Cổ lâu Di Luân Đường thuộc Quốc Tử Giám triều Nguyễn sắp trở thành nơi trưng bày mở rộng của Bảo tàng cổ vật cung đình Huế - Ảnh: THÁI LỘC |
Theo đó, ông Dũng cho biết ngoài hai cơ sở đã hoàn chỉnh trên tuyến đường Lê Lợi là Bảo tàng Hồ Chí Minh và Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, tỉnh sẽ đầu tư nâng cấp Bảo tàng Văn hóa Huế cho hoàn chỉnh, hấp dẫn hơn.
Cũng trên tuyến phố này, tỉnh sẽ biến đổi nơi làm việc của Trung tâm Festival Huế trở thành Bảo tàng điêu khắc Điềm Phùng Thị. Đồng thời, trụ sở Trung tâm Xúc tiến du lịch sẽ được xây dựng thành bảo tàng thêu.
Ngoài ra, trong một tương lai xa hơn, UBND tỉnh sẽ dời về trung tâm hành chính tập trung (sắp tới sẽ xây tại khu đô thị An Vân Dương); trụ sở UBND tỉnh trên đường Lê Lợi hiện nay sẽ trở thành Bảo tàng Mỹ thuật Huế hoặc một thiết chế văn hóa - du lịch, dịch vụ…
Quyết tâm này của chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành tin vui cho nhiều người quan tâm đến văn hóa - du lịch của đất cố đô. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc hình thành đường Lê Lợi thành phố bảo tàng là chủ trương đúng, nhưng chưa đủ.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa - nguyên giám đốc Sở Văn hóa thông tin tỉnh, đường Lê Lợi là thần sắc, là bộ mặt của Huế, không nên biến thành phố bảo tàng thuần túy.
“Cứ tưởng tượng cả tuyến phố tập trung toàn bảo tàng, ban đêm sẽ đóng cửa im ỉm một cách buồn bã. Tôi nghĩ cần phải năng động hóa tuyến đường này bằng các hoạt động văn hóa nghệ thuật và dịch vụ du lịch xen ghép!”.
Ông Hoa cho rằng những công sở nhà nước trên tuyến phố Lê Lợi hiện nay như: Sở Y tế, Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình, Sở KH-CN, Sở GD-ĐT… nên biến cải thành các nhà hát, khách sạn hạng sang hay các dịch vụ văn hóa nghệ thuật…, sẽ góp phần tạo nên sự sinh động, hấp dẫn cho cả tuyến phố.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Cao, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng vừa đồng ý bằng văn bản về việc bàn giao khu đất rộng 7.500m2 đang là tiểu đoàn huấn luyện - cơ động (268 Điện Biên Phủ, TP Huế) cho tỉnh làm bảo tàng.
Ông Cao nói thêm trong năm 2017, sau khi tiếp nhận khu đất, tỉnh sẽ xây dựng trụ sở mới để di chuyển Bảo tàng Lịch sử - cách mạng đến đây. Trụ sở hiện nay của bảo tàng này là Trường Quốc Tử Giám triều Nguyễn sẽ bàn giao cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế làm nơi trưng bày mở rộng cho Bảo tàng cổ vật cung đình Huế cạnh đó…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận