Một căn hộ bé tẹo ở Hong Kong - Ảnh: AFP
Theo hãng tin Bloomberg, để giải quyết bài toán "đất chật, người đông", khan hiếm nguồn cung nhà ở, chính quyền Hong Kong dự kiến xây dựng 4 hòn đảo nhân tạo để lấy chỗ đưa cư dân ra sống.
Trên các đảo đó sẽ có các khu nhà ở và thương mại theo mô hình "hỗn hợp" kiểu đảo cọ Palm Jumeirah của Dubai, Forest City của Malaysia và đảo Jurong của Singapore.
Tổ hợp nhà cửa đó sẽ rộng đến 1.700 hecta, cung cấp 400.000 đơn vị nhà ở cho khoảng 1,1 triệu người vào năm 2032.
Lấn biển chính là giải pháp của chính quyền Hong Kong trong bối cảnh giá nhà ở tăng phi mã và khan hiếm nguồn cung, khiến cho nhiều người dân đặc khu này rơi vào tình trạng phải sống trong những "ngôi nhà quan tài" hoặc thậm chí chịu cảnh vô gia cư ở nơi mà thu nhập đầu người thuộc hàng cao của thế giới.
Tuy nhiên, xây dựng một cơ sở hạ tầng quy mô lớn như vậy tại Hong Kong phải đối mặt rất nhiều thách thức, đầu tiên là chi phí. Theo tờ South China Morning Post, dự án sẽ tiêu tốn khoảng 500 tỉ đô HKD, tức gần 64 tỉ USD.
Ngoài ra còn các vấn đề khác như kỹ thuật và bảo vệ môi trường. "Toàn bộ môi trường sẽ bị ảnh hưởng", ông Patrick Yeung, chuyên gia bảo tồn biển của tổ chức World Wildlife Fund, nhấn mạnh.
Ông khẳng định dự án sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái biển và đề nghị chính quyền nên tìm một phương án khác.
Bốn vị trí (khoanh vàng) được dự kiến làm đảo nhân tạo ở Hong Kong - Ảnh chụp màn hình
Ngoài ra, nhiều ý kiến chỉ trích khác nhắm vào tầm nhìn của dự án. Theo quy hoạch, đến năm 2032 dự án mới đi vào hoạt động, trong khi tình hình khan hiếm nhà ở đang rất cấp bách tại Hong Kong.
Người dân sẽ không thể chờ nhiều năm như vậy và điều họ cần ngay lúc này là nhiều dự án nhà ở xã hội giá rẻ hơn nữa.
Theo một khảo sát thực hiện vào tháng 11-2018, có đến 49% người dân Hong Kong phản đối dự án.
Một lý do khác để người dân Hong Kong phản đối dự án là vì chỉ giúp cho Trung Quốc đại lục thêm mạnh.
"Dự án sẽ chỉ có lợi cho Trung Quốc chứ không phải Hong Kong", ông Steve Tsang, nhà nghiên cứu chính trị từ Đại học London, cho biết.
Ông nhấn mạnh: "Việc đưa Hong Kong vào quy hoạch phát triển chung của Trung Quốc sẽ chỉ khiến Hong Kong mất dần bản sắc và giảm bớt các đóng góp của đặc biệt của nơi này."
Trong khi đó chính quyền Hong Kong đánh giá dự án là tầm nhìn dài hạn cho tương lai nên kiên quyết triển khai. Theo đó, dự án cơ bản không chỉ giải quyết rốt ráo vấn đề nhà ở mà còn góp phần phát triển kinh tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận