”
Khi bán hệ thống máy đầu tiên, anh Hùng phải đưa máy đi thẩm định giá. Cùng lúc đó, bệnh viện cũng gửi đi thẩm định giá một dây nội soi của Nhật. Nguyên một hệ thống máy đồ sộ có giá thẩm định bằng một cái dây nhỏ xíu xiu. Anh nhận ra: “Sợi dây mỏng manh có camera chút xíu gắn ở đầu kia thật sự là công nghệ cao. Công nghệ ấy không phải ai cũng làm được và chính điều đó tạo ra giá trị cực lớn”.
Anh càng quyết tâm dấn bước vào con đường khó này. Nhiều sản phẩm phục vụ y tế ứng dụng công nghệ cao được anh thai nghén rồi cho ra đời như: hệ thống cấp khí tươi siêu sạch áp lực dương chuyên dụng trang bị cho phòng mổ, máy khử khuẩn không khí nội tại, máy bơm khí áp lực dương, máy khử trùng ozone plasma, hệ thống tự động xử lý dụng cụ y tế, máy sấy hai cửa khử khuẩn tự động, máy rửa khử khuẩn...
Gần đây nhất, công trình xây dựng hệ thống lọc khí siêu sạch cho khoa ghép tế bào gốc (Bệnh viện Truyền máu và huyết học) và khoa phẫu thuật tim hở (Bệnh viện Chợ Rẫy) đã thành công. Đây là những nơi có yêu cầu vô trùng nghiêm ngặt. Sau khi hệ thống vận hành, kết quả kiểm nghiệm của Viện Vệ sinh y tế công cộng và khoa xét nghiệm sinh học lâm sàng Viện Pasteur cho thấy chất lượng khí đạt tiêu chuẩn.
Không dừng lại, anh Hùng và các cộng sự hiện đang tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hệ thống khử trùng mà không cần dùng hóa chất trong y tế.
“Mỗi khi lắp đặt một cái máy, nhiều người rất ngạc nhiên vì không nghĩ máy này do người VN nghĩ ra, công ty VN chế ra. Vui hơn, có người còn sờ nắn nhãn hiệu tên công ty trên máy, ý chừng coi có phải mình nhập hàng về rồi dán nhãn đè lên hay không”, anh kể.
Tự tin công nghệ Việt
Mỗi một loại máy, anh Hùng đều có bảng so sánh chi tiết những tính năng chiếm ưu thế về công nghệ, công dụng của máy tự chế so với các dòng máy ngoại nhập đang có trên thị trường.
Anh chia sẻ: “Đặt chân vào lĩnh vực chế tạo thiết bị y tế công nghệ cao là chấp nhận cạnh tranh với những “ông lớn” nước ngoài. Vậy thì công ty VN lấy gì để cạnh tranh? Giá rẻ ư? Lĩnh vực liên quan đến sinh mạng con người thì nhiều khi giá càng rẻ càng khiến người ta nghi ngờ về chất lượng. Chỉ có thể cạnh tranh bằng công nghệ và chất lượng máy. Ngày nay, thông tin về công nghệ nền mới nhất mình có thể tìm được rất nhanh. Quan trọng là phải biết vận dụng để chế ra cái máy phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và yêu cầu của khách hàng”.
Ngoài ra, điều khách hàng cần là sự chăm sóc hậu mãi chu đáo. Sử dụng một cái máy nhập ngoại có thương hiệu nhưng khi bị trục trặc thì không biết kêu ai sửa, so với sử dụng một cái máy sản xuất trong nước “vô danh tiểu tốt” nhưng gọi là lập tức có người tới bảo trì, chăm sóc thì có thể thuyết phục được người ta chịu dùng hàng nội.
Ngay từ ngày đầu tập tễnh bước vào lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế công nghệ cao, vốn là sân chơi của các đại gia Hoa Kỳ, Nhật Bản, kỹ sư trẻ Phan Mạnh Hùng đã rút ra bài học đó.
Ít ai biết được cha đẻ của những chiếc máy thông minh đó hiện vẫn duy trì công ty, nuôi sống công nhân và nuôi giấc mơ ứng dụng công nghệ của mình bằng việc lắp những cái loa cầm tay nho nhỏ cho các trường học.
Anh Hùng cười: “Một cái máy lắp đặt phải chờ người ta xài thấy được mình mới nhận tiền. Phải lấy cái nhỏ nuôi cái lớn, lấy ngắn nuôi dài. Tôi cho rằng nếu chịu làm khoa học công nghệ một cách kiên trì, nghiêm túc và bài bản, người VN có thể có được nhiều thành tựu”.
“Cần có một giải thưởng để tôn vinh những doanh nghiệp, đơn vị sử dụng nhiều hàng Việt. Là một người vừa nghiên cứu, vừa phải tự mình trầy trật đi chào bán những sản phẩm, tôi hiểu cảm giác hạnh phúc như thế nào khi sản phẩm được đón nhận. Người ta chịu sử dụng, chứng tỏ sản phẩm có chất lượng. Tôn vinh người tiêu dùng cũng là cách thúc đẩy giới làm khoa học công nghệ trong nước nâng cao tính ứng dụng trong nghiên cứu, khuyến khích tư duy làm công nghệ mới: làm giàu bằng đề tài (khi đề tài ứng dụng được) và hạn chế dần những nhà nghiên cứu chỉ sống nhờ đề tài từ kinh phí nhà nước”, kỹ sư trẻ Phan Mạnh Hùng đề xuất. |
______________________
Kỳ cuối: “Mẹ” của mầm lan Việt
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận