Với mức giá cạnh tranh hơn nhiều so với các đối thủ cùng thị phần, Huawei đang phát triển rất nhanh tại khu vực Đông Nam Á thời gian qua ở lĩnh vực cung cấp thiết bị viễn thông cho hạ tầng mạng 5G - Ảnh: REUTERS
Hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc đang đối mặt với những khó khăn ngày càng tăng trong cuộc đua giành thị phần cung cấp thiết bị viễn thông cho mạng di động thế hệ thứ 5 (5G) khi Singapore trở thành quốc gia mới nhất công bố chọn hợp tác trong lĩnh vực này với các công ty châu Âu thay vì Huawei.
Trong khi đó, nhà mạng Viettel hợp tác với Nokia và cũng đã tự phát triển thiết bị 5G của riêng mình.
Thách thức lớn với Huawei tại Đông Nam Á
Theo báo Nikkei Asian Review, tháng trước các nhà mạng lớn nhất của Singapore Telecommunications và StarHub-M1 cho biết họ đã lần lượt chọn Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan là đối tác cung cấp thiết bị mạng 5G trong kế hoạch khởi động dịch vụ này từ tháng 1-2021.
Mặc dù chính phủ Singapore nhấn mạnh điều này không có nghĩa là sự từ chối Huawei, song thực tế cho thấy rõ ràng nhà cung cấp thiết bị viễn thông Trung Quốc đã mất đi những lợi thế trọng yếu tại Singapore.
Và như vậy, khi quốc gia giàu nhất và cũng là nước có trình độ công nghệ hiện đại nhất ở khu vực Đông Nam Á là Singapore đã chính thức chọn các công ty châu Âu để xây dựng mạng 5G, những diễn biến liên quan tiếp theo với Huawei sẽ tập trung vào các nước khác trong khu vực.
Trên thực tế, xu hướng xây dựng và phát triển mạng 5G tại Đông Nam Á nói riêng và nhiều quốc gia khác trên thế giới nói chung là thực tế tất yếu.
Lúc này, các tổ chức doanh nghiệp cũng như cá nhân đều có chung xu hướng tận dụng tối đa các phương thức làm việc và học tập, kinh doanh từ xa. Do đó các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông ở khu vực Đông Nam Á cũng đang tập trung đầu tư, phát triển các nền tảng dịch vụ mạng 5G.
Nhà cung cấp dịch vụ di động lớn nhất của Thái Lan, Advanced Info Service, trong tháng 5 tiết lộ công ty đã dành ra một khoản ngân sách 1,2 tỉ USD để đầu tư mở rộng mạng 5G với mục tiêu cung cấp mạng này tới khoảng 13% dân số Thái Lan vào cuối năm nay.
Theo Nikkei Asian Review, ba nhà mạng lớn của Việt Nam là Viettel, Mobifone và Vinaphone cũng đã hoàn thành các đợt thử nghiệm dịch vụ mạng 5G tại các thành phố lớn từ tháng 4 năm nay.
Trên thực tế, như các chuyên gia trong ngành đã chỉ ra với giá thành hết sức cạnh tranh, rẻ hơn khoảng 30% so với thiết bị viễn thông cùng loại mà các đối thủ ở châu Âu như Ericsson và Nokia cung cấp, Huawei đã và đang mở rộng thị trường mạnh mẽ của họ tại khu vực Đông Nam Á.
Huawei đã hợp tác với nhà mạng AIS (Thái Lan) để phát triển mạng 5G quốc gia. Công ty này cũng kết hợp với nhà mạng Maxis của Malaysia để xây dựng mạng 5G ở đây. Tại Philippines, Huawei cũng hợp tác với Globe Telecom để cung cấp các dịch vụ 5G thí điểm. Campuchia hiện cũng là nước đang sử dụng thiết bị viễn thông của Huawei.
Với mức giá cạnh tranh hơn nhiều so với các đối thủ cùng thị phần, Huawei đang phát triển rất nhanh tại khu vực Đông Nam Á thời gian qua ở lĩnh vực cung cấp thiết bị viễn thông cho hạ tầng mạng 5G - Ảnh: REUTERS
Cuộc chiến giành thị phần
Tuy thế, các đối thủ cạnh tranh với Huawei cũng đang nỗ lực khuếch trương thị phần của họ tại khu vực Đông Nam Á.
Nhà mạng là đối thủ của AIS tại Thái Lan trong tháng 4 đã chọn Ericsson là đối tác cung cấp hệ thống truy cập vô tuyến, một phần của mạng lưới 5G quốc gia, theo đó công ty của Thụy Điển sẽ cung cấp hệ thống này tại 3 vùng của Thái Lan.
Việc tập đoàn viễn thông Singtel của Singapore lựa chọn Ericsson cũng đã tạo thêm động lực mới cho hãng công nghệ Thụy Điển tại khu vực Đông Nam Á, bởi Singtel không chỉ là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu của Singapore mà còn là công ty có tầm ảnh hưởng ở khu vực châu Á.
Bất kể những "làn gió ngược" đang ngày một mạnh lên, trong trao đổi với báo Nikkei Asian Review, một người phát ngôn của Huawei cho biết công ty này vẫn sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội tại quốc đảo sư tử.
Về vấn đề này, bà Sofea Zukarnain, nhà nghiên cứu tại hãng tư vấn Frost & Sullivan (Mỹ), cho rằng quyết định của Singapore trong việc lựa chọn đối tác xây dựng mạng 5G "sẽ không gây ảnh hưởng tới cuộc đua 5G toàn cầu của Huawei".
Bởi theo bà Sofea Zukarnain, mặc dù không được lựa chọn để tham gia phát triển hạ tầng 5G chính của quốc đảo sư tử, song Huawei vẫn sẽ có liên quan nhất định trong hệ sinh thái rộng hơn của hệ thống mạng này, chỉ là với vai trò nhỏ hơn.
Cho tới nay, theo báo Nikkei Asian Review, mới chỉ có một trong số ít các nước bày tỏ rõ ràng quan điểm không chọn các nhà cung cấp thiết bị viễn thông Trung Quốc, đó là Việt Nam.
Nhà mạng Viettel hợp tác với Nokia và cũng đã tự phát triển thiết bị 5G của riêng họ, theo đó giúp Viettel có thể bỏ qua các thiết bị 5G do Huawei sản xuất.
Thời gian qua chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục tăng cường vận động các nước ủng hộ chiến dịch tẩy chay Huawei của Washington với lý do cáo buộc nhà cung cấp thiết bị viễn thông này đã hậu thuẫn chính quyền Trung Quốc trong các hoạt động do thám, tình báo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận