Ngày 21-9, HĐXX TAND TP.HCM đã trả hồ sơ vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với hai bị cáo Trương Hồ Phương Nga (hoa hậu người Việt tại Nga) và Nguyễn Đức Thùy Dung (ngụ tại TP.HCM).
Theo cáo trạng, Nga đã nhận 16,5 tỷ đồng của ông Cao Toàn Mỹ để mua nhà giúp ông Mỹ, nhưng sau khi nhận tiền xong, Nga không mua nhà mà tránh gặp ông Mỹ.
Tại phiên tòa, hai bị cáo đều khai rằng giữa bị cáo Phương Nga và bị hại Cao Toàn Mỹ có một cam kết gọi là hợp đồng tình cảm, để có thỏa thuận trong hợp đồng, ông Mỹ phải trả bị cáo 16,5 tỷ đồng.
Việc hợp đồng có tồn tại thật hay không, cơ quan sẽ điều tra làm rõ, nhưng đặt giả thiết, có một hợp đồng như vậy, thì tính pháp lý sẽ được đặt ra thế nào?
Vi phạm đạo đức!
Theo lời khai của bị cáo Phương Nga và Thùy Dung thì hợp đồng này được lập trên cơ sở tự nguyện của cả 2 bên là Phương Nga và ông Cao Toàn Mỹ Tuy nhiên, cũng theo lời khai thì Nga biết ông Mỹ đã có gia đình nên dù có tình cảm nhưng không thể đi đến hôn nhân được.
Bản thân Nga cũng không yêu cầu có hôn thú với ông Mỹ mà chỉ cần yêu thương chăm sóc nhau là được.
Như vậy, cả Nga và ông Mỹ đều biết rõ, ông Mỹ đã có gia đình, có vợ con nhưng vẫn xác lập quan hệ ngoài luồng với nhau, theo luật sư Nguyễn Minh Tâm (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng quan hệ giữa ông Mỹ và bị cáo Phương Nga, nếu có, thì là quan hệ ngoài luồng và vi phạm đạo đức.
Về việc có hợp đồng hay không, cơ quan điều tra sẽ làm rõ, nhưng nếu có tồn tại một hợp đồng như vậy, có chữ ký của cả hai bên thì có thể coi đây là giao dịch dân sự, mà giao dịch dân sự thì không phải là lừa đảo. Tuy nhiên, về tính hợp pháp của hợp đồng này nếu có thì cần phải đánh giá xem xét.
Theo đó, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) thì “hợp đồng tình cảm” (nếu có trong trường hợp này) sẽ được coi là giao dịch dân sự vô hiệu theo Điều 127, 128 BLDS 2005. Bởi vì, mục đích và nội dung của giao dịch trái đạo đức xã hội.
Ông Mỹ đang tồn tại hôn nhân hợp pháp với người khác nếu đi thỏa thuận với bị cáo theo kiểu “đổi tiền” lấy “tình ái”, là trái với đạo lý. Nó còn cho thấy có dấu hiệu của hành vi mua - bán dâm theo định nghĩa tại Điều 3 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm 2003.
Luật sư Chánh cũng cho rằng, hiện nay, theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cho phép áp dụng “Hợp đồng hôn nhân” của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc của vợ chồng.
Nhưng nội dung của “Hợp đồng hôn nhân” này là về quan hệ tài sản, nghĩa vụ như thỏa thuận tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng; quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình; điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản và nội dung khác có liên quan chứ không phải là dạng hợp đồng tình cảm như Phương Nga thỏa thuận với ông Mỹ.
Việt Nam chưa thừa nhận quan hệ “ngoài luồng”
Đánh giá về giá “hợp đồng tình cảm”, PGS.TS Đỗ Văn Đại (Trưởng khoa Luật dân sự, Trường Đại học Luật TP.HCM) cho rằng ví dụ như có một hợp đồng tình cảm, thì đối tượng của hợp đồng là tình cảm, thì phạm vi của tình cảm này là thế nào?
Nếu chỉ là lập hợp đồng để ăn cùng, uống cà phê cùng, đi chơi cùng như một người chia sẻ thì khác với hợp đồng thỏa thuận sẽ yêu thương, ăn ở sống chung với nhau như vợ chồng; hợp đồng này cũng khác xa nữa nếu trong đó ghi rõ mục đích và đối tượng của hợp đồng là trao đổi tình dục.
Do đó, TS Đại cho rằng, nếu chỉ hiểu đơn giản, có tồn tại một hợp đồng theo như lời khai của Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung là hợp đồng để yêu thương trong khi ông Cao Toàn Mỹ thì hợp đồng này vô hiệu vì nó vi phạm về đạo đức.
Bởi đạo đức không cho phép một người đàn ông có vợ ký hợp đồng chung sống, hoặc yêu thương với người khác.
“Nếu thực sự có chuyện yêu nhau thì tiến tới hôn nhân, còn nếu hai người có tình cảm để chăm lo cho nhau thì việc chăm lo này là quyền lợi và nghĩa vụ chứ không phải không lấy được nhau thì phải trả một khoản tiền.
Nếu yêu nhau thật thì không đặt điều kiện ấy ra để chiếm đoạt tiền, nếu yêu nhau thì có thể mua tài sản tặng nhau, rồi chu cấp tiền bạc để tiêu xài, mở cửa hàng kinh doanh..
Hợp đồng tiền hôn nhân hoàn toàn khác Luật sư Nguyễn Tấn Thi (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng: Theo quy định của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 thì vợ chồng có thể thỏa thuận về tài sản trước khi kết hôn. Nói nôm na là "Hợp đồng tiền hôn nhân" Nhưng hợp đồng này chỉ có thể thỏa thuận về tài sản riêng, tài sản chung chứ không được thỏa thuận về mối quan hệ nhân thân hay thời gian tự do riêng tư của mỗi người cũng như thời gian chung sống với nhau. Thỏa thuận về tài sản trước khi kết hôn là cơ sở pháp lý để xác định quyền và nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận