Đi ngang khu Chợ Lớn, Tuổi Trẻ Online ghé vào quán hủ tiếu sa tế Tô Ký trên con đường Gia Phú.
Theo chị Tô Mỹ Doanh - chủ quán hiện tại, đến nay cái tên 'hủ tiếu sa tế Tô Ký' đã tồn tại gần một thế kỷ ở Sài Gòn - Chợ Lớn.
Công thức hủ tiếu sa tế bí truyền của người Triều Châu
Chị Doanh cho biết người đầu tiên gây dựng cái tên hủ tiếu sa tế Tô Ký là ông Tô Cẩm, ông nội chị.
Khi xưa, ông Cẩm ở khu Chợ Lớn vừa buôn bán vừa làm thầy thuốc Bắc. Từ nghề thầy thuốc, ông chuyển qua bán thêm hủ tiếu để có tiền trang trải cho gia đình.
Công thức làm món ăn do ông đem từ Trung Quốc sang khu Chợ Lớn từ năm 1932. Sau này, ông Cẩm truyền lại cho người con trai, cũng chính là ba của chị Doanh.
Bên trái: ông Tô Cẩm, người sáng lập hủ tiếu sa tế Tô Ký. Bên phải: ông Tô Hưng, người con cả nối nghiệp - Ảnh: Nhân vật cung cấp độc quyền cho báo Tuổi Trẻ
Đến đời của chị Doanh thì ở khu Chợ Lớn đã có bốn quán Tô Ký duy trì công thức hủ tiếu sa tế gia truyền này, thuộc sở hữu của chị và người thân trong nhà.
Đó là các quán nằm trên đường Gia Phú, Chu Văn An, Phạm Văn Chí (quận 6), Gò Công (quận 5).
Hiện tại, quán Tô Ký có hai món là hủ tiếu sa tế và hủ tiếu nước.
Riêng hủ tiếu sa tế có nước lèo sền sệt, kết hợp hơn 30 loại gia vị khác nhau như: bột sa tế, đậu phộng, tương mè, ớt riềng, hành sả, các vị thuốc Bắc, tôm khô giã nhuyễn...
Đặc biệt, theo nhiều thực khách, nước lèo ở đây còn có vị béo, hậu vị ngọt do có nước cốt dừa sánh đặc.
Điểm đặc biệt của tô hủ tiếu Tô Ký là nước lèo sệt, béo, có hậu vị ngọt - Ảnh: THÙY LINH
Theo chị Doanh, trong công thức do ông nội chị để lại, bột sa tế pha thuốc Bắc có tác dụng trị đau bao tử, phù hợp với những người bụng yếu, khó tiêu hóa.
Mỗi lần làm bột sa tế để trộn vào hủ tiếu cũng rất kỳ công nên thường làm một mẻ khoảng trăm ký để bán dần dần. Những lúc này, quán hủ tiếu của gia đình chị phải tạm đóng cửa để tập trung chế biến.
Sợi hủ tiếu gần 3 thế hệ
Chị Doanh kể hồi xưa, quán Tô Ký có nhiều đối tượng khách khác nhau. Người trong nhà phải biết nhiều thứ tiếng như: tiếng Anh, tiếng Phúc Kiến, Quan Thoại, Hải Nam... để giao tiếp.
Chủ của Tô Ký là người Tiều nên người ta thường hay gọi nơi đây là quán hủ tiếu Triều Châu. "Tô Ký là tên do ông nội tôi đặt. "Tô" là họ của người chủ, "Ký" là ký hiệu chung của một cửa tiệm trong cách nói của người Hoa" - chị Doanh giải thích.
Các nguyên liệu làm tô hủ tiếu được chọn lựa kỹ, lấy từ các “mối quen” từ đời ông Tô Cẩm. Ví như sợi hủ tiếu, chị Doanh mua ở một tiệm "cha truyền con nối" cũng gần 3 đời.
Đề cập đến sự tiếp nối của công thức hủ tiếu gia truyền, chị bảo:
"Gia đình tôi xác định sẽ giữ nghề này của ông nội bởi đó là nghề nuôi sống gia đình. Từ nhỏ, chúng tôi đã ra phụ ba bán vì thấy ba cực quá và rồi làm đến giờ.
Trải qua bao năm, tôi luôn tự hào khi vẫn còn tiếp tục duy trì được tên quán mà ông nội đã gầy dựng.
Vui nhất là khi còn thấy nhiều vị khách quen từ phương xa về Việt Nam vẫn tìm đến quán để ăn. Mong ước của tôi là cố gắng hơn nữa để không phụ lòng các thực khách gần xa".
Phần đầy đủ của hủ tiếu sa tế gồm: thịt bò, lá sách, bò viên... - Ảnh: THÙY LINH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận