Mỗi ngày mỗi container ứ đọng tại cảng phát sinh rất nhiều chi phí - Ảnh: BÁ SƠN
Ngày 17-1, nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết Bộ Tài nguyên và môi trường đã có thông báo mời một số sở Tài nguyên và môi trường phía nam và phía bắc, nơi có nhiều container bị ứ đọng tại cảng về Hà Nội để họp. Thời gian họp dự kiến vào ngày mai 18-1.
Nguồn tin xác nhận một số địa phương "nóng" có số lượng container ứ đọng lớn và đã xảy ra tình trạng nhà máy ngưng hoạt động như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu…đã nhận được thư mời của Bộ Tài nguyên và môi trường.
Thông tư sai nhưng chờ… nghị định
Động thái mời họp của Bộ Tài nguyên và môi trường sau khi hàng loạt địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp gửi văn bản "kêu cứu" vì những quy định bất hợp lý trong thông tư 08 và 09 do bộ này ban hành.
Được biết, trước khó khăn của các doanh nghiệp ngày càng gia tăng, Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam đã gửi văn bản kiến nghị lần thứ 5, UBND tỉnh Bình Dương đã gửi văn bản kiến nghị lần thứ 2, một số tỉnh và hàng loạt doanh nghiệp khác gửi nhiều "đơn cầu cứu", đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và môi trường sớm có điều chỉnh để tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Về lâu dài, liên ngành tỉnh Bình Dương kiến nghị phải sửa đổi thông tư của Bộ Tài nguyên và môi trường. Trả lời báo chí, một cán bộ của Bộ Tài nguyên và môi trường cũng thừa nhận một số vướng mắc của thông tư. Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết phải chờ Chính phủ ban hành nghị định mới, trong đó sẽ điều chỉnh những vướng mắc này.
Ý kiến của Bộ Tài nguyên và môi trường tiếp tục vấp phải sự phản ứng của nhiều doanh nghiệp. Theo các doanh nghiệp, tình trạng container ứ đọng xuất phát từ quy định bất hợp lý trong thông tư của Bộ Tài nguyên và môi trường thì cần sửa ngay thông tư, không thể nói chờ ra nghị định.
Quá trình để ban hành một nghị định tới khi nghị định có hiệu lực mất một thời gian khá dài, trong khi tình trạng container ứ đọng gây thiệt hại mỗi ngày. Rất nhiều công nhân bị cho nghỉ việc đang mong từng ngày được đi làm lại để có lương, thưởng cho những ngày Tết đã cận kề.
Thiệt hại lớn
Theo ước tính của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, việc thiếu nhân lực kiểm tra dẫn tới ứ đọng container gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế. Hiện phí lưu container, lưu bãi của các doanh nghiệp trên cả nước đã lên tới hàng ngàn tỉ đồng; chi phí sản xuất tăng gần 10%; một số nhà máy đã bị đóng cửa…
Doanh nghiệp phát sinh nhiều chi phí như: chi phí lưu kho, thiệt hại do dây chuyền đóng cửa, công nhân mất việc, vi phạm hợp đồng với đối tác… Một số doanh nghiệp cho biết nếu tình trạng này kéo dài khoảng vài tuần nữa, họ có thể lâm vào tình trạng đóng cửa nhà máy lâu dài, thậm chí phá sản.
Hai thông tư 08 và 09 của Bộ Tài nguyên và môi trường đều được ban hành cùng ngày 14-9-2018 và cùng có hiệu lực từ 29-10-2018, ban hành quy chuẩn quốc gia đối với sáu loại nguyên liệu là phế liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất gồm: sắt, thép; nhựa; giấy; thủy tinh; kim loại màu; xỉ hạt lò cao.
Điểm mấu chốt tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp là thông tư quy định về thẩm quyền và quy trình để kiểm tra các lô hàng nhập khẩu. Theo đó, thông tư trao quyền cho các Sở Tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với Hải quan và tổ chức giám định được chỉ định.
Thế nhưng thông tư không nói rõ các Sở Tài nguyên và môi trường phải tăng cường nhân lực, thời gian làm việc như thế nào để đáp ứng nhu cầu thông quan của nền kinh tế.
Nếu như trước đây Hải quan có thể làm việc cả ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ để kịp thông quan hàng hóa thì nay phải chờ Sở Tài nguyên và môi trường do nhân lực của các sở quá thiếu, lại làm theo giờ hành chính.
Thông tư còn buộc doanh nghiệp làm nhiều bước thủ tục, trong khi lại "quên" đi thời hạn tối đa phải hoàn thành kiểm tra của ngành Tài nguyên và môi trường. Ví dụ, để cho một container từ cảng về nhà máy, doanh nghiệp phải đăng ký với các Sở Tài nguyên và môi trường để đi kiểm tra (thông tư không quy định thời gian tối đa các sở phải trả lời).
Doanh nghiệp phải chờ các bên thống nhất được lịch để ra cảng kiểm tra; chờ đơn vị giám định gửi thông báo giám định; sau đó Sở Tài nguyên và môi trường mới ra thông báo kết quả kiểm tra nhà nước với lô hàng.
Nếu như ngành hải quan có thể áp dụng máy soi chiếu container, phân loại doanh nghiệp nào chấp hành tốt, không vi phạm để có tỷ lệ kiểm tra hàng phù hợp, rút ngắn thời gian thì nay thông tư giao quyền cho Sở Tài nguyên và môi trường kiểm tra bằng mắt thường đối với 100% lô hàng, không phân biệt doanh nghiệp có lịch sử chấp hành pháp luật tốt hay không.
Quy trình kiểm tra 100% container bằng mắt thường của ngành Tài nguyên và môi trường khiến hàng loạt container bị ứ đọng - Ảnh: BÁ SƠN
Hàng ngàn container nguyên liệu bị ứ đọng tại các cảng do các sở Tài nguyên và môi trường thiếu người kiểm tra - Ảnh: BÁ SƠN
Trong khi đó các dây chuyền phải ngưng chạy, công nhân mất việc vì thiếu nguyên liệu - Ảnh: BÁ SƠN
Ai chịu trách nhiệm khi thiệt hại do lỗi của cơ quan chức năng?
Ước tính ảnh hưởng tiêu cực của thông tư gây ra thiệt hại nhiều tỉ đồng cho các doanh nghiệp. Ví dụ như Công ty Xưởng Giấy Chánh Dương hiện có khoảng 500 container ứ đọng tại cảng phát sinh chi phí lưu bãi 50USD/container/ngày. Ngoài ra, công ty này còn khoảng 3.300 container ứ đọng tại cảng trung chuyển, tuy không phát sinh chi phí lưu bãi nhưng làm "đóng băng" 7,8 triệu USD tiền ký quỹ (khoảng 180 tỉ đồng) dẫn tới công ty thiếu vốn lưu động. Còn thiệt hại do hai dây chuyền ngưng hoạt động và 500 công nhân bị cho ngưng việc thì chưa thể tính toán được.
Đáng nói, ngay từ khi thông tư 08, 09 có hiệu lực từ tháng 10-2018, những bất cập đã được nhiều địa phương chỉ ra. UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài nguyên và môi trường nhưng chậm sửa đổi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận