Khu đất vàng 14, 16, 18, 20 Lý Thường Kiệt - Huế đã giao cho nhà đầu tư từ hơn 10 năm trước, đến nay vẫn còn bỏ hoang - Ảnh: MINH TỰ |
Đó là câu hỏi mà cử tri tỉnh Thừa Thiên Huế liên tục đặt ra trong các cuộc tiếp xúc với đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp.
Tại kỳ họp thứ tư (ngày 13 và 14-7), HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã báo cáo kết quả giám sát việc sử dụng đất của các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2016.
Kết quả này cho biết công tác quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã đi vào thực chất, góp phần tích cực cho việc sử dụng đất hợp lý và hiệu quả.
Tuy nhiên, đoàn giám sát cũng đã phát hiện nhiều hạn chế, tồn tại trong việc sử dụng đất tại các dự án.
“Đất vàng” không còn nhiều
Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và các khu công nghiệp có đến 21 dự án chậm tiến độ với diện tích đất đăng ký 639,2ha, 15 dự án ngừng hoạt động với diện tích đất đăng ký 49ha.
Trong số đó có những dự án được cấp phép đầu tư từ trước năm 2010, với diện tích sử dụng đất đăng ký rất lớn, nhưng đến nay chưa triển khai, hoặc triển khai chậm so với cam kết.
Điển hình là Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có 7 dự án đăng ký sử dụng đất là 435,2ha, nhưng diện tích đất đã triển khai (các thủ tục) chỉ 31,2ha.
Trong số đó, dự án khu nghỉ dưỡng sân golf Lăng Cô của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Phong Phú Lăng Cô đăng ký sử dụng 292ha đất, đã được gia hạn nhiều lần và cam kết đi vào hoạt động tháng 7-2016, nhưng trên thực tế vẫn chưa triển khai bất kỳ hạng mục xây dựng nào.
Dự án khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối (dưới chân núi Hải Vân) của Công ty TNHH MTV Bãi Chuối (Việt Nam), đăng ký sử dụng đất 100ha, chậm khởi công 74 tháng so với cam kết.
Khu công nghiệp Phú Bài có 7 dự án chậm tiến độ với diện tích đất đăng ký là 145 ha.
Khu công nghiệp Phong Điền có 5 dự án chậm tiến độ với diện tích đất đăng ký 8,8ha còn khu công nghiệp La Sơn có 2 dự án chậm tiến độ với diện tích đất đăng ký 80,2 ha.
Dự án quần thể sân golf - làng du lịch sinh thái phong cảnh Việt Nam với tổng diện tích quy hoạch là 439,3ha, đến nay mới chỉ 75,7ha được quy hoạch chi tiết để đưa vào sử dụng.
Phần diện tích còn lại nằm trong quy hoạch chưa thực hiện dự án đầu tư còn rất lớn. Các hộ dân trong vùng qui hoạch treo này đang khốn khổ vì không thể tách thửa để sang nhượng đất.
Ngoài ra, còn có nhiều dự án ở các khu “đất vàng” ở hành phố Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà… đến nay chưa thực hiện hoặc chậm đưa vào sử dụng theo cam kết, đã làm mất mỹ quan đô thị, gây bức xúc nhân dân.
Đó là dự án khách sạn Đông Dương, số 2 Hùng Vương, thành phố Huế, dự án tòa nhà VNPT (khu đất cửa hàng số 1 cũ), dự án công trình dịch vụ du lịch, văn phòng, căn hộ cao cấp tại khu nhà đất số 14, 16, 18 và 20 Lý Thường Kiệt, thành phố Huế.
Theo nhận định của đoàn giám sát HĐND tỉnh, những năm trước đây, tỉnh chú trọng kêu gọi đầu tư với kỳ vọng thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm lực, nhưng chưa quan tâm việc rà soát các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật về đất đai.
Chính quyền vẫn còn hạn chế trong việc xử lý vi phạm của nhà đầu tư, dự án kéo dài nhiều năm nhưng chậm phát hiện, và thiếu kiên quyết trong thu hồi dự án…
Điều đó đã tạo ra hệ lụy lớn, khi quỹ đất sạch có khả năng sinh lợi cao, vị trí đẹp để kêu gọi các nhà đầu tư lớn, có uy tín đã không còn nhiều, nhất là “đất vàng” ở thành phố Huế, khu vực ven biển Chân Mây - Lăng Cô…
Khu đất vàng ở ngay trung tâm thành phố Huế (số 2 Hùng Vương, gần cầu Trường Tiền) đã giao cho dự án khách sạn Đông Dương, nhưng hơn 10 năm rồi vẫn bỏ hoang - Ảnh: MINH TỰ |
Tiếp tục thu hồi “đất vàng” bỏ hoang
“Đất vàng” bỏ hoang ở thành phố Huế đã là nỗi bức xúc mà cử tri đã gửi đến nhiều kỳ họp trước đó của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tại kỳ họp này thứ tư này, UBND tỉnh đã trả lời ý kiến của cử tri tại kỳ họp trước (tháng 1-2017).
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh, đã trả lời về các dự án chậm triển khai quá lâu tại các khu “đất vàng” ở Huế.
Đó là các dự án như cửa hàng số 1 cũ (ngã sáu đường Hà Nội), khu đất cạnh Big C (giao lộ Bà Triệu - Tôn Đức Thắng), các dự án ở đường Lý Thường Kiệt, Nguyễn Tri Phương.
Đối với dự án của VNPT ở khu đất ở cửa hàng số 1 cũ, UBND tỉnh đang chỉ đạo các ban ngành liên quan tiếp tục đốc thúc, giám sát theo tiến độ điều chỉnh.
Đến cuối năm 2017, nhà đầu tư VNPT không triển khai thi công trên thực địa thì UBND tỉnh sẽ thu hồi đất và xử lý theo phương án đấu giá.
Đối với khu đất cạnh Big C, nhà đầu tư là Tập đoàn Nguyễn Kim dự kiến thi công đồng bộ trong tháng 3-2017, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện đúng cam kết.
Hiện Nguyễn Kim đã xây dựng khu nhà điều hành dự án, trạm điện phục vụ thi công, đang hoàn thành thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công và thủ tục xin phép xây dựng.
Ông Phương cho biết UBND tỉnh sẽ giám sát dự án này hàng tháng, nhằm đảm bảo tiến độ.
Các dự án ở khu đất số 14, 16, 18 và 20 Lý Thường Kiệt, đến cuối năm 2017, nhà đầu tư không triển khai thi công trên thực địa thì UBND tỉnh sẽ thu hồi đất và xử lý theo phương án đấu giá.
Riêng dự án dang dở ở khu đất 2 Nguyễn Tri Phương đã được Công ty cổ phần Bệnh viện Đa khoa quốc tế Huế mua lại để làm khách sạn bệnh viện đạt chuẩn 5 sao.
Hiện tại nhà đầu tư mới đang hoàn tất các thủ tục để sớm triển khai dự án.
Tại khu Nam Vĩ Dạ - thành phố Huế cũng có một khu “đất vàng” rộng hơn 24.000m2 (trên đường Phạm Văn Đồng), đã giao cho dự án khách sạn Âu Cơ nhưng 14 năm rồi vẫn chưa thực hiện.
Ông Phương cho biết UBND tỉnh đã thu hồi khu đất này và giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý.
Hiện tỉnh đang kêu gọi đầu tư vào khu đất đẹp này, nhằm sớm tạo hiệu quả kinh tế và góp phần chỉnh trang bộ mặt đô thị Huế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận