06/01/2012 09:05 GMT+7

Huế - những tháng ngày sục sôi - Kỳ 2: Súng đã nổ!

NGUYỄN ĐẮC XUÂN
NGUYỄN ĐẮC XUÂN

TT - Đêm 8-5-1963, đáp lại nguyện vọng của hàng vạn đồng bào phật tử Huế, một đoàn xe thiết giáp và hàng chục lính súng cầm tay lưỡi lê giương thẳng, do thiếu tá phó tỉnh trưởng nội an Đặng Sĩ chỉ huy, xuất hiện và xông vào khuôn viên Đài phát thanh.

xLoHMlhd.jpgPhóng to
Thượng tọa Thích Trí Quang (bìa phải) và giáo sư Erich Wulff (giữa) - người đã công bố sự thật về cuộc đàn áp Phật giáo tại Huế - Ảnh: tư liệu N.Đ.X.

Tấn công

Dòng chữ Ngô Đình Khôi kẻ trên một xe thiết giáp hiện ra trước mắt hàng ngàn người. Có tiếng đồng thanh la lớn: “Thiết giáp Ngô Đình Khôi! Thiết giáp Ngô Đình Khôi!”. Súng bắn, lựu đạn nổ ầm ầm. Tiếng đồng bào rú lên thất thanh giữa đêm hè vô cùng rùng rợn. Nhiều người đạp lên nhau chạy tháo thân.

Trong phút chốc khuôn viên Đài phát thanh, bùng binh đầu cầu Trường Tiền và khách sạn Morin thành một bãi chiến trường thê thảm. Vô số xe đạp cong queo, giày dép, guốc cao gót đủ màu, vạt áo, mũ nón, từng mảng da tóc đầm đìa máu me. Gần một chục xác người nằm trên bãi máu, kẻ mất tay, người gãy chân, người mất đầu.

Tôi như một kẻ không hồn giẫm lên xác chết chạy về nhà trọ phía Đập Đá. Tôi không thể tưởng tượng cơn thịnh nộ máu lửa của anh em nhà họ Ngô có thể diễn ra như thế. Chiếc xe thiết giáp mang tên Ngô Đình Khôi cứ gầm rú trong đầu tôi. Ngô Đình Khôi - ông anh cả trong gia đình họ Ngô - đã chết từ gần 20 năm trước, không ngờ hôm nay lại hóa thân thành chiếc xe thiết giáp đi giết những người bất phục chế độ của các em ông. Về nhà trọ bên dòng Thọ Lộc, đóng kín cửa mà tôi vẫn không hết sợ.

Suốt đêm 8 và sáng hôm 9-5, quân vụ thị trấn giới nghiêm, khu vực xung quanh Đài phát thanh Huế, xe cứu thương đến chở hết các xác chết lên bệnh viện, công an cảnh sát ra sức hốt hết tang vật, rửa sạch mặt đường. Chính quyền họp báo, phát trên Đài phát thanh tin đêm Phật đản 8-5-1963 “Việt cộng đã trà trộn vào đám đông trước Đài phát thanh và đã ném plastic khiến tám người chết và bốn người bị thương. Đây là một hoạt động của Việt cộng nhằm kỷ niệm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ” (thực tế có đến chín người chết và 14 người bị thương phải cứu chữa ở bệnh viện, hàng trăm người bị thương khác không đến bệnh viện công). Đồng thời chính quyền triển khai lực lượng an ninh và quân đội tìm bắt những người nổi trội trong các cuộc tập họp vừa qua.

Ông Ngô Đình Thục đi La Vang về, hài lòng nghe báo cáo đã dẹp được những người bảo vệ Phật giáo, nhưng ông không ngờ đất dưới giáo phận của ông đã rung.

Nói lên sự thật

Do một sinh viên gặp trên đường mời, bác sĩ Erich Wulff - giáo sư Đại học Y khoa và Đại học Văn khoa Huế trong khuôn khổ viện trợ giáo dục của Chính phủ Tây Đức cho Đại học Huế - đã có mặt tại Đài phát thanh Huế trong đêm pháp nạn. Ông tình cờ được chứng kiến cuộc thảm sát từ đầu đến cuối và một đồng nghiệp của ông là Orje đã giúp ông chụp ảnh tất cả những người bị súng, lựu đạn và xe thiết giáp của chế độ Diệm giết chết.

Ông hết sức xúc động, cho đây là một vụ giết người tập thể. Ông đã tường thuật lại với vợ chồng giáo sư Krainick - trưởng phái bộ viện trợ giáo dục của Tây Đức. Lời tường thuật được thu băng và được sự chứng thực của giáo sư Krainick. Để có thể đưa thông tin - tài liệu tội ác của chế độ Diệm ra cho báo chí quốc tế, với sự trợ giúp của giáo sư Krainick, bác sĩ E. Wulff đã rời Huế vào Sài Gòn, rồi ra nước ngoài bằng con đường Phnom Penh (Campuchia).

Qua bác sĩ E. Wulff mà thế giới biết được tin tức về cuộc đàn áp Phật giáo đang diễn ra tại VN. Và cũng chính bác sĩ E. Wulff là người được mời điều trần sự kiện này trước Ủy ban Điều tra tội ác đàn áp Phật giáo VN của Liên Hiệp Quốc vào tháng 9-1963. Bức trường thành bưng bít sự thật ở VNCH đã bị chọc thủng.

Hằng ngày, bộ máy chính quyền Diệm phải đương đầu với báo chí và đài phát thanh ngoại quốc hết sức khó khăn. Và điều bất ngờ nhất là anh em nhà họ Ngô chưa hề nghĩ đến việc đối phó với...

Đấu tranh bất bạo động

Ngày 10-5-1963, lãnh đạo cuộc đấu tranh gửi cho tổng thống Diệm một tuyên ngôn đòi giải quyết năm nguyện vọng: 1. Tự do treo cờ, 2. Bình quyền với Kitô giáo; 3. Ngưng bắt giữ phật tử, 4. Tự do tín ngưỡng và 5. Bồi thường cho nạn nhân ngày 8-5-1963 và trừng trị những người có trách nhiệm.

Năm ngày sau, 15-5-1963, một bản phụ đính được công bố nói rõ cuộc tranh đấu của Phật giáo chỉ muốn “thay đổi chính sách của chính phủ”: đấu tranh vì sự công bằng tôn giáo, công bằng xã hội chứ không phải một tôn giáo chống một tôn giáo, phương pháp đấu tranh bất bạo động. Trong tinh thần đấu tranh bất bạo động, Phật giáo đã tổ chức một phái đoàn đưa năm nguyện vọng và phụ đính cho tổng thống Diệm, tổ chức cầu siêu cho các nạn nhân trong vụ thảm sát tại Đài phát thanh Huế.

Một trong những người bị thảm sát và được tôn vinh là thánh tử đạo là Trần Thị Phước Trị - em gái của Trần Mô Phạm và Trần Thị Phước Định - bạn học của tôi ở Đại học Văn khoa. Trần Mô Phạm là thân sinh của nữ diễn viên điện ảnh Trần Nữ Yên Khê - vợ của đạo diễn Trần Anh Hùng ở Pháp hiện nay. Ngay sau lễ cầu siêu, toàn thể tăng ni có mặt bắt đầu một cuộc tuyệt thực để cầu nguyện cho năm nguyện vọng sớm được giải quyết. Tin tuyệt thực được loan ra làm cho đồng bào phật tử Huế vô cùng xúc động. Hàng ngàn người xin tham gia, trong đó có nhiều sinh viên. Lúc ấy chúng tôi đấu tranh rất chân thành, đã tuyên bố tuyệt thực là tuyệt đối không ăn.

Để giữ danh dự với đối phương, một ly nước đường cũng không uống. Phải giữ lòng trong sạch để cầu nguyện cho năm nguyện vọng sớm được giải quyết.

Tuyệt thực được 24 tiếng, tôi thấy đuối sức, đầu óc bắt đầu nghĩ vẩn vơ. Một số người tuyệt thực không còn đủ sức ngồi nữa. Một vài người huyết áp xuống thấp phải gọi bác Đội Siêu ở phòng y tế chùa Từ Đàm lên chích thuốc cấp cứu. Tuyệt thực được 36 tiếng thì có tin thượng tọa Trí Quang bị ngất. Cái tin ấy làm chấn động cả thành phố Huế.

Bỗng trước cổng chùa xuất hiện một chiếc Mercedes màu cà phê sữa nhạt. Có tiếng tranh cãi ồn ào rồi thấy công an mật vụ giạt ra. Ôi, hết sức bất ngờ: bác sĩ Lê Khắc Quyến - khoa trưởng Đại học Y khoa, giám đốc Bệnh viện Huế - dẫn mấy sinh viên y khoa cầm ống nghe hối hả đi vào chùa. Ông hỏi chỗ thầy Trí Quang tuyệt thực và len lỏi đến thăm mạch, chích thuốc cho thầy. Tôi hết sức biết ơn và cảm thấy tinh thần mình phấn chấn trở lại. Sau đó tôi lại được biết với tư cách giám đốc Bệnh viện Huế, trực tiếp khám nghiệm những nạn nhân đã bị thảm sát ở Đài phát thanh Huế, bác sĩ Quyến khẳng định những người chết do lựu đạn, đạn bắn thẳng và xe thiết giáp cán chứ không phải do sức nổ plastic “của Việt cộng” như chính quyền đã công bố.

Bác sĩ Quyến được ông Diệm giao cùng với linh mục Cao Văn Luận sáng lập ra Đại học Y khoa Huế, là người thầy thuốc tin cậy của gia đinh họ Ngô... thế mà giờ đây lại đứng về phía Phật giáo đấu tranh với chế độ Diệm! Ôi, ý nghĩa làm sao!

Sau khi bác sĩ Quyến ra về, thấy có một bà cụ mặc áo dài màu vàng, quần dài trắng, đội khăn vàng, tay cầm một gói giấy lững thững đi vào chùa. Những người tuyệt thực ngồi rẽ qua hai bên để tránh đường cho bà. Nhiều người sụp lạy bà. Bà đến chỗ thầy Trí Quang ngồi và sụp lạy thầy. Bà già ấy là đức Từ Cung - thân mẫu của cựu hoàng Bảo Đại. Gói giấy trên tay bà là sâm Cao Ly xắt lát trộn với nếp rang, bà đem đến để khi cần cấp cứu những người tuyệt thực bị kiệt sức. Tôi đã đến nhà bà nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên tôi được gặp bà. Cái bức màn ngăn cách giữa người bình dân xứ Huế và hoàng tộc đã được vén lên.

______________________

Ngày 11-6-1963, ngọn lửa Thích Quảng Đức rực cháy giữa đường phố Sài Gòn. Ngọn lửa lan đến nhiều nơi, rồi bùng phát tại Huế.

Kỳ tới: Lửa từ bi từ Sài Gòn đến Huế

NGUYỄN ĐẮC XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp