Với những kết quả tích cực đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc và dự Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) của Thủ tướng Phạm Minh Chính, cùng với nhiều dư địa trong hợp tác, Việt Nam và Trung Quốc kỳ vọng sẽ thiết lập những kỷ lục mới về thương mại, đầu tư trong thời gian tới.
Diễn đàn hợp tác đầu tư và thương mại Việt Nam - Trung Quốc ngày 28-6 là một trong những hoạt động cuối trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 25 đến 28-6 của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Cơ hội tốt cho nhà đầu tư
Cả hội trường lớn chật kín với hàng trăm doanh nghiệp (phần lớn là của Trung Quốc) đang muốn đầu tư vào Việt Nam. Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Quốc Trung cho rằng chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tiếp thêm động lực mạnh mẽ cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện hai nước.
"Thế giới thay đổi nhanh hơn, Trung Quốc và Việt Nam cần thúc đẩy hợp tác thương mại lên trình độ cao hơn, tầm cao mới, đẩy nhanh kết nối phát triển hai nước. Việc thúc đẩy kết nối phát triển có ý nghĩa quan trọng. Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam phát huy đầy đủ Hiệp định Thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN, thúc đẩy cân bằng thương mại song phương" - ông Lưu nói.
Đồng tình với nhận định của ông Lưu về việc hai nước còn nhiều dư địa trong hợp tác, Thủ tướng kỳ vọng sẽ có những "kỷ lục mới" được hai nước thiết lập trong thời gian tới. Ông cũng nhắc lại lời Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định sẽ mở cửa hơn nữa cho hàng xuất khẩu Việt Nam, cũng như khuyến khích doanh nghiệp tiêu biểu của Trung Quốc đầu tư sang Việt Nam, theo đó Thủ tướng cho rằng đây là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư.
"Còn nhiều dư địa để lập các kỷ lục mới trong thương mại, đầu tư. Bởi không khí chính trị, quan hệ tốt đẹp của hai bên đang rất tốt, chúng ta phải nỗ lực để làm được. Chúng tôi cam kết về môi trường đầu tư, hạ tầng, giảm chi phí, tăng chất lượng, nâng cao hiệu quả sản phẩm" - Thủ tướng nói.
Lãnh đạo Tập đoàn Texhong chia sẻ doanh nghiệp này đã đầu tư ở Việt Nam khoảng 6 tỉ USD và tạo được 20.000 việc làm. Việc đầu tư ở Việt Nam thuận tiện hơn nhờ nhân lực tại chỗ, hạ tầng logistics và giao thông thuận tiện, chỉ nửa ngày đã đưa hàng hóa đến được Trung Quốc. "Công ty được hưởng lợi từ quan hệ phát triển giữa hai nước, tham gia đóng góp thương mại kim ngạch cho cả hai bên, giúp hình thành chuỗi sản xuất may mặc từ Trung Quốc đến Việt Nam" - doanh nghiệp này cho biết.
Trong khi đó, theo lãnh đạo Tập đoàn Gotech, Việt Nam có lợi thế dân số trẻ nên doanh nghiệp này mong đẩy mạnh đầu tư khu công nghiệp nhưng hy vọng có đủ quỹ đất cho các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng, đáp ứng nhu cầu điện, năng lượng, tháo gỡ về phòng cháy, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Lãnh đạo Tập đoàn Thái Bình Dương cũng cho rằng có nhiều cơ hội hợp tác phát triển hạ tầng ở Việt Nam nên hy vọng những dự án đầu tư có thể giao cho tư nhân làm để đảm bảo hiệu quả cao hơn.
Hợp tác thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu rất lớn các mặt hàng thực phẩm chế biến, đồ uống, nông sản, thủy sản từ Việt Nam. Trong khi đó doanh nghiệp Việt cũng đang tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất, cung ứng. Các mặt hàng công nghiệp, chế biến chế tạo đã trở thành nhóm hàng chủ lực và động lực tăng trưởng cho xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng việc Trung Quốc phát triển một nền thương mại chất lượng cao, kiểm soát chặt chất lượng hàng nhập khẩu từ thế giới, trong đó có Việt Nam, là xu thế tất yếu. Vì vậy vị này cho biết đã liên tục đưa ra khuyến cáo, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp và hộ sản xuất chủ động đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc... của Trung Quốc. Mục tiêu là để thích ứng với sự thay đổi của thị trường Trung Quốc và để hàng hóa chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch tới nước này.
Đánh giá về kết quả chuyến đi, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định tin cậy chính trị giữa hai nước được tăng cường mạnh mẽ, tạo cơ sở quan trọng để đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung trong tình hình mới, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước.
"Phía Trung Quốc khẳng định sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, nhất là hàng nông sản, tăng thêm hạn ngạch cho hàng hóa Việt Nam quá cảnh bằng đường sắt Trung Quốc đi nước thứ ba, mở rộng đầu tư chất lượng cao của Trung Quốc vào những lĩnh vực phù hợp với nhu cầu của Việt Nam" - ông Sơn cho biết.
Kêu gọi nhà đầu tư Trung Quốc "nói là làm"
Để hiện thực hóa những cam kết đã đạt được trong chuyến đi này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sẽ chỉ đạo thành lập tổ công tác chuyên biệt để thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại Việt - Trung đi vào chiều sâu, thực chất.
Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư mở rộng với tinh thần nói là làm, cam kết là thực hiện, đã làm phải ra hiệu quả để hai bên cùng thắng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận