LTS: Tiến sĩ Peter Todd là tình nguyện viên của tổ chức VSA New Zealand, hiện đang cố vấn cho ngành thủy sản tỉnh Bình Định. Ông đã có bài viết dưới đây kêu gọi chúng ta chung tay bảo vệ các rạn san hô.
Cảm hứng cho hòn non bộ đến từ thế giới thực và từ những niềm tin thuộc về văn hóa. Để xây hòn non bộ như ngày nay, người ta luôn dựa vào niềm tin mang tính truyền thống về quyền lực của đá cũng như vẻ đẹp của núi và cây cối. Xuyên suốt quá trình lịch sử Việt Nam, các vị vua, tướng lĩnh và những nhân vật quan trọng khác đã tạo nên hòn non bộ như những đài kỷ niệm, vật trang trí để diễn đạt những khát vọng cá nhân và hình tượng văn hóa.
Phóng to |
Ảnh minh họa: kientruc102.com |
Ở hòn non bộ, đá luôn luôn được sắp xếp giống như một ngọn núi hay một dãy núi với những đặc điểm khiến chúng không giống những hình thức nghệ thuật sinh động khác. Hòn non bộ được thiết kế để có thể nhìn thấy từ mọi phía, do đó cảnh vật trông rất đẹp không chỉ từ bốn mặt, mà cả từ đỉnh núi.
Việc sử dụng đá trong các hòn non bộ gắn liền với các rạn san hô. Trước đây, đá dùng để xây hòn non bộ là loại đá thường. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, hầu hết đá để xây hòn non bộ là san hô chết. San hô chết có chất lượng hình thể đặc biệt, trở thành vật liệu lý tưởng để tạo nên những hòn non bộ. Nó cũng là phần nền lý tưởng để trồng các cây kiểng thu nhỏ. Tuy nhiên, san hô chết không chỉ là một mỏ đá để khai thác. Tất cả san hô chết đều từ những rạn san hô sống trước đây, mà đó là một phần sống còn của môi trường biển.
Nhiều người hiện nay nhận biết được nhu cầu bảo vệ những rạn san hô đang bị hủy diệt. Những rạn san hô đang biến mất trên khắp thế giới và Việt Nam không là trường hợp ngoại lệ. Những rạn san hô là một phần quan trọng của hệ sinh thái biển, cung cấp nơi trú ẩn và thức ăn cho nhiều loài sinh vật biển khác nhau. Tất cả những làng chài vùng biển Quy Nhơn hiện nay đã nhận biết được sự cần thiết bảo vệ những rạn san hô trong những vùng biển lân cận để bảo vệ phương kế sinh nhai của họ.
Phóng to |
Ảnh: cpv.org.vn |
Có nhiều lý do dẫn đến sự hủy diệt những rạn san hô, bao gồm cả những tập tục đánh cá bằng thuốc nổ hay những chất độc hại khác. Khí hậu thay đổi cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến sự sống còn của những rạn san hô. Một nguyên nhân khác góp phần vào sự hủy diệt đó, việc khai thác rạn san hô để làm vật liệu xây dựng, trong đó có cả việc sử dụng san hô chết để xây hòn non bộ.
Sử dụng thuốc nổ và chất độc để đánh cá là bất hợp pháp, cố ý khai thác san hô sống từ những rạn san hô cũng là điều cần nghiêm cấm. San hô khai thác không hợp pháp phải bị tịch thu. Vậy có nên ngưng việc sử dụng san hô để xây những hòn non bộ mới không?
Sự yêu thích hòn non bộ ngày càng gia tăng khi ngày càng có nhiều người có khả năng mua sắm hàng hóa này và nguy cơ các san hô sống tiếp tục bị hủy diệt ngày càng tăng. Nhưng sẽ không hợp lý nếu ngăn cấm việc dùng san hô để xây hòn non bộ. Người ta có thể quay trở lại sử dụng “các loại đá thường” hoặc tạo ra một vài dạng nguyên liệu khác thay thế để xây hòn non bộ.
Điều quan trọng là nhận biết được sự liên quan giữa những rạn san hô và hòn non bộ và nâng cao nhận thức trong người dân ý thức bảo vệ các rạn san hô. Vì vậy, chiến dịch giáo dục và nâng cao nhận thức bảo vệ rạn san hô cho cộng đồng dân chài đã được thực hiện bởi Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định.
Một biện pháp khác là quy định và kiểm tra có hiệu quả hơn việc khai thác san hô phục vụ cho bất kỳ mục đích gì, kể cả để xây hòn non bộ, nhằm giảm thiểu sự hủy diệt thêm rạn san hô. Một biện pháp khác nữa có thể là khuyến khích việc sử dụng có hiệu quả tất cả các san hô chết hiện nay, bao gồm san hô chết từ những hòn non bộ hiện có. San hô chết có thể được tái sử dụng để giảm thiểu nhu cầu khai thác thêm các san hô sống.
Ngày 1/4/2010, nhân ngày truyền thống của nghề cá Việt Nam, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định đã thả lượng san hô bị tịch thu về biển tại vùng biển xã Nhơn Hải. Hoạt động này góp phần làm tăng môi trường sống của các loài cá trong vùng, qua đó tuyên truyền cho cộng đồng làng chài địa phương nhận thức được nhu cầu bảo vệ rạn san hô và nơi cư trú của các loài sinh vật biển.
Khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một hòn non bộ, xin bạn nhớ đến những cá thể san hô sống ở dưới biển đã góp phần tạo nên vẻ đẹp của tác phẩm ấy. Việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật xây hòn non bộ là rất quan trọng và việc bảo vệ rạn san hô vì môi trường biển trong tương lai cũng quan trọng không kém.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận