14/09/2019 18:21 GMT+7

Hong Kong của Vương Gia Vệ: Yêu thương một đời, nhìn nhau không cần nói

Nham Hoa
Nham Hoa

TTO - "Yêu thương một đời, nhìn nhau không cần nói", "Giấc mộng ngày 20 tháng giêng năm Ất Mão"... đủ để tổng kết những bộ phim của Vương Gia Vệ?

Hong Kong của Vương Gia Vệ: Yêu thương một đời, nhìn nhau không cần nói - Ảnh 1.

Trương Chấn trong vai Nhất Tuyến Thiên

"Yêu thương một đời, nhìn nhau không cần nói". Hai câu đó, lấy tứ từ tựa bài hát chính trong phim Đại thoại Tây du (1995, đạo diễn Lưu Trấn Vĩ), và một câu trong bài từ điệu Giang thành tử của Tô Thức Tô Đông Pha, "Giấc mộng ngày 20 tháng giêng năm Ất Mão", đủ để tổng kết những bộ phim của Vương Gia Vệ, đạo diễn "nhất ý cô hành" (một ý riêng, một đường độc hành) đặc sắc bậc nhất của điện ảnh Hong Kong.

Năm 1997, ATV ra mắt bộ phim truyền hình Rồng đổi màu (Biến sắc long). Cái tên như một dự cảm bất tường về tương lai của Hong Kong sau ngày trở về Đại lục. Sau năm 2014 màu vàng tràn ngập Trung Hoàn, những ngày này Hong Kong, một lần nữa, lại phong vân biến sắc.

Nhìn Hong Kong hôm nay, ta chợt bùi ngùi nhớ tới một người vĩnh viễn coi Hong Kong là chân ái của đời mình: Vương Gia Vệ.

The Grandmaster Official Trailer

Phim gần đây nhất của Vương, Nhất đại tông sư (The Grand Master), đã gây không ít hoang mang trong khán giả Việt. Không gợi cảm như Hoa dạng niên hoa, không bay bổng như Trùng Khánh sâm lâm, Nhất đại tông sư là câu đố thực sự với những ai nghĩ là mình yêu Vương Gia Vệ.

Năm 2004, Vương ra mắt phim 2046. Con số này là thời điểm kết thúc nửa thế kỷ "một nước hai chế độ" theo thỏa thuận chuyển giao Hong Kong trở về Trung Quốc. Đấy cũng là số phòng của Châu Mộ Văn trước đấy ba năm, trong Hoa dạng niên hoa.

Hong Kong của Vương Gia Vệ: Yêu thương một đời, nhìn nhau không cần nói - Ảnh 3.

Nỗi khắc khoải về tương lai của Hong Kong đã theo Vương từ phim này qua phim khác. Và cũng xuyên suốt từ phim này sang phim khác, là tình yêu da diết hướng về một Hong Kong trong quá khứ (hay "quá khứ" cũng chỉ là ẩn dụ Vương dành cho "hiện tại"?) Và Nhất đại tông sư cũng không phải là ngoại lệ.

Hãy bắt đầu bằng nhân vật gây hoang mang nhất của phim: Nhất Tuyến Thiên! Rất nhiều người đã hỏi nhau: Tay cao thủ Bát cực quyền này làm gì ở đây, nếu không phải là làm cảnh? Hẳn là họ đã quên, thủ pháp ưa thích của Vương là dựng nên nhiều tuyến nhân vật song hành và để đời họ giao nhau trong thoáng chốc - hãy nhớ Trùng Khánh sâm lâm, và hãy nhớ 2046.

Hong Kong, trong mắt Vương, là một miền đất đầy bao dung, đón nhận vào lòng mọi sinh linh cô độc, ban tặng cho họ một chốn bình yên. Nhất Tuyến Thiên là minh chứng cho điều đó. Tại Đại lục, y là kẻ cô đơn hơn cả, khi đồng chí của y trở mặt thành thù.

Hong Kong của Vương Gia Vệ: Yêu thương một đời, nhìn nhau không cần nói - Ảnh 4.

Lương Triều Vỹ trong Nhất đại tông sư

Cái lần Cung Nhị ngả đầu vào vai y, có lẽ là lần duy nhất y biết đến hơi ấm của tình bằng hữu bình thủy tương phùng. Hong Kong đã cho y một tên đệ tử mắt hí, hơi xấu trai nhưng hẳn là quý mến ông thầy.

Gã, và anh học trò vừa ăn no đã đòi tỉ thí của Diệp Vấn, là đại diện cho Hong Kong thuở ấy: những tay giang hồ vặt, chất phác nhưng đầy nghĩa khí. Chính cộng đồng ấy đã đón nhận Diệp Vấn, đã bái ông làm sư phụ, đã tạo nên Lý Tiểu Long, và đã giúp Vịnh Xuân quyền truyền bá ra toàn thế giới.

Nhưng vai của Nhất Tuyến Thiên không dừng ở đó. Y, cùng Cung Nhị và Mã Tam, hợp thành một cái nền ba cực vững chãi để Diệp Vấn nổi lên, uy nghi như vị đại tông sư đích thực - đâu phải ngẫu nhiên mà tên họ là ba số nhất, nhị, tam.

Cả ba đều là cao thủ, nhưng cả ba đều khiếm khuyết. Mã Tam là Hán gian (Hầu hết nhân sĩ trí thức Trung Hoa thời bấy giờ đều tham gia kháng chiến chống Nhật, nhưng Mã Tam hợp tác với quân Nhật - BTV).

Lục thập tứ thủ của Cung Nhược Mai âm nhu vô tỉ, nhưng cá tính lại cương ngạnh và cố chấp vô cùng. Nhất Tuyến Thiên cũng thu đệ tử, nhưng tính tình khép kín, cam phận làm chủ quán cắt tóc Bạch mai khôi. Chỉ có Diệp gia!

Hong Kong của Vương Gia Vệ: Yêu thương một đời, nhìn nhau không cần nói - Ảnh 5.

Chương Tử Di là nàng thơ của Nhất đại tông sư

Hong Kong quả thực là chốn nương thân! Những nhân vật của Nhất đại tông sư, từ Cung tới Diệp, từ Nhất Tuyến Thiên tới Đinh Liên Sơn, đều từ Đại lục tìm đến Hong Kong, không chỉ để tránh thời chiến loạn mà còn để được sống tự do, không câu thúc.

Kim Lâu dù lộng lẫy tới đâu, vẫn là nơi Diệp và Cung gặp nhau như hai đối thủ. Phải đợi tới Hong Kong, nhiều năm sau, dưới ánh đèn đường mờ tối, họ mới được sánh vai, đi chậm rãi, trong lặng yên, như một đôi tình lữ, trong khuôn hình đẫm màu Hoa dạng niên hoa.

Khuôn hình ấy nhắc cho ta nhớ, Vương vẫn là đại hành gia về chuyển động. Dưới tay ông, Trương Mạn Ngọc đâu cần nói, dù chỉ một lời. Nàng chỉ đi thôi. Đi dưới ngọn đèn vàng, trong con ngõ nhỏ. Và tim ta thổn thức theo bước chân nàng.

Võ thuật trong Nhất đại tông sư cũng vậy. Đây không phải là võ thuật, mà là hơi thở, là nhịp tim, là tiếng lòng, là xướng họa bằng chiêu thức. Cung - Diệp, hai người họ có thể gọi là nhất chiến chung tình. Một lần giao đấu (Diệp để tàng Hoa nhất độ) là trọn kiếp vấn vương (mộng lý đạp tuyết kỷ hồi).

Nhân vật chính ở Nhất đại tông sư có thể là Diệp Vấn. Nhưng những thước phim đẹp nhất của mình, Vương lại dành cho Cung Nhị - cũng như những thước phim đẹp nhất của Hoa dạng niên hoa từng được ông dành cho Tô Lệ Trân.

Hong Kong của Vương Gia Vệ: Yêu thương một đời, nhìn nhau không cần nói - Ảnh 6.

Cung Nhị của Chương Tử Di trong Nhất đại tông sư

Có thể nói, đây là vai diễn đỉnh cao của Chương Tử Di kể ngày xuất đạo. Với Vương, khí chất cũng là một cách diễn xuất, và thần thái cũng là một thứ tài hoa. Cả phim, Cung Nhị có năm trường đoạn - tranh luận với cha, tỉ đấu Kim Lâu, cãi lời trưởng bối, quyết chiến Mã Tam, và thổ lộ chân tình.

Mỗi đoạn lại là một cung bậc trong tính cách quyết tuyệt của nàng, trong đó nốt cao nhất là đêm trừ tịch tại nhà ga Đông Bắc, và nốt trầm nhất là bên lề rạp hát Đại Nam.

Cung Nhược Mai kiều diễm nhất là khi ngạo nghễ ngồi trên cầu thang, nhìn xuống họ Diệp cam tâm nhận bại dưới lầu. Nhưng khó quên hơn cả lại là lúc nàng, dung nhan tiều tụy, hút thuốc trong rạp hát.

Hồi tuổi trẻ khí thịnh, nàng chẳng điểm trang mà vẫn uy nghi lãnh diễm giữa muôn ngàn son phấn của Kim Lâu. Nhưng lần cuối gặp người, nàng lại đánh son. Màu son đỏ tươi, như màu máu trên cửa kính cái ngày nàng đòi lại đồ nhà họ Cung từ sư huynh, như nỗ lực tối hậu của nàng nhằm bảo lưu hình ảnh đẹp đẽ trong mắt ý trung nhân.

Võ công lẫn tính cách nàng đối lập với Diệp Vấn: nếu Vịnh Xuân quyền chỉ có "nhãn tiền lộ" (đường trước mắt) thì Bát quái chưởng lại đi đường vòng, tựa như lòng nàng luôn vấn vương quá khứ ("thân hậu thân").

Khi nàng đấu Mã Tam, cũng là lúc đoàn tàu cuối năm rời bến. Báo được gia thù cũng đồng nghĩa với việc lỡ chuyến tàu đời mình. Cung Nhị đã chọn ở lại với quá khứ, ở lại với thời đại nàng thuộc về, để Diệp Vấn thay nàng đi tiếp chặng đường, khai tông lập phái ở Hong Kong.

Hong Kong của Vương Gia Vệ: Yêu thương một đời, nhìn nhau không cần nói - Ảnh 7.

Vương Gia Vệ trên trường quay

Điều thú vị là Vương không hề tận dụng Diệp Vấn hòng gột rửa ám ảnh "Đông Á bệnh phu" bằng cách đặt ông lên sàn đấu với Nhật hay Tây như Diệp Vĩ Tín từng làm. Ông xây dựng nhân vật một cách điềm tĩnh mà trìu mến.

Diệp Vấn của ông, ra ngoài là nhất đại tông sư, một đời truyền đăng vô số, nhưng vào trong vẫn có những bi kịch rất người, không khác gì Châu Mộ Văn hay chàng cảnh sát số hiệu 663. Hay nói đúng hơn, chính cái thân phận tông sư ấy lại càng khiến bi kịch của ông sâu thêm một tầng.

Hiểu chính mình, hiểu thiên địa, hiểu chúng sinh rồi thì sao chứ? Hiểu đâu có nghĩa là không đau khổ? Họ Diệp đã biến thiên hạ vô địch thủ, nhưng chẳng đánh bại được nỗi sầu thiên cổ với hai người đàn bà trong đời ông.

Cũng bởi thế nên bộ phim kết thúc không bao lâu sau khi Cung Nhị qua đời. Đâu còn gì mà kể nữa! Cuộc đời họ Diệp, từ đây về sau, chỉ có thể mải miết đi về phía trước, mà chẳng thể hồi đầu, dù là tìm về Đông Bắc hay trở lại Phật Sơn.

Hong Kong của Vương Gia Vệ: Yêu thương một đời, nhìn nhau không cần nói - Ảnh 8.

Chương Tử Di và Lương Triều Vỹ - Cung Nhị và Diệp Vấn của Nhất đại tông sư

Chính những yếu tố ấy đã khiến Diệp Vấn trong mắt Vương trở thành một người Hong Kong lý tưởng (hãy nhớ câu phụ đề ở cuối phim: Năm 1953, Diệp Vấn lấy được chứng minh thư Hương Cảng, sau khi biên giới với Trung Quốc đóng cửa - Vương đặc biệt nhấn mạnh điều này).

Cái chân tâm ấy, cái đa tình ấy, cái yêu đời hiểu mình và thương người ấy, dĩ nhiên là tính cách của họ Diệp, nhưng cũng là sự hun đúc của một vùng đất tiếng là thuộc địa nhưng đã vùng vẫy tự do gần hai thế kỷ.

Chẳng phải tự nhiên mà Vương thường xuyên đan cài những khuôn hình tư liệu vào câu chuyện - từ những chuyến tàu điện thập niên 1950 tới cảnh lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth. Đó là nỗi nhớ tiếc khôn nguôi dành cho một thời đại mà đến giờ, sau hơn hai thập niên mất đi, nhiều người Hong Kong mới thực sự thấy quý giá đến nhường nào.

Hong Kong của Vương Gia Vệ: Yêu thương một đời, nhìn nhau không cần nói - Ảnh 9.

Cảnh ở Kim Lâu

Hong Kong của Vương Gia Vệ: Yêu thương một đời, nhìn nhau không cần nói - Ảnh 10.

Chương Tử Di trong vai Cung Nhị

10 bí mật sau cặp kính râm của đạo diễn lừng danh Vương Gia Vệ 10 bí mật sau cặp kính râm của đạo diễn lừng danh Vương Gia Vệ

TTO - Với cặp kính râm trước ống kính, đạo diễn Vương Gia Vệ đã mang đến cho khán giả sự bí ẩn và dưới đây là 10 bí mật mà có thể bạn chưa biết về ông.

Nham Hoa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp