Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát, hiện nay cả nước có 14.500 hợp tác xã, nhưng có tới 9.085 hợp tác xã nông nghiệp với 6,7 triệu xã viên là các hộ nông dân nhỏ lẻ, ruộng đất nhà ai vẫn của nhà ấy. “Có 95% các hợp tác xã chuyển đổi thì xã viên không góp vốn thêm mà chỉ tiếp tục khai thác các hệ thống thủy lợi và cơ sở vật chất đã có từ trước. Do vậy, đa số hợp tác xã nông nghiệp hiện nay có rất ít vốn” - ông Phát cho biết.
“Kinh tế tập thể hiện nay quá yếu kém, ngày càng lu mờ dần, không thực hiện được sứ mệnh của kinh tế nhà nước - trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân” - Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Nguyễn Thanh Tùng nhận xét. Ông Tùng cho rằng khó khăn lớn nhất của hợp tác xã hiện nay là thiếu vốn để đầu tư phát triển. “Bình quân thu nhập chênh lệch một năm của hợp tác xã nông nghiệp như ở Bình Định khoảng vài trăm triệu đồng, sau khi trừ chi lương, chi phí hành chính, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thì trích lập quỹ đầu tư phát triển chỉ khoảng vài chục triệu đồng. Số tiền này quá ít ỏi, không đầu tư làm được việc gì” - ông Tùng nói.
Ông Tùng đề nghị Quốc hội miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp để giúp hợp tác xã tích lũy quỹ đầu tư phát triển trong điều kiện khó khăn về vốn. Bên cạnh đó cần tháo gỡ những vướng mắc cho hợp tác xã nông nghiệp được vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất.
Phó chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa phân tích: những giá trị phổ biến của hợp tác xã là tự trợ giúp, tự chịu trách nhiệm, dân chủ, công bằng và đoàn kết. Như vậy, có thể thấy hợp tác xã không chỉ lấy lợi ích kinh tế mà cả các lợi ích xã hội, lợi ích của các thành viên làm mục tiêu hoạt động của hợp tác xã, được tổ chức theo giá trị và nguyên tắc của một tổ chức xã hội. Lấy con người và lợi ích xã viên làm trung tâm, lấy đối nhân làm nguyên tắc tổ chức và hoạt động. Do đó ông đề nghị luật phải quy định theo hướng tất cả hoạt động mang lại lợi ích, thu nhập cho xã viên đều được khuyến khích, tạo điều kiện mở rộng phát triển, không được hạn chế.
Tạo điều kiện tốt hơn cho luật sư hoạt động Chiều 19-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư. Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương), chương trình đào tạo nghề luật sư hiện nay với thời gian sáu tháng là ngắn, vì với thời gian như vậy chỉ đủ trang bị những kỹ năng cơ bản mà thiếu thời gian thực tập, nên tăng thời gian đào tạo lên 12 tháng. Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng những đối tượng nào đã nắm vững kỹ năng nghề luật sư thì nên được miễn đào tạo. Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) đề nghị tiếp tục rút ngắn các thủ tục hành chính để tạo điều kiện tốt hơn nữa cho luật sư hoạt động, về lâu dài nên bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư theo tinh thần cải cách tư pháp. Tuy nhiên, đại biểu Đặng Công Lý (Điện Biên) cho rằng tình hình tội phạm đang diễn biến phức tạp, vì vậy việc duy trì quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa là cần thiết. Đại biểu Trần Xuân Hùng (Hà Nam) cho rằng tỉ lệ các vụ án luật sư được tham gia ngay từ giai đoạn điều tra còn quá thấp so với tổng số vụ án hình sự bị khởi tố. Bên cạnh đó còn có một số nguyên nhân do cơ quan tiến hành tố tụng chưa tạo điều kiện thuận lợi để luật sư thực hiện đầy đủ chức năng của mình, một số điều tra viên chưa ủng hộ luật sư tham gia từ giai đoạn đầu của điều tra. Đã đến lúc cần sửa đổi, bổ sung pháp luật về tố tụng hình sự một cách toàn diện theo hướng dân chủ hóa hơn nữa hoạt động tố tụng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận