Ông Lê Hùng Vương cho hay những con heo không tiêm vắc xin ngừa dịch tả heo châu Phi thì vẫn phát triển bình thường - Ảnh: DUY THANH
Trưa 24-8, ông Lê Hùng Vương (57 tuổi, ở xã Hòa Định Đông, huyện Phú Hòa) cho biết gia đình ông nuôi heo đã hơn 30 năm và rất ý thức việc tiêm ngừa.
Theo ông Vương, 34 con heo (trong đó có 7 con heo nái đang mang thai và 27 con heo thịt) mà nhà ông nuôi được tiêm vắc xin phòng dịch tả heo châu Phi vào ngày 13-8. Sau tiêm, đàn heo bình thường, nhưng đến ngày 20 và 21-8 thì heo bỏ ăn, sốt cao, xuất huyết ngoài da, ói hoặc đi tiêu ra máu, nước tiểu vàng đậm, sau đó ngã ra chết hàng loạt.
Ông Vương cũng cho biết những con heo của gia đình không tiêm ngừa loại vắc xin nêu trên thì vẫn phát triển bình thường, heo nái vẫn đẻ con khỏe mạnh.
11 con heo sau tiêm vắc xin ngừa dịch tả heo châu Phi của gia đình bà Trần Thị Thuận (xã Hòa Định Đông, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) đang trong tình trạng "ngắc ngứ" - Ảnh: DUY THANH
Nhà bà Trần Thị Thuận (48 tuổi, cũng ở xã Hòa Định Đông) nuôi 43 con heo, 28 con trong số đó được chích vắc xin NEVET-ASFVAC cùng ngày với nhà ông Vương, số còn lại chưa tiêm vì thiếu vắc xin.
"Từ ngày 20-8 đến giờ đã có 17 con chết rồi, còn 11 con đang ngắc ngứ, cả cán bộ thú y cũng như người của công ty vắc xin đến kiểm tra đều đoán là sẽ chết", bà Thuận nói.
"Thiệt hại đối với người chăn nuôi heo quá lớn, như gia đình tôi là hơn 200 triệu đồng. Vì vậy, tôi đề nghị các cơ quan có trách nhiệm và công ty sản xuất vắc xin sớm có kết luận vì sao heo chết, xác định ai chịu trách nhiệm về thiệt hại này để dân có điều kiện tái đàn, trả nợ", ông Vương đề nghị.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Lâm - chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y (Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên) - cho biết vắc xin phòng dịch tả heo châu Phi NEVET-ASFVAC do Công ty CP Thuốc thú y trung ương NAVETCO sản xuất mới được Bộ NN&PTNT công bố, cho phép lưu hành từ cuối tháng 5, đầu tháng 6-2022. Tại Phú Yên, việc tiêm loại vắc xin này cho heo được tiến hành từ ngày 7-8.
"Tuy nhiên đến ngày 15-8 thì chúng tôi nhận được báo cáo là có một số trường hợp heo tiêm vắc xin nêu trên sau 5-7 ngày thì xuất hiện tình trạng sốt, bỏ ăn rồi chết. Ngay ngày 15-8, chi cục đã yêu cầu các trạm thú y, cán bộ thú y xã toàn tỉnh tạm dừng tiêm vắc xin phòng dịch tả heo châu Phi", ông Lâm cho biết.
Những chú heo bệnh kiệt sức, không đứng dậy nổi trong chuồng nuôi nhà bà Trần Thị Thuận - Ảnh: DUY THANH
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Phú Yên, toàn tỉnh này đã tiêm vắc xin NEVET-ASFVAC cho 595 con heo. Tính đến trưa 24-8 đã ghi nhận có 410 con heo có phản ứng, trong đó hơn 100 con heo ở 24 hộ chăn nuôi ở 4 huyện, thị xã đã chết. Nhiều nhất là ở huyện Phú Hòa, có 18 hộ chăn nuôi với tổng cộng hơn 80 con heo chết sau khi tiêm loại vắc xin vừa nêu.
"Chúng tôi đã lấy mẫu bệnh phẩm của heo tiêm vắc xin NEVET-ASFVAC gởi Chi cục Thú y vùng 6 để xét nghiệm, kết luận nguyên nhân heo bệnh, chết. Khoảng 1 tuần nay, đoàn công tác của Công ty CP Thuốc thú y trung ương NAVETCO cũng đến Phú Yên kiểm tra, lấy mẫu để xét nghiệm. Khi chưa có kết quả xét nghiệm thì chưa thể nói rõ nguyên nhân vì sao heo chết được", ông Lâm nói.
Bình Định dừng tiêm vắc xin NEVET-ASFVAC cho heo
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho hay tỉnh này được chọn triển khai tiêm phòng vắc xin NEVET-ASFVAC giai đoạn 1 cho heo. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai đã phát sinh một số vấn đề tại thực địa, cần tiếp tục theo dõi.
Do đó, từ ngày 19-8, Sở NN&PTNT Bình Định thông báo tạm dừng tiêm loại vắc xin nêu trên cho heo đến khi có thông báo mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận