Ngày 15-4, tập đoàn Dược phẩm Pfizer (Mỹ) và Hệ thống tiêm chủng VNVC, Viện Nghiên cứu Hệ thống BVĐK Tâm Anh (TAMRI) đã ký kết biên bản ghi nhớ về nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm do phế cầu khuẩn và RSV gây ra nhằm phát triển thuốc, vắc xin mới.
Theo đó, ba bên đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về triển khai, ứng dụng các kỹ thuật mới trong việc đào tạo cán bộ y tế, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về quản lý và phòng ngừa bệnh, hỗ trợ các sáng kiến nghiên cứu y khoa. Hợp tác đặc biệt tập trung nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp do phế cầu khuẩn và RSV gây ra nhằm phát triển thuốc, vắc xin mới.
Nội dung ký kết tập trung vào ba mục tiêu chính: Hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai và ứng dụng các kỹ thuật mới trong việc đào tạo các cán bộ y tế, thực hiện các chương trình giáo dục và nhận thức cho cộng đồng; đảm bảo việc cung cấp các vắc xin mới, phát minh mới bền vững cho người dân Việt Nam; hỗ trợ các sáng kiến nghiên cứu y khoa, bao gồm các sáng kiến mới của BVĐK cũng như Viện Nghiên cứu Tâm Anh (TAMRI), tập trung vào các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp do phế cầu khuẩn và RSV, đồng thời xây dựng dữ liệu y tế nhằm xác định gánh nặng bệnh tật hoặc để cải tiến thuốc, vắc xin, từ đó cải thiện chất lượng y tế tại Việt Nam.
Theo Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tâm Anh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế, Đại học UTS Australia, Viện sĩ Viện hàn lâm Y học Australia (FAHMS), hợp tác sẽ thực hiện các nghiên cứu về dịch tễ học, đặc biệt là bệnh do phế cầu khuẩn và virus hợp bào hô hấp RSV gây ra, các chương trình nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng liên quan đến thuốc (tim mạch, hô hấp…), vắc xin với Pfizer.
"Trong đó, phế cầu khuẩn là nguyên nhân hàng đầu gây viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết… khiến hàng trăm nghìn trẻ em và người lớn trên thế giới tử vong, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi.
Virus hợp bào hô hấp (RSV) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ em như viêm mũi họng, viêm phổi, viêm phế quản…, tăng tỷ lệ nhập viện và tử vong ở những người lớn tuổi, có bệnh nền. Tuy nhiên ở Việt Nam, các nghiên cứu về phế cầu và RSV cũng như các dữ liệu liên quan còn hạn chế", GS Tuấn cho biết.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nhận định, sự kiện hợp tác mở ra cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ các chương trình thử nghiệm lâm sàng của Pfizer trên khắp thế giới. Ngược lại, TAMRI cũng có đội ngũ chuyên gia lâm sàng, có thế mạnh về khoa học dữ liệu, khoa học cơ bản nên có thể hỗ trợ Pfizer về mảng phân tích dữ liệu, phân tích gen…
Ngoài Pfizer, TAMRI đã và đang hợp tác với hàng chục công ty dược phẩm, hãng vắc xin hàng đầu thế giới như AstraZeneca (Anh), MSD (Mỹ) và hiện đang có ít nhất 10 thử nghiệm lâm sàng đang thực hiện.
Là đối tác chiến lược toàn diện của Pfizer ở mảng tiêm chủng vắc xin, bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc cung ứng Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết đã xác định mục tiêu trở thành đơn vị tiên phong mang các vắc xin mới, vắc xin chất lượng cao về cho người dân Việt Nam.
"Do đó, việc tham gia vào các nghiên cứu, đầu tư cho khoa học để cùng các nhà sản xuất vắc xin hướng tới phát triển các vắc xin mới chính là sứ mệnh, nhiệm vụ quan trọng mà chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các tập đoàn lớn, uy tín như Pfizer", bà Hà nhấn mạnh.
Đại diện Pfizer cho biết hợp tác này diễn ra vào một thời điểm quan trọng, khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe chất lượng cao ngày càng tăng đặt ra nhiều thách thức phải giải quyết. Pfizer có lịch sử thành lập đến nay đã 175 năm.
Hãng đặt mục tiêu sẽ tiếp cận, đẩy mạnh phát triển hệ thống y tế, bảo vệ sức khỏe cho khoảng một tỷ người nói chung và đất nước có 100 triệu dân như Việt Nam nói riêng. Mục tiêu này sẽ cần sự đồng hành, hỗ trợ của Hệ thống tiêm chủng VNVC, Viện Nghiên cứu Tâm Anh, BVĐK Tâm Anh.
Ông Anil Argilla, Chủ tịch các thị trường mới nổi châu Á, công ty Pfizer cho rằng sự hợp tác thể hiện đúng với cam kết của Pfizer trong việc cải thiện ngành chăm sóc sức khỏe và thúc đẩy y tế thông qua việc sử dụng các công nghệ tiên tiến cùng các nghiên cứu dựa trên dữ liệu.
"Bằng cách hợp tác cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt thực sự cho cuộc sống của bệnh nhân tại Việt Nam và giúp đạt được mục tiêu xây dựng cộng đồng khỏe mạnh hơn trên toàn thế giới", ông nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận