Cổng vào Thành nội Huế được thắp đèn sáng về đêm - Ảnh: Châu Anh |
Để phát triển du lịch Huế, chính quyền không nên tham gia quá sâu về mặt thực hiện mà chỉ nên quản lý, điều tiết, khuyến khích các tổ chức tư nhân, xã hội tham gia cùng phát triển. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng Huế thành một trung tâm du lịch về văn hóa, lịch sử đúng nghĩa, trong đó mỗi người dân Huế đều có được cơ hội góp phần và hưởng lợi từ sự phát triển đó |
Tôi cho rằng việc thắp sáng này cũng sẽ giúp Huế đẹp hơn, nhưng để du lịch Huế phát triển thì không chỉ thắp sáng đèn vào buổi tối là đủ mà cần có một chính sách phát triển toàn diện hơn.
Từ lâu, Huế được xem là TP cổ kính xinh đẹp với rất nhiều di tích lịch sử văn hóa. Tuy nhiên, Huế chưa là trung tâm nổi bật về du lịch.
Nhiều khách du lịch chỉ xem Huế là điểm dừng chân trên đường đi du lịch Đà Nẵng, Quảng Nam và các TP du lịch khác hơn là địa điểm đến từ ban đầu.
Đến Huế, nhiều khách du lịch than buồn vì quá thiếu những hoạt động giải trí cũng như quá hiếm các món để mua sắm.
Do đó, nhằm lôi kéo du khách đến Huế cần phải có một chiến dịch quảng bá hiệu quả và trên hết phải xây dựng Huế dựa trên những nét độc đáo riêng cũng như các tiêu chuẩn chung cần có phục vụ cho nhu cầu ăn ở, giải trí của du khách.
Nói đến Huế là nói đến lăng tẩm. Phải công nhận Trung tâm Bảo tồn di tích Huế đã làm được rất nhiều việc để bảo tồn và phục dựng các di tích.
Tuy nhiên vẫn còn khá nhiều lỗi trong công tác trùng tu và quản lý các di tích này để phục vụ cho du lịch.
Khách du lịch quốc tế phần lớn là những người có văn hóa thẩm mỹ cao, chỉ cần ngắm một vài lỗi trong bảo tồn di tích ngày đầu đến Huế thì có lẽ họ sẽ nản, không ở lại những ngày sau nữa.
Muốn đạt được trình độ bảo tồn và trùng tu đúng nghĩa, không có sự lựa chọn nào khác là phải tăng cường hợp tác quốc tế bên cạnh gìn giữ những kỹ thuật xây dựng cổ truyền để bảo tồn, phục chế nguyên vẹn hệ thống di tích quý giá này.
Ngoài ca Huế đang bị thị trường hóa, Huế chưa có một sàn nhảy, một quán bar, rạp chiếu phim đúng nghĩa cho du khách về đêm. Chính quyền Huế nên khuyến khích các loại hình giải trí này phát triển có kiểm soát nhằm phục vụ du khách và tăng thêm nguồn thu.
Ngoài ra, chính quyền cũng có thể xây dựng các sân khấu nhỏ ở các công viên, khuyến khích, tài trợ các loại hình nghệ thuật cổ truyền, các ban nhạc hiện đại biểu diễn miễn phí vừa phục vụ du khách, vừa nâng tầm văn hóa cho dân chúng.
Festival Huế được tổ chức theo hướng này nhưng quá tập trung vào một khoảng thời gian ngắn hai năm một lần nên du khách, công chúng có cảm giác bội thực hơn là thưởng thức văn hóa.
Một vấn đề nữa là Huế không có một chế độ khuyến khích khách ở lại tham quan các di tích thắng cảnh rõ ràng.
Điều này có thể học tập Angkor Wat của Campuchia, TP này có chế độ bán vé nhằm khuyến khích khách ở càng lâu càng tốt.
Vào năm 2016, giá vé cho du khách nước ngoài là 20 USD một ngày và giảm xuống 40 USD cho ba ngày và chỉ còn 60 USD cho một tuần, khách có thể lựa chọn đi đến bất cứ địa điểm nào có ghi trong vé trong một thời hạn nhất định.
Nếu chúng ta làm được điều này, nhất định khách sẽ chọn ở lại Huế dài ngày hơn. Các di tích sẽ được du khách đến tham quan trải đều hơn chứ không như hiện nay: có di tích khách đến rất nhiều, có nơi chẳng bao nhiêu.
Hơn nữa, khách ở dài ngày hơn sẽ chi tiêu nhiều hơn, các ngành nghề khác cũng sẽ phát triển theo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận