Thành phố Huế nhìn từ trên cao - Ảnh: NHẬT LINH
Việc mở rộng địa giới hành chính, cởi bỏ "tấm áo cũ đã chật", Huế được kỳ vọng xứng đáng là đô thị hạt nhân để đưa Thừa Thiên Huế trở thành TP trực thuộc trung ương vào năm 2025.
Dân mong cuộc sống tốt hơn
Anh Nguyễn Văn Quang (trú xã Hương Phong, TP Huế) nói rằng sau khi được chính thức trở thành "người TP" từ 1-7, anh kỳ vọng địa phương sẽ được quan tâm nhiều hơn về các mặt y tế, giáo dục, giao thông.
Là một xã ven biển được tách từ thị xã Hương Trà, Hương Phong nay được sáp nhập vào TP Huế với kỳ vọng trở thành một trong những xã phát huy được thế mạnh đô thị biển của TP Huế mới.
"Tôi hy vọng chính quyền tỉnh sẽ quan tâm xây dựng thêm những bệnh viện, nâng cấp trường học để con em miệt biển được phát triển và hưởng thụ những dịch vụ như ở phố thị" - anh Quang nói.
Theo ông Phan Thiên Định - bí thư Thành ủy Huế, thách thức đầu tiên sau khi mở rộng TP là phải làm sao hài hòa, phát huy được cả hai yếu tố: bảo tồn di sản văn hóa Huế và phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội.
Sau khi được sáp nhập, quy mô, mật độ dân số của Huế tăng lên bởi nhiều xã, thị trấn trở thành phường. Cuộc sống đô thị sẽ tăng thêm áp lực lên môi trường, sinh thái tự nhiên và cả những di sản hiện hữu mà Huế đang có.
Theo ông Định, vấn đề phát triển hạ tầng, nâng cao đời sống cho các phường, xã mới sáp nhập đòi hỏi nguồn ngân sách không nhỏ, trong lúc đó tình hình dịch bệnh COVID-19 và nguồn thu hạn hẹp cũng là khó khăn lớn khi TP được mở rộng.
Nhiều hạ tầng giao thông, đô thị được đầu tư khi Huế mở rộng - Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Cơ hội bứt phá du lịch biển
Với việc sáp nhập xã Hải Dương của thị xã Hương Trà và thị trấn Thuận An của huyện Phú Vang, địa giới mở rộng tới Biển Đông, Huế trở thành TP biển trong chuỗi những TP duyên hải miền Trung như Đồng Hới, Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang...
Đây là cơ hội lớn để tỉnh Thừa Thiên Huế thu hút đầu tư, đẩy mạnh các sản phẩm du lịch biển hấp dẫnkhách du lịch.
Theo ông Phan Thiên Định, TP Huế bây giờ đã có thêm nhiều tiềm năng, lợi thế khi không chỉ là sông Hương, núi Ngự, quần thể di sản mà còn có đầm phá Tam Giang và bờ biển trải dài. Xã Hải Dương và phường Thuận An nằm trong vùng thắng cảnh đẹp là nơi giao thoa giữa cửa biển, sông Hương và đầm phá Tam Giang.
Đây là dịp để Huế gắn kết đô thị trung tâm Huế vươn ra Biển Đông, thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái biển, công nghiệp cảng, đóng và sửa chữa tàu thuyền, khai thác đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản và kinh tế đầm phá.
"TP sẽ nghiên cứu triển khai một số đề án khai thác các tài nguyên mới này để Huế không còn "TP ngủ sớm" mà là TP đáng sống.
Huế sẽ phục hồi và có nhiều điểm mới lạ, hấp dẫn trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước. Đây là cơ hội và lợi thế để ngành du lịch tăng trưởng" - ông Định nhấn mạnh.
Diện tích mở rộng lên 3,7 lần
Sau khi mở rộng, TP Huế sẽ có 265,99km2 diện tích tự nhiên (tăng 3,76 lần), dân số 652.500 người (tăng 1,8 lần) với 29 phường và 7 xã.
Ngoài toàn bộ diện tích hiện hữu, từ ngày 1-7 TP Huế sẽ bao gồm 2 phường (Hương Hồ, Hương An) và 4 xã (Hương Thọ, Hương Phong, Hương Vinh, Hải Dương) của thị xã Hương Trà, 4 xã (Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh) và 1 thị trấn (Thuận An) của huyện Phú Vang, cộng với 2 xã Thủy Vân, Thủy Bằng của thị xã Hương Thủy.
Huế cũng sáp nhập phường Phú Cát và Phú Hiệp để lập một phường mới, lấy tên là phường Gia Hội; phường Phú Bình và Thuận Lộc nhập thành phường Thuận Lộc; phường Phú Hòa và Thuận Thành nhập thành phường Đông Ba; đưa 0,46km2 diện tích và hơn 7.500 người của phường Phú Thuận vào phường Tây Lộc; đưa 0,80km2 diện tích và dân số gần 5.000 người còn lại của phường Phú Thuận vào phường Thuận Hòa.
Huế thành lập thêm 4 phường mới gồm: Hương Vinh, Thủy Vân, Phú Thượng, Thuận An trên cơ sở nguyên trạng các xã Hương Vinh, Thủy Vân, Phú Thượng và thị trấn Thuận An.
Cũng từ 1-7, các phường, xã mới được sáp nhập và thành lập ở TP Huế sẽ họp HĐND các cấp để bầu ra những người đứng đầu trong hệ thống chính quyền mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận