Thiếu nữ xin chữ ông đồ đầu năm - Ảnh: Trần Năm Thương. |
Người ta cũng về nhà sum họp, chúc tụng nhau rôm rả “như tết”. Các doanh nghiệp cũng tung ra các đợt khuyến mãi mừng năm mới, các cửa hàng cửa hiệu cũng trang hoàng đón tết vui tươi… Mọi thứ dường như tập trung lại hình thành nên một loại không khí “ăn tết Tây như thật”, trong khi tết nguyên đán thì càng lúc càng nhiều những câu “Sao năm nay chẳng thấy không khí tết gì cả”.
Cũng từ đó mà một số người bắt đầu đề xuất gộp tết Tây và Ta lại ăn một lần cho xong, để còn làm chuyện khác, phát triển kinh tế này kia…
Mùa xuân đến, Đào nở phương Bắc, Mai nở phương Nam là một “truyền thống” từ bao đời của thiên nhiên đất Việt. Ngày nay hoa Mai và hoa Đào không còn là đặc sản của riêng miền Nam hay miền Bắc, không có gì có thể bất biến với thời gian. Người ta bảo tết ta ăn theo lịch âm là thuận theo thiên nhiên, theo đất trời, quy luật thiên nhiên cũng vì con người mà thay đổi, còn truyền thống do con người đặt ra thì liệu có đổi thay?
Mùa xuân là khi cây lá đâm chồi nảy lộc. Mùa xuân là khi mai, đào nở hoa, là khi những cơn gió lao xao buổi sớm khiến lòng ai chợt nhớ quê nhà. Thời tiết và khí hậu mùa xuân không thể lẫn với mùa nào khác được. Tết Tây và tết Ta dẫu chỉ cách nhau vài mươi bữa, mùa xuân Tây vẫn còn xa lạ trên đất “Ta”.
Hiện tại, phe “đổi mới” vẫn còn đang thất thế, họ chủ yếu dựa vào các số liệu, phân tích lợi ích về kinh tế và những mô hình ở nước ngoài không gần với Việt Nam. Truyền thống vốn rất khó thay đổi, khó nhất là do người ta không muốn thay đổi mà luôn có khuynh hướng muốn giữ gìn, bảo tồn. Đó cũng là ý thức tôn trọng nguồn gốc, tôn kính tổ tiên, vân vân.
Nhưng sẽ ra sao nếu mọi người cùng thống nhất thay đổi thời gian ăn tết, cùng thực hiện mọi hoạt động thờ cúng, sum họp, thăm viếng họ hàng… thì đó vẫn là không khí tết. Hiện tại đa số mọi người đều chưa muốn như vậy, cho nên tết Tây và tết Ta vẫn chưa thể trộn lẫn vào nhau.
Mới vài năm trước đây, đề nghị “gộp tết” vừa đưa ra đã bị dập tắt không thương tiếc, thì năm nay có người lại nói lại chủ đề này và đã gây nhiều tranh cãi chứ không còn là ý kiến một chiều của phe “truyền thống” nữa. Giới trẻ của vài năm trước nay đã lớn, họ đã có tiếng nói của mình, họ nhìn nhiều vào lợi ích kinh tế hơn cũng bởi vì họ không cảm nhận “không khí tết” truyền thống như những người đi trước. Tất nhiên vẫn còn rất nhiều người trẻ có tư tưởng bảo tồn văn hóa, truyền thống dân tộc, chỉ là không biết không khí tết có trong họ bao nhiêu.
Thật buồn khi hình dung một cái Tết thiếu đi không khí Tết. Đó sẽ là một kỳ nghỉ dài ngày, trong đó người ta đi mua sắm thay cho làm bánh mứt, nấu thịt kho; người ta đi ăn uống tại các địa điểm sang trọng thay cho bữa cơm gia đình thân mật; người ta đến rạp chiếu phim hoặc ở nhà xem tivi thay cho trò chuyện hỏi han nhau; người ta đi du lịch thay cho thăm viếng họ hàng… và người ta làm thêm thay cho nghỉ tết?!
Một cái tết như vậy, hẳn là kích cầu ghê lắm, hẳn là có lợi cho nền kinh tế nhiều hơn bây giờ lắm?! Nhưng khi người ta không còn có thời gian nghỉ ngơi, không còn vui vẻ trong lễ hội, thì tất bật cả năm rốt cuộc để làm gì?!
Không điều gì là bất biến, những người trẻ rồi sẽ lớn lên, sẽ làm chủ gia đình riêng của họ, sẽ làm chủ đất nước này, và ăn tết theo cách của họ. Tết có thể sẽ thay đổi nếu đa số người dân muốn vậy. Tết không thể được giữ lại chỉ vì nó là truyền thống mà có giữ được hay không chính yếu ở cái hồn, ở cảm nhận “không khí tết” trong mỗi con người đang đón tết hôm nay.
Chính vì tết quan trọng nhất chính là ở hồn tết bên trong mỗi người, nên chúng ta cũng không nhất thiết phải thay đổi quy củ, thời gian ăn tết, mọi thứ sẽ thuận theo tự nhiên, theo lòng người mà thay đổi cho phù hợp mà thôi. Tết nào vui hơn thì người ta sẽ ăn tết đó, có cưỡng cầu cũng không được bao lâu.
Chúc mọi người một mùa xuân ấm áp và ý nghĩa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận