27/04/2014 08:42 GMT+7

Hồng Ánh giữa... 4 thế giới

HOÀNG OANH
HOÀNG OANH

TT - Đó là bốn thế giới của Hồng Ánh: phim ảnh, sân khấu, gia đình và cuộc đời riêng. Ở thế giới nào cô cũng tạo cho người ta cái cảm giác “em hồn nhiên rồi em sẽ bình yên”.

yoM1kJCP.jpg
Hồng Ánh trong Nửa đời ngơ ngác - một vai diễn ấn tượng trên sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh - Ảnh: Phước Quang

Có mặt ở “khoảng giữa bao cấp” của một cuộc chuyển giao từ nghệ thuật thời chiến sang đến thế giới showbiz rình rang hiện tại, Hồng Ánh bình thản bảo: “Người khác có thể nói tôi không đẹp, diễn không hay, không hấp dẫn, nhưng không có ai nói tôi lười biếng hết!”.

Vang danh với điện ảnh

“Tôi là người học lóm, không có nhiều vốn sống” - Hồng Ánh nói vậy. 16 năm trước, từ một diễn viên múa hạng thường, chuyên đi múa đám cưới, múa minh họa bỗng được chọn đi đóng phim mà không qua bất cứ trường lớp đào tạo về diễn xuất nào, Hồng Ánh xem đó là cái duyên trời định.

Sinh năm 1977, Hồng Ánh hiển nhiên không biết chiến tranh là gì, nhưng cô lại gần như “bước ra” từ cuộc chiến thông qua thân phận những người phụ nữ mà mình đảm nhiệm. Ánh cũng chưa có con, chưa trải nghiệm nỗi đau thực thể nào nhưng lại có thể đi đến tận cùng những bi kịch đời sống của những người phụ nữ trong và sau những năm kháng chiến.

Những bộ phim gây tiếng vang như Hải Nguyệt, Cầu thang tối, Đời cát, Người đàn bà mộng du, Trái tim bé bỏng, Thung lũng hoang vắng, Trăng nơi đáy giếng, Tâm hồn mẹ... đã tạo nên một dấu ấn Hồng Ánh trong các vai chiến sĩ cách mạng, người mẹ cơ cực thời hậu chiến, người dân lao động, cán bộ xây dựng thời đổi mới... Đến nỗi, cứ hễ nghe râm ran có một dự án điện ảnh nào đó ở dòng phim nhà nước, phim nghệ thuật của một đạo diễn tên tuổi và... có tuổi nào đó, cùng một vai diễn người phụ nữ đau khổ tội nghiệp nào đó, thì người ta lại nghĩ ngay đến Hồng Ánh. Để tìm ra chìa khóa mở cánh cửa tâm hồn những nhân vật dường như xa lạ ấy, Ánh bảo: “Tôi quan sát và tưởng tượng. Mỗi nhân vật có một số phận, một cuộc đời vô cùng sống động. Tôi thật sự tò mò muốn biết họ đang nghĩ gì”.

Chắc hẳn có nhiều lý do để những đạo diễn nổi tiếng như Nguyễn Thanh Vân, Đào Bá Sơn, Nguyễn Vinh Sơn, Phạm Nhuệ Giang xem Hồng Ánh là lựa chọn số 1. Còn Ánh lại có cách lý giải riêng khá... trớt quớt: “Tôi nghĩ họ mời mình là vì tôi... có thể thu xếp đi đóng phim ở xa, có thể thích nghi được với nhiều hoàn cảnh trong điều kiện thiếu thốn. Có lẽ nhiều diễn viên khác bận rộn những dự án ở thành phố nên không đi được thôi. Với tôi, đã đóng phim thì phải đi xa mới vui!”.

Đóng nhiều phim, đoạt nhiều giải thưởng nhưng dường như Hồng Ánh chưa bao giờ là một cái tên “hot” phòng vé. Phim Ánh đóng thường là phim “rút ruột rút gan” bao nhiêu tâm huyết của một đạo diễn trong nhiều năm trời, quay xong đã là mừng, đoạt giải thưởng thì càng vinh hạnh, nhưng bán vé thì cứ... để đó. Thật ra năm 30 tuổi Hồng Ánh từng “liều mình” đi thử vai trong phim Những cô gái chân dài nhưng... bị rớt. Cô cũng thua Phi Thanh Vân khi diễn thử vai nữ đại ca trong phim Long Ruồi. Nên cũng có khi Ánh nghĩ giá như chân mình dài hơn, vóc dáng “nuột” hơn để có thể đóng dòng phim thương mại bán vé.

Nhưng trên hết, cô đi thử vai là để tự chống lại cái cảm giác mình đang đứng ngoài những chuyển động mới mẻ của điện ảnh Việt. Và cũng vì không muốn đứng ngoài cuộc, cô lại thử sức với vai trò nhà sản xuất. Ánh lập công ty, làm những bộ phim tự giới thiệu cho các doanh nghiệp để gom tiền đầu tư cho bộ phim đầu tay Đường đua. Đường đua thất bại doanh thu, tiền lỗ đủ bằng tiền mua nhà. Nhưng bộ phim đã tạo nên một cuộc chơi điện ảnh lạ lùng mà ở đó những người trẻ được tin tưởng triệt để, còn người đầu tư - Hồng Ánh - thì nói thẳng: “Đó là một cuộc hợp tác đôi bên cùng có lợi. Người trẻ được trao cơ hội, còn tôi thì có được sự nhiệt tình, sáng tạo và giá thành rẻ khi làm việc với họ”.

Học nghề ở sân khấu

Khi đã trở thành diễn viên điện ảnh nổi tiếng, Hồng Ánh chủ động xin một cuộc hẹn với nữ đạo diễn Hoa Hạ thông qua một người bạn xa lắc. Ánh muốn xin đóng kịch, vai gì cũng được. Hoa Hạ đồng ý và giao cho Hồng Ánh một vai trong vở Nhân danh công lý. Ở sân khấu kịch, lần đầu tiên Hồng Ánh cảm nhận được rất rõ khuyết điểm của mình: chất giọng thổ, khàn, hay bị hụt hơi mỗi khi nói một câu thoại dài. Sân khấu cũng không có được lợi thế quay cận, đặc tả như phim ảnh nên cảm xúc và cách diễn phải mạnh hơn, tâm lý phải vững vàng hơn. Thấy sân khấu 5B mở lớp đào tạo diễn viên kịch, Hồng Ánh liền đăng ký đi học rồi được tạo điều kiện để đóng vở Đời xuân. Năm 2003 “tìm việc” ở sân khấu Idecaf, Thành Lộc nói thẳng: “Ở bên phim là gì tôi không biết, về đây là bắt đầu từ vai quần chúng nha!”. Hồng Ánh mừng húm và bắt đầu bằng vai Y Nga nhỏ xíu trong vở Bệnh sĩ. Mất gần năm năm ở Idecaf, chuyện Hồng Ánh đóng kịch dần trở nên quen thuộc, kịch mục có cô cũng dày hơn và vai diễn cũng nhiều lời thoại hơn.

Nhưng đỉnh cao trong chuyện đóng kịch của Hồng Ánh phải kể đến những vai diễn ở sân khấu Hoàng Thái Thanh. Trên sân khấu này, Hồng Ánh bất ngờ được khai thác ở góc độ của một diễn viên hài, điều mà trước đó gần như là “không liên quan” với những vai bi của phim ảnh. Đó là cái hài tếu táo, xuất phát từ tính cách “mắc cười” của nhân vật, từ cách diễn tình huống tỉnh bơ chứ không phải là kiểu gây cười nhờ ngoại hình hay hoạt khẩu.

Út Lý của Nửa đời ngơ ngác là một nhân vật độc đáo đến nỗi nhiều khán giả vừa xem vừa ngạc nhiên mà thán phục, vừa cười vừa khóc không kìm được. Ở những thời điểm tột cùng của bi kịch, Hồng Ánh không gào thét đau đớn mà lại kéo nỗi đau đó vào ánh mắt, nét mặt, không nói nhiều mà khán giả xem lại thấy buồn vô phương. Hay như trong vở kịch Sông dài, đoạn Ánh ca bài ca xổ số bằng chất giọng quê rặt nhưng cố hát cho hay, đến câu cuối đứt hơi lên không nổi khiến khán giả vừa thương vừa cười phì. Chỉ một tích tắc nhỏ trong cách xử lý mà đã mở ra một tâm hồn nhân vật vừa trong sáng, chân thành, vừa đầy ắp những ước mơ. Xem xong cảnh này, chồng Ánh khen một câu làm cô vui mãi: “Vợ diễn chỗ đó hay... nhức nách!”.

Huấn luyện... chồng ở nhà

Xìcăngđan duy nhất của Hồng Ánh tính đến thời điểm này là chuyện bị tố... cướp chồng trên trang cá nhân của Hoàng Anh - vợ cũ Huy Khánh. Khi đó không thấy Ánh phản ứng hay giải thích điều gì, dần dần thì người tố cũng mỏi miệng và người nghe cũng quên. Khi nhìn lại điều này, Hồng Ánh cười bảo: “Tôi thật sự không biết chị Hoàng Anh là ai nhưng tôi biết rõ mình đang ở đâu. Gia đình tôi, chồng tôi, vợ cũ của chồng tôi đều biết là câu chuyện thật sự đang nằm ở đâu. Nên tất cả chúng tôi đều bình thản và chọn cách đứng ngoài tất cả những cuộc bàn tán của dư luận”.

Chồng Hồng Ánh là nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn, vốn nổi tiếng sắc sảo với những bài viết thẳng tưng dễ mất lòng người khác. Ai cũng nghĩ Ánh lấy chồng chắc bị ăn hiếp dữ, sống với nhau chắc cũng mệt vì cãi sao lại chồng. Vậy mà Thanh Sơn bảo mình đã được “huấn luyện” thành một “ông chồng nội trợ mẫu mực”, còn Hồng Ánh thì tự nhận mình là “mụ vợ hung hăng”. Sống với nhà phê bình, dĩ nhiên những tác phẩm nghệ thuật cô tham gia đều không qua khỏi cái nhìn... ái ngại của chồng. Nhưng Ánh tự tin bảo: “Chồng khen thì tất nhiên là vui rồi, còn có chê thì cũng không sao. Có chê mấy ổng cũng không dám bỏ vợ mà!”.

Lấy chồng rồi Ánh cũng trở nên điềm đạm hơn, lo toan hơn, dù vẫn nóng tính hơn chồng nhiều và vẫn quyết bảo vệ quan điểm: “đàn ông đừng bao giờ hi vọng so kè hơn thua trong việc cãi nhau với phụ nữ!”. Từ khi con trai riêng của chồng dọn vào ở chung, mỗi ngày Ánh có thêm những cuộc quan sát và đối thoại với một cậu bé dậy thì bắt đầu vỡ tiếng. Điều này thú vị đến nỗi Ánh cảm thấy vui khi được ở đó, chứng kiến những sự thay đổi của một hành trình trưởng thành đáng nhớ trong đời người.

Cũng giống như khi ngẫm lại con đường của mình, cô lại thấy may mắn khi được sinh ra ở cái “khoảng giữa bao cấp”, được chứng kiến nhiều xu hướng, nhiều cuộc chuyển giao, được trở thành nhân chứng của những dòng chảy nghệ thuật thời kỳ đổi mới và hiện đại. Trong “những thế giới” của mình, Hồng Ánh sống trọn vẹn và bình thản tự nhiên chứ không cố diễn. Mà ngay cả trong khái niệm của từ diễn, dù là trước máy quay hay trên sân khấu, lúc nào Hồng Ánh cũng diễn thật, hôn thật, ôm thật, đau thật, lúc nào cũng cần mẫn và hồn nhiên.

Hồng Ánh là tài năng của phim ảnh Việt nhưng chưa bao giờ là “nam châm phòng vé”. Hồng Ánh đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh trong và ngoài nước nhưng vẫn phải đóng những vai quần chúng khi đến với sân khấu. Hồng Ánh lấy chồng bằng một lễ cưới ở chùa nhưng lại bị người ta tố... cướp chồng. Hồng Ánh ứng cử đại biểu Quốc hội nhưng đi tiếp xúc cử tri về lại nhận thêm một cậu con nuôi...

Đại biểu Quốc hội... hụt

yQSUYuNl.jpgPhóng to
Diễn viên Hồng Ánh - Ảnh CTV

Chuyện Hồng Ánh từng ứng cử đại biểu Quốc hội xôn xao cùng lúc với chuyện cô bị tố... giật chồng. Bỏ qua hết những dị nghị, gièm pha, Hồng Ánh vẫn thực hiện những chuyến đi tiếp xúc cử tri với mong muốn có thêm những trải nghiệm mới và được cất tiếng nói về những vấn đề mình quan tâm theo cách của mình. Không trúng cử nhưng Hồng Ánh lại có thêm một thước đo mới về tình cảm của khán giả và một cậu con trai nuôi đáng yêu ở Nhà Bè, bên cạnh cậu con nuôi từng đóng chung trong Trăng nơi đáy giếng ở Huế.

Chuyện ứng cử đại biểu Quốc hội có thể làm người ngoài thấy ngạc nhiên, nhưng với gia đình Hồng Ánh thì không có gì lạ. Vì với họ, tính Hồng Ánh vốn luôn thẳng thắn, lém lỉnh và vui vẻ từ nhỏ. Lớn lên trong một gia đình công chức có nuôi heo trong nhà như bao gia đình khác thời bao cấp, Hồng Ánh cũng từng đi bán báo, bán lồng đèn, bán thực phẩm Cầu Tre, ăn cơm độn bắp. Trong ký ức của mình, Ánh thấy thời đó vui. Ánh thích nhất nụ cười má lúm đồng tiền của mình nhưng mẹ chị bảo như vậy khi về già sẽ mau già hơn. Ánh lại cười hề hề bảo: “Hồi trẻ cười đẹp hơn người ta thì lúc về già xấu lại là huề chứ có sao!”.

HOÀNG OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp