Bà Ngô Thị Huệ (ngồi), phu nhân cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh - đại biểu Quốc hội khóa tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6-1-1946, trò chuyện với đại biểu Quốc hội các thế hệ sau - Ảnh: Tự Trung |
* Tổng bí thư đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm 70 năm tổng tuyển cử
220 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của TP.HCM và các tỉnh, thành qua các thời kỳ hiện đang sống tại TP.HCM đã về dự, trong đó có ông Phan Văn Khải (nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên thủ tướng, ĐBQH khóa VIII, IX, X, XI), ông Lê Thanh Hải (ủy viên Bộ Chính trị chỉ đạo Đảng bộ TP.HCM, ĐBQH khóa XIII), bà Trương Mỹ Hoa (nguyên phó chủ tịch nước, ĐBQH khóa IX, X, XI)...
Tham dự buổi gặp mặt, phía lãnh đạo TP có ông Võ Văn Thưởng - ủy viên Trung ương Đảng, phó bí thư thường trực Thành ủy TP, ĐBQH khóa XII; ông Nguyễn Thành Phong - ủy viên Trung ương Đảng, chủ tịch UBND TP, ĐBQH khóa X, XI.
Nhìn lại lịch sử, ông Trần Du Lịch, phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP, nhắc lại: Ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: “Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta. Vì ngày mai là ngày tổng tuyển cử, ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình...”.
Đáp lại lời kêu gọi đó, toàn thể nhân dân Việt Nam đã dành trọn ngày 6-1-1946 đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội.
Ông Huỳnh Thành Lập, trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM, cho biết ở các tỉnh phía Nam, nhất là Nam bộ, cuộc bầu cử diễn ra dưới bom đạn ác liệt, dưới sự lùng ráp khủng bố gay gắt của kẻ thù. Tại Sài Gòn - Chợ Lớn, 42 cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ tổng tuyển cử. Trong số 333 ĐBQH thì Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định có 16 đại biểu.
“Thắng lợi của tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ, một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý” - ông Lập nhấn mạnh.
Các đại biểu tham dự họp mặt cùng nhau nhắc lại những kỷ niệm sâu sắc nhất trong thời gian làm ĐBQH, những đóng góp quan trọng của ĐBQH TP.HCM và các tỉnh phía Nam trong xây dựng pháp luật và hoạch định chính sách.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhắn nhủ: “Tôi mong Đoàn ĐBQH TP.HCM sẽ luôn đông về số lượng, mạnh về chất lượng, năng động, sáng tạo, có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa để xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri TP.HCM và cả nước”.
* Cung cấp thông tin cho báo chí tại cuộc họp báo quốc tế chiều qua, người phát ngôn của Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết lễ kỷ niệm 70 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên (6-1-1946 - 6-1-2016) được tổ chức trọng thể vào ngày 6-1, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ đọc diễn văn truyền đi thông điệp quan trọng tại buổi lễ này.
Buổi lễ diễn ra tại phòng Diên Hồng của Nhà Quốc hội, dự kiến có sự tham dự đầy đủ của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bí thư tỉnh ủy, chủ tịch HĐND các tỉnh - TP, đại diện các thế hệ ĐBQH, bà mẹ VN anh hùng. Chủ tịch Quốc hội Lào và Campuchia cũng tham dự sự kiện này.
Chỉ thị của Bộ Chính trị : Phát huy dân chủ trong bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp Ngày 4-1-2016, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành chỉ thị số 51-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Chỉ thị nêu rõ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 dự kiến tiến hành vào ngày 22-5-2016. Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đạt kết quả cao, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, các tổ chức Đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ quan trọng, trong đó phải có kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử; bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thật sự là ngày hội của toàn dân. Bộ Chính trị cũng nêu rõ phải lãnh đạo tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, gắn kết quả nhân sự của đại hội Đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn tham gia đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân. Không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người bị các cơ quan có thẩm quyền kết luận không trung thực; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra những vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết nghiêm trọng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận