Theo bạn đọc Lương Đình Khoa, khi các cha mẹ trong lớp không thống nhất được quan điểm về các khoản đóng góp, cũng như các chi phí đồng hành với con trong năm học, đã dẫn đến việc tạo ra nhiều nhóm để tìm "đồng minh" cũng là điều dễ hiểu.
Và tình trạng "chia nhóm" hiện nay của các phụ huynh trong cùng một lớp học không phải là cá biệt ở một số trường, lớp.
Dưới đây là góc nhìn của bạn đọc Lương Đình Khoa xung quanh câu chuyện này.
Chuyện không vui "đến hẹn lại lên"
Năm học mới 2024-2025 vừa bắt đầu chưa đầy một tháng, nhưng những câu chuyện muôn thuở về đóng quỹ trường, quỹ lớp đầu năm, các khoản mua sắm trang thiết bị được nhà trường gợi ý cho phụ huynh đóng góp… tiếp tục “đến hẹn lại lên”.
Trong tâm trí tôi và tôi tin với phần lớn phụ huynh, nhắc đến giáo dục nói chung và trường học nói riêng thì ý nghĩ đầu tiên luôn là về một môi trường đầy tình yêu thương, sự nhân văn, ấm áp.
Bởi đó là vườn ươm tâm hồn và tri thức, để có được những con người có trí tuệ và nhân cách đẹp đẽ trong tương lai, cống hiến cho xã hội, dựng xây đất nước.
Nhưng thật buồn, bên cạnh vô vàn con người tâm huyết với giáo dục, thậm chí hy sinh cả thanh xuân của mình để mang con chữ, tri thức đến với trẻ em vùng sâu vùng xa, thì ở một số nơi khác, những câu chuyện lùm xùm liên quan đến trường lớp, lợi ích nhóm... vẫn xảy ra, ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin phụ huynh.
Rồi mới đây là chuyện “Xôn xao giáo viên phân công phụ huynh đến lớp trực nhật, hiệu trưởng nói gì?” được Tuổi Trẻ Online phản ánh.
Không phải vô cớ mà một phụ huynh của Trường tiểu học Ngô Thì Nhậm, huyện Thanh Trì (Hà Nội) lên mạng xã hội bày tỏ bức xúc vì phải đến trường của con để trực nhật sau 17h chiều.
Ngoài ra, việc kêu gọi phụ huynh ủng hộ 10 bộ điều hòa (máy lạnh) mới và ủng hộ kinh phí làm sân cỏ nhân tạo của trường này lại bị phụ huynh phản ứng, đăng bài lên mạng...
Phụ huynh trong cùng một lớp chia thành 3 nhóm chat
Vào đầu năm học, liên quan đến việc đóng quỹ trong lớp, với gia đình khá giả thì không sao, nhưng đối với những phụ huynh thu nhập thấp thì phải gồng gánh bao nhiêu loại quỹ, nào quỹ trường khen thưởng học sinh, quỹ lớp chi tiêu cho học sinh, mua sắm thiết bị của lớp, cơ sở vật chất cho trường... là cả vấn đề.
Mới đây, cô bạn thân của tôi đi họp phụ huynh cho con về và “khoe”: Vừa rời cuộc họp lớp về đến nhà là được đưa vào 3 nhóm Zalo khác nhau, đều của phụ huynh trong lớp.
Việc tranh luận đóng góp, ủng hộ về các trang thiết bị này trở nên phức tạp trong hội phụ huynh khi góc nhìn, và cả khả năng tài chính của mỗi người là không giống nhau.
Cũng bởi trong hội phụ huynh mỗi người mỗi cảnh, nên tình trạng chia "phe phái" cũng đã xảy ra, khiến mọi người khó dung hòa, khó lòng ngồi lại với nhau.
Nhiều chuyện bức xúc không giải quyết được thì... đưa lên mạng xã hội để "giải quyết", chuyện riêng trở thành chuyện chung, gây bàn tán, ảnh hưởng đến hình ảnh của trường, thậm chí ảnh hưởng đến tâm lý các cháu trong học hành; cha mẹ đột ngột xin chuyển trường cho con trong khi các cháu đang hòa nhập, vui vẻ với bạn bè...
Cách nay không lâu, cũng một người bạn khác của tôi từng tham gia một group lớp phụ huynh cấp 3. Cũng vì chuyện quỹ lớp, chuyện góp tiền mua thiết bị cho lớp mà nhóm phụ huynh cãi nhau trong nhóm.
Một phụ huynh tế nhị lên tiếng: "Chuyện tranh cãi với nhau trong nhóm đề nghị phụ huynh không nói lại học sinh, để không ảnh hưởng đến tâm lý các cháu tập trung cho việc học tập".
Nói hôm trước, hôm sau vẫn có học sinh về hỏi cha mẹ đang có chuyện X, Y, Z... gì đó đúng không? Có phụ huynh còn cố dò hỏi học sinh "con là con của chị A. phải không?". Chị A. là người mà trước đó phụ huynh này tranh cãi trong nhóm.
Khi các con có duyên học chung với nhau cùng một lớp thì tất cả các phụ huynh như đang trên cùng một con tàu. Làm sao để con tàu bền bỉ chan chở tình yêu thương cho các con học tập tốt, hòa đồng vui vẻ với nhau cần sự dung hòa của các phụ huynh.
Khi đó, mỗi cha mẹ cũng chính là một người làm giáo dục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận