
Sao la - loài vật quý hiếm được mệnh danh “kỳ lân châu Á” hay “linh hồn Trường Sơn” từng được ghi nhận tại Việt Nam - Ảnh: DAViD HULSE, WWF
Ngày 1-4, UBND TP Huế cho biết Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Phương vừa có quyết định tiếp nhận viện trợ không hoàn lại từ dự án "Cùng lên tiếng bảo vệ loài sao la và các hệ sinh thái vì thiên nhiên và con người" do Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tài trợ.
Tổng giá trị đợt viện trợ này hơn 3,1 tỉ đồng.
Dự án nhằm tăng cường năng lực và sự tham gia của các tổ chức xã hội trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ loài sao la, nâng cao nhận thức cộng đồng và các bên liên quan nhằm đóng góp vào việc hoàn thiện chính sách về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã.
Đồng thời, dự án góp phần chấm dứt tình trạng buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật tại TP Huế, hỗ trợ thực hiện Chiến lược quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Theo kế hoạch, đến tháng 6-2025, dự án sẽ tăng cường năng lực cho các tổ chức xã hội, cộng đồng địa phương trong công tác quản lý và bảo vệ động vật hoang dã. Đến tháng 9-2025, các hoạt động truyền thông, tuyên truyền sẽ giúp lan tỏa thông điệp bảo tồn đa dạng sinh học và động vật hoang dã.
Tới tháng 6-2026, hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng tại Khu dự trữ thiên nhiên sao la ở Huế sẽ được tăng cường. Những người bảo vệ rừng sẽ được trang bị các vật dụng hỗ trợ cần thiết và thường xuyên được chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn từ các chuyên gia, đồng nghiệp ở các khu bảo tồn khác.
Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Huế là đơn vị tiếp nhận, triển khai nguồn viện trợ này theo chức năng, nhiệm vụ.
Sao la - 'kỳ lân châu Á, linh hồn của dãy Trường Sơn'
Sao la (Pseudoryx nghetinhensis) là một trong những loài thú hiếm và bí ẩn nhất thế giới, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1992 tại dãy Trường Sơn, khu vực biên giới Việt Nam - Lào. Do mức độ hiếm gặp và sự bí ẩn của nó, sao la còn được gọi là "kỳ lân châu Á".
Lần gần nhất sao la ghi nhận tại Việt Nam là vào năm 2013, khi bẫy ảnh chụp lại được một cá thể trong một cánh rừng ở Quảng Nam. Đây là một phát hiện chấn động giới khoa học vào thời điểm đó về loài động vật đang đứng bên bờ tuyệt chủng này.
Từ đó đến nay, 'kỳ lân châu Á' gần như mất dấu trên các cánh rừng Việt Nam.
Dù các nhà khoa học chưa có phát hiện mới về loài sao la, nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền và sự chung tay của thế giới trong việc bảo tồn loài động vật quý hiếm này, nhiều cánh rừng ở Việt Nam đã dần phục hồi.
Những loài thú rừng quý hiếm khác như mang Trường Sơn, thỏ vằn Trường Sơn, gấu ngựa… đã xuất hiện nhiều hơn ở những cánh rừng tự nhiên thuộc các khu bảo tồn sao la dọc dài trên dãy Trường Sơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận