11/07/2024 08:29 GMT+7

Hợp tác công nghiệp Halal, hàng Việt nhiều cơ hội đến với 1/4 dân số thế giới

Hợp tác công nghiệp Halal giữa Việt Nam và Malaysia có thể giúp hàng Việt tiếp cận được các tín đồ đạo Hồi trên toàn cầu.

Ông Zafrul Abdul Aziz - bộ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia - trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ vào trưa 10-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Zafrul Abdul Aziz - bộ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia - trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ vào trưa 10-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Bộ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia ZAFRUL ABDUL AZIZ khẳng định hợp tác công nghiệp Halal giữa hai nước có thể giúp thực phẩm Việt Nam tiếp cận được các tín đồ đạo Hồi trên toàn cầu.

Ông Zafrul vừa hoàn thành chuyến công tác tới Việt Nam trong khuôn khổ kỳ họp thứ tư Ủy ban Hỗn hợp thương mại Việt Nam - Malaysia với nhiều thành quả tích cực trong thúc đẩy thương mại giữa hai nước.

Cơ hội lớn cho thực phẩm Việt Nam

* Xin ông chia sẻ về những kết quả đã đạt được trong chuyến công tác đến Việt Nam?

- Tôi đã có một chuyến công tác năng suất, thu được nhiều thành quả. Chúng tôi cùng Chính phủ Việt Nam đã thảo luận về hợp tác trong ngành công nghiệp Halal, đồng thời trao đổi về một số lĩnh vực liên quan đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghiệp ăn uống (F&B) và nông nghiệp.

Một trong những đột phá hai bên đạt được là tăng cường hiểu biết về phương thức đẩy mạnh hợp tác về Halal giữa hai nước. Chúng tôi muốn hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực trong chuỗi giá trị Halal. Đích thân giám đốc điều hành Tổng công ty Phát triển công nghiệp Halal Malaysia (HDC) tham gia chuyến công tác này.

Chúng tôi đang chuẩn bị Biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) giữa HDC và phía Việt Nam. Malaysia cũng đã đề nghị Việt Nam thành lập một cơ quan chuyên trách việc phát triển công nghiệp Halal và nhận được sự đồng thuận.

Bên cạnh đó, hai nước đã thống nhất về mục tiêu phát triển thương mại song phương. Cả hai bên đều muốn tổng kim ngạch thương mại đạt 18 tỉ USD trong năm 2025.

* Bộ trưởng có thể cho biết thêm về việc hợp tác Halal giữa hai nước?

- Thị trường Halal trên thế giới rất lớn. Theo tôi biết, đến năm 2030, thị trường này có thể trị giá lên đến 5.000 tỉ USD. Khi sản phẩm đạt chuẩn Halal, các bạn có thể bán chúng cho cả thị trường Hồi giáo lẫn phi Hồi giáo. Đây là một mũi tên trúng hai đích.

Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản lớn. Malaysia nhập khẩu cà phê và gạo từ Việt Nam. Tôi tin nếu đạt chuẩn Halal, nhiều mặt hàng khác của Việt Nam có thể tiến mạnh mẽ vào thị trường Malaysia. Nếu không có chứng nhận đạt chuẩn, các bạn không thể xuất hàng sang nước tôi. Thậm chí dù có xuất được thì cũng sẽ không ai mua vì người dân chỉ mua hàng đạt chuẩn Halal.

Do đó, Malaysia và Việt Nam đã trao đổi đặc biệt sâu về việc chứng nhận chuẩn Halal. Trên thế giới, chứng nhận Halal của Malaysia là một trong những chứng nhận được tìm kiếm nhiều nhất vì nó do chính phủ cấp chứ không phải tổ chức độc lập nào.

Với chứng nhận Halal của Malaysia, các doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu đi toàn thế giới. Do đó, tôi tin thảo luận về chứng nhận Halal không chỉ dừng ở thương mại song phương.

Công nghiệp Halal ở Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu. Trước đây, chúng tôi phải làm việc với nhiều bên độc lập khác nhau. Từ nay, chúng tôi có thể trao đổi chính thức với một cơ quan trực thuộc chính phủ.

Mục tiêu kim ngạch song phương 25 tỉ USD

* Việt Nam và Malaysia đặt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 18 tỉ USD trong năm 2025 và 25 tỉ USD vào năm 2030. Theo bộ trưởng, đâu là những lĩnh vực cụ thể mà hai bên cần tập trung đẩy mạnh nhằm hoàn thành mục tiêu trên?

- Khi nhìn vào những lĩnh vực hai nước cùng có thế mạnh và xem xét hoạt động thương mại, lĩnh vực xuất nhập khẩu số 1 đang là điện - điện tử (E&E). Đây vẫn sẽ là lĩnh vực chủ chốt, đứng đầu trong thương mại song phương.

Lĩnh vực thứ hai là hóa chất và hóa dầu. Đây là lĩnh vực tương đối quan trọng giữa hai nước. Thứ ba là nông nghiệp, đây là điểm chúng ta có thể cải thiện và hai bên đang chuẩn bị ký hai MoU liên quan đến nó. Ba lĩnh vực trên sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy thương mại hai nước phát triển.

* Các doanh nghiệp Malaysia đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư ở Việt Nam?

- Tôi đã có cơ hội trao đổi với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và thảo luận nhiều vấn đề, đặc biệt là đầu tư. Các doanh nghiệp Malaysia đã làm ăn ở Việt Nam trong nhiều năm, ở nhiều lĩnh vực với tổng giá trị đầu tư của Malaysia vào Việt Nam lên đến ít nhất 13 tỉ USD.

Nhìn chung, các doanh nghiệp Malaysia đều rất lạc quan về tiềm năng phát triển của Việt Nam. Nhìn vào nền kinh tế và đặc điểm nhân khẩu học Việt Nam, ta thấy được tốc độ phát triển kinh tế trên 5% trong năm 2024 và một dân số rất trẻ, đồng nghĩa với nhiều cơ hội làm ăn.

Các lĩnh vực mà doanh nghiệp Malaysia đang đầu tư mạnh gồm có bất động sản, ngân hàng và sản xuất. Một lĩnh vực khác mà tôi nghĩ rằng Malaysia có thể tham gia, và cũng đã có thảo luận ở cấp chính phủ, là năng lượng tái tạo. Chúng tôi có những công ty như Petronas đang rất quan tâm việc đầu tư điện gió, không chỉ phục vụ thị trường Việt Nam mà còn để xuất đi các nước ASEAN khác.

* Ông nghĩ thế nào về hợp tác chuyển đổi số, kinh tế số giữa Malaysia và Việt Nam?

- Việc chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng. Tôi tin chúng ta đều muốn thấy cả khu vực ASEAN phát triển và từng nước trong đó cũng phát triển. Một trong những cách để làm điều đó là tiếp sức cho các công ty, trong đó có doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Các SME chỉ có thể thành công khi họ có quy mô, và cách duy nhất để có quy mô là tham gia vào thương mại điện tử. Chúng ta cần khuyến khích tăng số mặt hàng được bán trên nhiều nền tảng, giúp người dùng dễ mua hàng hơn.

Tuy nhiên, việc buôn bán giữa các nước ASEAN chưa dễ dàng vì chính sách các nước khác nhau và hệ thống thanh toán khác biệt. Chúng ta cần đồng bộ và chuẩn hóa các vấn đề đó.

Trong năm Chủ tịch 2025, Malaysia đặt mục tiêu hoàn thiện Hiệp định khung về kinh tế kỹ thuật số ASEAN. Quá trình này chính thức bắt đầu năm 2023 và còn rất nhiều việc phải làm.

Chúng ta mong muốn có một hiệp định khung ASEAN để giúp việc thanh toán dễ dàng hơn khi mua bán trên bất cứ nền tảng nào. Khi hoàn thành, mọi doanh nghiệp lớn nhỏ ở Malaysia, Việt Nam, Indonesia hay Singapore đều có thể tham gia hiệp định này.

Công nghiệp Halal: không chỉ là chuyện ăn uống

Halal là từ tiếng Ả Rập có nghĩa là "cho phép", hàm ý chỉ những sản phẩm đáp ứng các quy định của đạo Hồi. Thông thường chứng nhận Halal thường được dùng để chỉ thực phẩm.

Một trong những quy định cơ bản nhất trong tiêu chuẩn Halal là thành phần không có thịt heo hay rượu. Tuy nhiên, ngành công nghiệp Halal còn bao gồm các sản phẩm như dược phẩm, mỹ phẩm và thậm chí cả du lịch, dịch vụ tài chính...

Trên thế giới hiện có xấp xỉ 1,9 tỉ tín đồ đạo Hồi, chiếm khoảng 1/4 dân số toàn cầu. Do đó, tiềm năng của ngành công nghiệp Halal vô cùng lớn và nhu cầu về sản phẩm Halal tăng cao từng ngày.

Gạo, cà phê, rau quả xuất khẩu của Việt Nam Gạo, cà phê, rau quả xuất khẩu của Việt Nam 'đắt hàng'

Các mặt hàng nông sản như gạo, rau quả, cà phê,... được nhiều quốc gia tăng mua với giá tốt, nhờ đó kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp