14/11/2018 09:01 GMT+7

Hợp tác đa phương trở nên cấp thiết

L.NAM - D.AN - D.LINH
L.NAM - D.AN - D.LINH

TTO - Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khẳng định hợp tác đa phương vẫn đóng vai trò nền tảng trong hợp tác quốc tế của ASEAN, giúp duy trì tăng trưởng và ổn định trong khu vực.

Hợp tác đa phương trở nên cấp thiết - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ 4 từ trái sang) và các trưởng đoàn chụp ảnh chung tại lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN 33 - Ảnh: TTXVN

Phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần 33 ngày 13-11, Thủ tướng nước chủ nhà Singapore Lý Hiển Long khẳng định hợp tác đa phương vẫn đóng vai trò nền tảng trong hợp tác quốc tế của ASEAN, giúp duy trì tăng trưởng và ổn định trong khu vực.

Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định những thay đổi bên ngoài khu vực cùng với những thách thức ngày càng phức tạp như bất ổn về thương mại, gián đoạn công nghệ thì các cơ chế hợp tác đa phương đóng vai trò vô cùng quan trọng và trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Nhiều nước hướng đến hành động đơn phương

Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, nhiều quốc gia, bao gồm cả các cường quốc, đang hướng đến các hành động đơn phương và thỏa thuận song phương, thậm chí công khai phủ quyết các thể chế và hướng tiếp cận đa phương.

"Đến giờ chúng ta vẫn không rõ được rằng liệu thế giới sẽ thiết lập nên các luật lệ và quy chuẩn mới trong quan hệ quốc tế không hay là trật tự thế giới sẽ chia năm xẻ bảy ra thành các phe đối địch nhau" - Thủ tướng Lý Hiển Long đặt câu hỏi.

Sau đó, người đứng đầu Chính phủ Singapore cũng đưa ra cảnh báo: "Những xu hướng chiến lược trong cạnh tranh giữa các nước lớn và xu hướng chống lại chủ nghĩa đa phương đang lôi kéo các quốc gia thành viên ASEAN vào các con đường khác khau".

Tuy nhiên, Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định bằng cách kết hợp với nhau và tìm tiếng nói chung, thay vì đi theo những hướng riêng biệt, các thành viên ASEAN sẽ củng cố vị thế của khối trên thế giới.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, thạc sĩ Hoàng Thị Hà, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore), nhận định bài phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long đã gửi đi một thông điệp rất rõ ràng và mạnh mẽ về sự cấp thiết phải duy trì hợp tác đa phương, đặc biệt là các thể chế thương mại đa phương mở, tự do và dựa trên luật lệ trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Bài phát biểu đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN với tư cách là đầu tàu của hợp tác đa phương ở khu vực.

COC sẽ hoàn tất trong 3 năm

Phát biểu bên lề hội nghị ngày 13-11, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nhấn mạnh Washington phản đối mạnh mẽ các hành động quân sự đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông. 

Ông Bolton cũng khẳng định tần suất triển khai các chiến dịch "tuần tra đảm bảo tự do hàng hải" của Mỹ trong khu vực đã gia tăng thời gian gần đây.

Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cùng ngày bày tỏ hi vọng quá trình tham vấn xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) sẽ hoàn tất trong vòng 3 năm tới.

"Trung Quốc và ASEAN sẽ được hưởng lợi từ tiến trình này, cũng như tự do thương mại và tiếp tục đảm bảo lợi ích của các bên liên quan" - ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh tại Singapore.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nêu rõ trong hai thập niên qua, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực và Bắc Kinh hi vọng điều này sẽ tạo cơ hội giúp đạt được bước tiến quan trọng trong quá trình tham vấn COC.

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng cùng nỗ lực với các nước trong khu vực đẩy nhanh thúc đẩy tham vấn về COC.

COC đang được kỳ vọng sẽ đủ khả năng thay thế DOC vốn bị cho là lỏng lẻo, thiếu ràng buộc pháp lý trong bối cảnh hiện tại.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định các diễn biến thời gian qua trên Biển Đông không khỏi gây lo ngại cho các nước trong khu vực. Những hoạt động đơn phương trên thực địa có thể dẫn đến tính toán sai lầm và nguy cơ va chạm cao. 

Thủ tướng nhấn mạnh lại các nguyên tắc đã được nhất trí trong ASEAN về đề cao luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 trong giải quyết hòa bình các tranh chấp, kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không quân sự hóa, không làm phức tạp tình hình, tăng cường lòng tin, tích cực xây dựng một COC hiệu quả, thực chất và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ DOC.

Thương chiến Mỹ - Trung sẽ tạo ra hiệu ứng domino

Theo Đài Channel News Asia, phát biểu tại một hội nghị về đầu tư và kinh doanh ASEAN cùng ngày, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad khẳng định rằng sự căng thẳng thương mại giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới Mỹ và Trung Quốc sẽ tạo ra "hiệu ứng domino", ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu.

Ông cho rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ là lý do để các quốc gia phát triển thông qua các biện pháp bảo hộ chống lại các quốc gia đang phát triển, bao gồm các nước thành viên ASEAN. Những biện pháp bảo hộ này bao gồm: thiết lập các rào cản thương mại chẳng hạn như hạn ngạch quota, cấm vận, trừng phạt kinh tế, áp thuế và các hình thức khác để điều tiết thị trường.

"Đây không phải là thời điểm đóng các cánh cửa lại để đối phó với các biện pháp bảo hộ. Thay vào đó, chúng ta phải chủ động tham gia vào việc tìm ra các giải pháp hợp tác và giải quyết các vấn đề thương mại thông qua các cơ chế đa phương, chẳng hạn giữa các quốc gia ASEAN với nhau" - thủ tướng 93 tuổi nhấn mạnh.

ASEAN phải giữ vai trò kiến tạo

TTO - Chiều nay 13-11, Hội nghị cấp cao ASEAN lần 33 khai mạc tại Singapore với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

L.NAM - D.AN - D.LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp