27/06/2018 12:06 GMT+7

Huawei của Trung Quốc lo mất hợp đồng to ở Úc

TƯỜNG NGUYỄN
TƯỜNG NGUYỄN

TTO - Ngay trước thời điểm Quốc hội Úc thông qua luật cấm can thiệp chính trị từ bên ngoài, tập đoàn viễn thông của Trung Quốc bị tố chi tiền cho nhiều chính trị gia Úc công du.

Huawei của Trung Quốc lo mất hợp đồng to ở Úc - Ảnh 1.

Điều khiến nhiều quốc gia phát triển lo lắng khi làm ăn với Huawei của Trung Quốc là ai đứng sau tập đoàn này - Ảnh: REUTERS

Vụ việc lại càng làm căng thẳng thêm cho mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa hai quốc gia thời gian gần đây, đặc biệt sau những tố cáo chính trị gia Úc nhận tiền của các ông chủ Trung Quốc để tuyên bố có lợi cho Trung Quốc.

Gần đây, tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei liên tục bị cảnh báo về việc không an toàn và có thể tạo khả năng thâm nhập từ bên ngoài trong khi đang tìm cách lấy được hợp đồng xây dựng mạng 5G ở Úc.

Huawei đeo đuổi hợp đồng ở Úc

Theo hãng tin Reuters, sáng nay (27-6), chủ tịch của Huawei tại Úc phải lên tiếng "vận động hành lang" khi khẳng định công nghệ của Huawei là "an toàn và bảo mật", nhằm chống lại các quan ngại cho rằng mối liên hệ với Trung Quốc gây ra rủi ro an ninh.

Chính quyền Canberra đã bắt đầu để ý tới Huawei trong vài năm qua. Úc từng cấm Huawei tham gia đấu thầu xây dựng mạng băng thông rộng quốc gia vào năm 2012 và 2013.

Vào năm 2012, Huawei đã không được phép đấu thầu cho mạng băng thông rộng của Úc do các mối lo ngại về vấn đề an ninh không gian mạng do cơ quan tình báo ASIO của Úc đề xuất.

Cho tới nay, lệnh cấm đang tiếp tục được duy trì.

Tuy nhiên mặc cho sự cấm đoán đó, Huawei vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược tiếp cận thị trường Úc. Đã có nhiều bản hợp đồng giá trị được ký kết giữa Huawei và Bộ Truyền thông Úc, nhà mạng Optus, Vodafone vào hồi cuối năm ngoái.

Gần đây hợp đồng xây dựng mạng 5G tiếp tục được bàn kỹ trở lại và Huawei vẫn là ứng viên sáng giá dù các phương tiện truyền thông Úc không ngớt dẫn lời chuyên gia lẫn chính trị gia ngăn cản khả năng này.

Công nghệ mạng 5G của Huawei thực ra đã vượt xa nhiều hãng sản xuất phần cứng viễn thông khác ở châu Âu hay Mỹ. Đây là điều đáng bàn nếu xét đến giá trị kinh tế và lợi ích lâu dài.

Vì vậy, trả lời hãng tin AP của Mỹ, ông John Lord - lãnh đạo Huawei tại Úc, dọa dẫm: "Loại bỏ Huawei sẽ không làm cho mạng viễn thông Úc an toàn hơn, nhưng sẽ có tác động rất lớn đến ngành công nghiệp và giá cả cũng như dịch vụ mà người Úc lẽ ra phải nhận được".

"Đó sẽ là một thất bại lớn về chính sách và điều đó chứng minh cho thế giới thấy rằng chúng ta chưa sẵn sàng cho thực tế mới về một Trung Quốc thông minh và sáng tạo", ông Lord trách cứ đồng thời khẳng định sản phẩm của Huawei là "an toàn và được bảo mật tốt".

Huawei của Trung Quốc lo mất hợp đồng to ở Úc - Ảnh 2.

Truyền thông Âu-Mỹ vẫn cho rằng cho đến nay Huawei chưa có lời giải thích rõ ràng về mối quan hệ với chính quyền Bắc Kinh - Ảnh: REUTERS

Việc ông Lord, một chuẩn đô đốc của Hải quân Úc, làm lãnh đạo cho Huawei tại Úc cho thấy sức mạnh ảnh hưởng phần nào của "năng lực mềm" Trung Quốc tại Úc.

Hôm qua, truyền thông Úc dẫn nghiên cứu từ Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Úc (ASPI) - một tổ chức nghiên cứu chính sách độc lập, cho thấy Huawei đã trả tiền cho 12 chuyến đi của quan chức liên bang Úc, trong tổng số 55 chuyến đi có tài trợ của những nhân vật trong chính trường nước này.

Các khoản thanh toán này bao gồm các chuyến bay hạng thương gia, chuyến đi nội địa, chỗ ăn ở từ năm 2010 tới nay.

Các chính trị gia Úc được tài trợ có Ngoại trưởng Julie Bishop, Bộ trưởng Thương mại Steve Ciobo và cựu bộ trưởng thương mại Andrew Robb.

Thông tin được công bố không phải vô cớ khi Hạ viện Úc vừa thông qua luật chống can thiệp chính trị từ nước ngoài (thông qua các nguồn tài chính tài trợ) và luật tiếp tục được thông qua trong hôm nay.

Sự can thiệp của các nguồn tài trợ nước ngoài cho chính trị gia Úc, thực ra được truyền thông Úc nêu rõ là tiền của Bắc Kinh, trở thành vấn đề cực nóng dưới thời lãnh đạo của Thủ tướng Malcolm Turnbull.

Theo Reuters, hôm nay, thủ tướng Turnbull tiếp tục tuyên bố rằng chính phủ của ông vẫn đang cân nhắc vai trò của Huawei trong hệ mạng 5G mới ra đời của nước này.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét điều đó và nhận được lời khuyên tốt nhất từ ​​các cơ quan an ninh quốc gia của chúng tôi", ông nói.

Mỹ cạch mặt Huawei, cảnh báo với Úc

Việc cân nhắc trên rõ ràng khiến Huawei - nhà sản xuất thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp điện thoại thông minh số 3, cực kỳ lo lắng.

Tập đoàn này đã gần như bị đóng cửa khỏi thị trường khổng lồ của Mỹ vì lo ngại về an ninh quốc gia.

Hồi tháng 2, Hàng loạt quan chức nhiều cơ quan tình báo hàng đầu nước Mỹ lên tiếng khuyên người dùng không nên dùng smartphone Huawei. Thậm chí nhiều nghị sĩ Mỹ đã hối thúc nhà mạng AT&T chấm dứt quan hệ với hãng công nghệ Trung Quốc do những lo ngại liên quan đến an ninh quốc gia.

Theo trang công nghệVenturebeat, các quan chức đứng đầu Cơ quan An ninh Mỹ (NSA) hay Bộ An ninh Nội địa Mỹ từng trao đổi với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull về mối quan tâm liên quan đến công nghệ 5G do công ty Trung Quốc Huawei phát triển.

Mối lo hàng đầu của chính phủ Mỹ là rủi ro an ninh khi Huawei tham gia xây dựng mạng 5G. Họ cho rằng, Huawei có thể là tay sai cài cắm gián điệp không gian mạng của Trung Quốc nhằm theo dõi mối quan hệ Mỹ-Úc.

Sau đó, họ đã công bố rằng Sở Nội vụ của Úc sẽ tiến hành một cuộc đánh giá an ninh trước khi Huawei có thể được tham gia.

Theo báo Business Insider, 6 giám đốc tình báo, bao gồm cả những người đứng đầu của CIA, FBI và NSA đều đã làm chứng hồi tháng 2 năm nay rằng họ sẽ không sử dụng và cũng sẽ không khuyến nghị công dân sử dụng sản phẩm từ Huawei. 

Kể từ đó, bộ phận quốc phòng của Úc đã chia sẻ rằng họ không còn sử dụng điện thoại của Huawei, và Lầu Năm Góc cũng đã công bố rằng họ đã ngừng bán điện thoại và modem cho các căn cứ quân sự.

TƯỜNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp