Bệnh nhân chữa khỏi COVID-19 ăn mừng tại một bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, ngày 6-2 - Ảnh: Tân Hoa Xã
Tân Hoa xã dẫn lời phó chủ nhiệm Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc Vương Hạ Thắng ngày 15-2 cho biết y học cổ truyền Trung Quốc không chỉ được dùng để điều trị cho hơn nửa số bệnh nhân nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới gây ra tại tỉnh Hồ Bắc, mà còn được dùng như một biện pháp để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh ở cấp cộng đồng.
"Từ khi bùng phát dịch bệnh, chính quyền đã kết hợp y học cổ truyền và y học phương Tây, huy động lực lượng nghiên cứu khoa học và y tế ở cả hai lĩnh vực để điều trị bệnh nhân", ông Vương Hạ Thắng nói trong một cuộc họp báo.
Ông Vương cũng nhấn mạnh điều trị kết hợp giữa y học cổ truyền Trung Quốc và Tây y là chìa khóa quan trọng trong việc chống lại dịch bệnh COVID-19.
Các đại học và bệnh viện y học cổ truyền trên khắp Trung Quốc đã gửi hơn 2.220 nhân viên y tế tới Hồ Bắc để hỗ trợ trong tình hình bệnh dịch vẫn đang căng thẳng.
"Bằng cách kết hợp nguồn lực của y học cổ truyền Trung Quốc và Tây y, chúng tôi có thể cải thiện tỉ lệ chữa khỏi bệnh và giảm thiểu thương vong, đảm bảo hiệu quả và an toàn cho sức khỏe người dân", ông Vương cho biết.
Tính đến cuối ngày 14-2, tỉnh Hồ Bắc ghi nhận thêm 2.420 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 tại tỉnh này lên 54.406 người, trong khi số ca nhiễm trên toàn quốc là 66.492 ca.
Hiện nay vẫn chưa có cách chữa trị chính thức đối với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) gây ra nhưng các nhà khoa học và các bác sĩ trên thế giới hi vọng các loại thuốc kháng sinh sẵn có hiện nay có thể giúp điều trị các triệu chứng bệnh phát sinh từ chủng virus này.
Theo Đài BBC, một trong những phương pháp điều trị tiềm năng hiện nay là điều trị bằng thuốc kháng virus mà ban đầu được phát triển để chống lại virus Ebola, có tên gọi là Remdesivir của Mỹ. Bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus corona chủng mới tại Mỹ đã được điều trị bằng loại thuốc này và đã hồi phục chỉ trong vài ngày.
Các bác sĩ tại một bệnh viện của thành phố Vũ Hán, trung tâm khởi phát dịch COVID-19, cũng đang tiến hành một nghiên cứu lâm sàng liên quan đến Kaletra, một biệt dược kết hợp hai loại thuốc dùng trong điều trị HIV (lopinavir và ritonavir) của Hãng AbbVie (Mỹ) trong điều trị triệu chứng bệnh do virus corona chủng mới gây ra.
Trong khi đó, nhà dịch tễ học Li Lanjuan, như báo South China Morning Post đưa tin, cho biết các thí nghiệm sơ bộ của nhóm nghiên cứu tại Đại học Chiết Giang cho thấy hai loại thuốc kháng virus là Arbidol và Darunavir có hiệu quả trong việc kiềm chế sự sinh sôi của virus corona chủng mới. Arbidol là một thuốc kháng virus mạnh dùng để phòng ngừa và điều trị bệnh cúm trong khi Darunavir dùng trong điều trị HIV.
Chuyên gia dịch tễ Lanjuan đã kêu gọi bổ sung hai loại thuốc mới vào chương trình của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc để điều trị viêm phổi do virus corona chủng mới gây ra. Hiện nay hai loại thuốc này cũng đã được sử dụng để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus tại tỉnh Chiết Giang.
Giới y khoa Trung Quốc cũng đang thử nghiệm thuốc Favipiravir trên động vật và thử nghiệm lâm sàng trên người. Các hãng dược trên thế giới cũng đang tham gia vào cuộc đua phát triển văcxin ngừa virus corona chủng mới này.
Ngoài ra, theo trang tin ECNS (Trung Quốc), trong cuộc họp báo ngày 13-2, bác sĩ Trương Định Vũ, lãnh đạo bệnh viện Kim Ngân Đàm (Vũ Hán, Hồ Bắc), cho biết trong huyết tương của người đã khỏi bệnh COVID-19 chứa một số lượng lớn các kháng thể có thể chống lại virus corona chủng mới (2019-nCoV).
Theo đó, kể từ 8-2, hơn 10 trường hợp người bệnh COVID-19 bị nặng đã được điều trị bằng liệu pháp huyết tương chứa kháng thể chống virus corona chủng mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận