13/09/2011 06:14 GMT+7

Hợp sức làm du lịch

LÊ NAM - BẠCH HOÀN thực hiện
LÊ NAM - BẠCH HOÀN thực hiện

TT - Ý tưởng liên kết du lịch “Bốn quốc gia - một điểm đến” đã được thống nhất tại Hội nghị bộ trưởng du lịch bốn nước (Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar) vào tháng 9-2010. Sau một năm đi vào thực tế, việc kết nối tạo điểm đến chung được thực hiện ra sao? Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với bộ trưởng du lịch bốn nước.

d3xkc1xZ.jpgPhóng to
Khách du lịch châu Âu di chuyển bằng xe tuk tuk tại điểm du lịch Watphu, Champasak, Lào - Ảnh: Nguyễn Công Thành
mkFJAdCI.jpgPhóng to
Khách du lịch nước ngoài đến Nha Trang bằng đường tàu biển - Ảnh: X.T.

* Ông Thong Khon (bộ trưởng Bộ Du lịch Campuchia):

NbG7bJIv.jpgPhóng to
Ông Thong Khon - Ảnh: T.T.D
Mời nhà đầu tư Việt Nam xây khách sạn, resort

Liên kết du lịch ba quốc gia Campuchia, Lào, Việt Nam đang ngày càng phát triển, thậm chí có thể nói chưa bao giờ mạnh như hiện nay. Cả năm 2010 du lịch Campuchia đón hơn 470.000 du khách Việt Nam nhưng bảy tháng đầu năm nay con số này đã lên hơn 360.000 lượt. Tôi dự đoán năm nay ít nhất cũng phải có 550.000 lượt khách Việt đến du lịch Campuchia. Đa số khách Việt Nam đến Angkor Wat vì đường bộ từ Việt Nam sang Campuchia đã rất tốt. Hai năm nữa cầu Neak Loeung hoàn thành thì lượng khách Việt Nam sẽ càng đông. Chỉ tính riêng máy bay từ Việt Nam sang Campuchia đã là 13 chuyến/ngày.

Thành phố Kep (Campuchia) đã có cảng du lịch rồi việc nối tour bằng đường biển từ Phú Quốc, Hà Tiên trong thời gian tới phát triển, từ đó sẽ hi vọng tuyến nối Sihanoukville với Phú Quốc cũng sẽ phát triển nhanh. Dự kiến tháng 1-2012 chúng tôi đưa khu du lịch núi Bokor (tỉnh Kampot) vào hoạt động sẽ thu hút du khách từ ĐBSCL đến Campuchia nhiều hơn. Bốn tỉnh, thành phố ở Campuchia là Kep, Kampot, Sihanoukville và Koh Kong sẽ tăng cường hợp tác với các tỉnh ĐBSCL làm khu vực này trở nên đa dạng và thu hút du khách đến nhiều hơn trong tương lai.

Sự xuất hiện của Myanmar trong liên kết càng làm khu vực này hấp dẫn hơn. Hiện đã có chuyến bay nối Yangon (Myanamar) đến Siem Reap với 3 chuyến/tuần và sẽ tăng trong thời gian tới. Lượng xe qua các cửa khẩu quốc tế ngày càng nhiều hơn. Với Lào, chúng tôi đã có thỏa thuận là mỗi ngày sẽ có tổng cộng 40 xe buýt đưa khách du lịch qua lại các cửa khẩu Lào - Campuchia. Tuy vậy, lượng xe này còn thua xa con số 360 xe du lịch chở du khách chạy liên tục mỗi ngày giữa Việt Nam - Campuchia. Đường đi từ Bangkok (Thái Lan) qua cửa khẩu Poipet đến Siem Reap tốt như từ TP.HCM sang Phnom Penh nên chỉ mất 90 phút từ Bangkok đến Siem Reap. Nhờ vậy, việc nối tuyến đưa khách quốc tế từ Thái Lan sang Campuchia và tiếp tục nối sang Việt Nam rất tốt.

Ở Campuchia đang thiếu khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí trên bờ lẫn khu giải trí thể thao biển... Chúng tôi luôn chào đón nhà đầu tư quan tâm đến những lĩnh vực này ở Campuchia và mong muốn mời các nhà đầu tư Việt Nam sang nghiên cứu, đầu tư làm khách sạn, resort, khu vui chơi giải trí tại Campuchia. Tại Việt Nam tôi thấy mô hình khu du lịch Vinpearl ở Nha Trang rất hay, làm cáp treo, có nhiều trò vui chơi giải trí, thể thao... Chúng tôi cũng muốn làm những khu du lịch như vậy.

* Ông Bosengkham Vongdara (bộ trưởng Bộ Thông tin, văn hóa và du lịch Lào):

tVbVvoM3.jpgPhóng to
Ông Bosengkham Vongdara - Ảnh: T.T.D
Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng

Tôi nhận thấy bốn quốc gia cần phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa và cố gắng giải quyết những vấn đề tồn đọng như đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực nhập cảnh (visa) cho du khách, thủ tục hải quan cũng thống nhất giữa các quốc gia... Ngoài ra, các quốc gia trong liên kết cần giúp nhau quảng bá lợi thế du lịch, văn hóa, con người nhằm thu hút nhiều du khách ngoài khu vực đến tham quan.

Về việc thu hút đầu tư vào du lịch, chúng tôi sẽ tích cực làm việc với các cơ quan hữu quan của chính phủ nhằm tạo điều kiện đơn giản hóa các thủ tục cho các nhà đầu tư. Cụ thể là việc giải phóng mặt bằng, chúng tôi sẽ thúc đẩy sao cho quá trình cấp đất cho nhà đầu tư thuận lợi. Lào đã tu sửa, xây dựng thêm một số tuyến đường để thuận lợi hơn cho các phương tiện di chuyển, có thể đi lại cả mùa mưa lẫn mùa nắng... Các thành phố lớn đã bắt đầu có nhiều khách sạn vì năm 2012 chúng tôi sẽ chọn là năm du lịch của Lào. Hơn nữa, cuối năm 2012 Lào sẽ đăng cai tổ chức hội nghị Á - Âu (ASEM lần thứ 9). Các dự án xây dựng mới khách sạn để chuẩn bị cho hội nghị này đang được triển khai. Về cơ bản, nhu cầu khách sạn sẽ giải quyết được. Tuy nhiên vẫn còn cần nhiều nhà đầu tư quan tâm triển khai thêm các dự án khu dịch vụ giải trí... Tôi hi vọng hội nghị đầu tư du lịch sẽ tạo điều kiện để các nhà đầu tư hiểu hơn về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào bốn quốc gia và để cơ quan hữu quan bốn nước có thể hợp tác tốt hơn về du lịch.

* Ông U Tint Hsai (bộ trưởng Bộ Khách sạn và du lịch Myanmar):

9CreppTa.jpgPhóng to
Ông U Tint Hsai - Ảnh: Lê Nam
Dỡ bỏ bớt thủ tục

Đây là lần đầu tiên Myanmar tham gia sân chơi liên minh này. Hiện nay so với ba nước còn lại trong liên minh là Việt Nam, Lào, Campuchia thì kinh nghiệm làm du lịch của Myanmar chưa nhiều, lượng khách nước ngoài đến Myanmar còn thấp. Do đó, chúng tôi hiểu rằng Myanmar cần làm nhiều việc để thu hút thêm du khách. Chẳng hạn, chúng tôi đã nghiên cứu đến việc dỡ bỏ, đơn giản hơn các thủ tục thị thực, visa vào Myanmar. Chúng tôi đang cố làm sao khi đến Myanmar là du khách có thể lấy visa ngay lập tức tại cửa khẩu chứ không làm các thủ tục như trước nữa.

Do mới mở cửa một thời gian nên lượng khách sạn đạt tiêu chuẩn của Myanmar chưa nhiều. Chúng tôi đang mong muốn thu hút thêm các nhà đầu tư ở các nước vào Myanmar. Thủ tục tùy thuộc số tiền mà nhà đầu tư bỏ ra trong từng dự án khách sạn. Dự án đầu tư càng lớn khả năng được giao đất sẽ cao. Và chúng tôi tạo điều kiện tối đa để nhà đầu tư có đất thật nhanh. Để phát triển, chúng tôi đang mở cửa nhiều hơn. Myanmar đã có những chính sách tăng cường thu hút đầu tư, trong đó chú trọng đặc biệt lĩnh vực du lịch bởi đất nước chúng tôi sở hữu rất nhiều địa danh du lịch đẹp và nổi tiếng.

* Ông Hoàng Tuấn Anh (bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Việt Nam):

XbQWUKGz.jpgPhóng to
Ông Hoàng Tuấn Anh - Ảnh: C.T.V
Thêm điểm đến hấp dẫn

Thực hiện “Bốn quốc gia - một điểm đến”, bốn nước sẽ khuyến khích áp dụng các biện pháp tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho khách du lịch, nghiên cứu khả năng kết nối tour, phối hợp tổ chức các chương trình du lịch đường sông, đường bộ (du lịch caravan: tự lái xe) và mở đường bay trực tiếp giữa các điểm di sản văn hóa của bốn nước... Các tour du lịch tới bốn quốc gia đang ngày càng hấp dẫn và Myanmar là nhân tố mới. Theo tôi, để từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững, các nước cần tăng cường hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thông qua trao đổi thông tin về tiêu chuẩn hóa nghề du lịch. Việc hợp tác giữa bốn nước với vai trò ngày càng rõ rệt hơn của Việt Nam sẽ góp phần tích cực trong việc giới thiệu điểm đến Việt Nam trong liên kết, nối tour giữa các nước.

Một trong những nội dung đã được bộ trưởng du lịch bốn nước cam kết sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch, khai thác hiệu quả và bền vững tiềm năng du lịch, góp phần mang lại lợi ích cho cả nhà đầu tư và cộng đồng địa phương tại bốn nước. Muốn thu hút các nhà đầu tư bốn nước phải thật sự là một điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài khu vực. Có như vậy các nhà đầu tư, những người luôn tìm kiếm cơ hội lợi nhuận, mới mạnh dạn tham gia. Tôi tin rằng hội nghị quốc tế đầu tư du lịch sẽ là cơ hội để giới thiệu bốn quốc gia như một khu vực hấp dẫn nhiều tiềm năng đối với các nhà đầu tư.

Hôm nay, khai mạc hội nghị quốc tế đầu tư du lịch

Hôm nay (13-9), hội nghị quốc tế đầu tư du lịch bốn quốc gia (Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar) chính thức diễn ra tại khách sạn Rex, Q.1, TP.HCM. Nằm trong khuôn khổ hội chợ du lịch quốc tế ITE 2011, hội nghị do Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch Việt Nam), báo Tuổi Trẻ, Trung tâm nghiên cứu đầu tư nước ngoài (ĐH Quốc gia Hà Nội) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phối hợp tổ chức.

Tại hội nghị, lãnh đạo cấp cao của ngành du lịch thuộc bốn quốc gia sẽ giới thiệu các chính sách, chiến lược mới nhất trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành du lịch; việc liên kết giao thông giữa bốn nước; các xu hướng đầu tư vào hạ tầng du lịch tại khu vực... Đây là cơ hội để các nhà đầu tư nắm bắt cơ hội đầu tư vào sản phẩm du lịch liên kết và quảng bá sản phẩm của ngành du lịch bốn quốc gia.

LÊ NAM - BẠCH HOÀN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp