Đám cưới của Khiết và Đạt (bìa phải) diễn ra với đầy đủ nghi thức cưới truyền thống nhưng thiếu vắng sự hiện diện của cha mẹ - Ảnh: NVCC
Tôi hi vọng đây sẽ không chỉ là mốc son ghi dấu tình cảm của hai người mà còn là minh chứng cho tình yêu trong cộng đồng chúng ta là có thật.
(Nguyễn Anh Phong nói về đám cưới của Khiết và Đạt)
Đám cưới vắng mặt cha mẹ
Sáu năm trước, trong một chuyến công tác quy tụ nhiều đội nhóm trong cộng đồng LGBT tại Đà Nẵng, Khiết và Đạt lần đầu gặp mặt. Ban đầu Khiết nghĩ chỉ vì Đạt là người có kinh nghiệm, biết đường đi nước bước tại Đà Nẵng nên thường chủ động hướng dẫn, chỉ bảo Khiết đủ điều.
"Nhưng sau đó tôi nhận ra chắc người ta thích mình nên mới galăng nhiều đến vậy. Nào là chủ động xách vali giùm, rồi sáng sớm tinh mơ qua đứng trước cửa phòng chờ đi ăn sáng, đi họp chung" - Khiết nhớ lại.
Mối tình riêng cứ thế nảy nở trong chuyến công tác cộng đồng chung. Kết quả là khi kết thúc chuyến công tác, trên chuyến bay từ Đà Nẵng về lại Sài Gòn, Khiết đã nhận được lời tỏ tình chính thức từ Đạt khi cả hai ngồi chung một hàng ghế. Lời tỏ tình của cặp đôi nhanh chóng bị một người bạn trong đoàn nghe được và loan báo đến tất cả bạn bè cùng đi công tác chung trên chuyến bay.
"Màn tỏ tình đúng chất dram dễ sợ" - Khiết bật cười nhớ lại khoảnh khắc hạnh phúc riêng của mình đã trở thành niềm vui chung của cả chuyến bay.
Không lâu sau đó, Khiết tiếp tục được Đạt và nhóm bạn bí mật tổ chức và thực hiện thành công màn cầu hôn tại một bãi biển vào một chiều tối vô cùng lãng mạn.
"Bữa đó nhóm chúng tôi đi chơi. Sau khi ăn uống thì cả đám dụ tôi đi ra bờ biển. Vừa ra tới nơi thì tôi thấy anh Đạt đứng đợi mình với dòng chữ khổng lồ viết trên cát: Will you marry me?", Khiết nhớ lại màn cầu hôn của Đạt. Kể từ đó, hai chàng trai trẻ ngày càng nhận được nhiều lời chúc mừng từ bạn bè thuộc cộng đồng LGBT.
Mối tình kéo dài được ba năm thì Khiết và Đạt quyết định thực hiện đám cưới vào một ngày cuối tháng 5-2016, khi tình yêu dành cho nhau thực sự sâu đậm. Thực hiện đám cưới nhưng cả hai lại không dám thông báo cho cha mẹ đôi bên.
Ở thời điểm đó, cả hai chàng trai hiểu rằng việc mời cha mẹ đến đám cưới của mình vẫn là một điều gì đó quá sức chịu đựng của họ. Nhất là khi người cha quá cố của Đạt lại là một cán bộ nhà nước, có chức vụ cao nên tâm lý gia đình ngại điều tiếng là không thể tránh khỏi.
"Thời điểm đó chúng tôi cùng làm công tác xã hội, cùng đấu tranh quyền lợi cho cộng đồng LGBT. Hằng ngày chúng tôi đi truyền cảm hứng cho mọi người hãy sống tốt, sống thật, vậy thì trong cuộc sống của chính chúng tôi, chẳng lẽ phải chùn bước trước áp lực của gia đình mình. Cho nên chúng tôi càng có động lực hơn cho việc sống thật với bản thân mình. Đám cưới là một câu trả lời, bởi nếu sống mà phải giấu giếm thì đó là một điều khủng khiếp" - Tiến Đạt chia sẻ.
Ngày đám cưới, bên phía gia đình Khiết có cô Út tham dự, bên phía Đạt chỉ có người chị đến chúc mừng. "Thực ra khi dự đám cưới chúng tôi, các cô chú, anh chị đều có chung tâm lý lo lắng vì sợ gia đình hai bên biết sẽ la rầy. Cho tới bây giờ, với riêng tôi, việc tổ chức đám cưới mà chúng tôi không dám mời cha mẹ đến dự thực sự là một niềm vui không trọn vẹn, để lại một vết cứa hằn sâu trong tim cho đến tận bây giờ" - Khiết trải lòng.
Bạn bè đến dự ngày cưới của Khiết và Đạt được tổ chức ở một trung tâm tiệc cưới tại Q.4 - Ảnh: NVCC
Gia đình kiểu mẫu trong cộng đồng
Căn phòng nhỏ nhắn của Khiết và Đạt nằm ở một chung cư trên đường Võ Văn Kiệt, thuộc Q.1, TP.HCM. Ở đó, một tấm ảnh cưới "siêu to" của hai vợ chồng choán hết nửa vách tường phía đầu nằm. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi về đời sống chồng vợ sau ngày cưới, Đạt cho biết hiện giờ cả đôi bên gia đình đều đã chấp nhận cuộc hôn nhân. Từ sau đám cưới vài tháng, Đạt và Khiết dọn về sống chung với mẹ và ông bà ngoại của Khiết.
"Thực ra sau khi cưới, chúng tôi cũng gặp một số áp lực tương tự các cặp đôi dị tính về vai trò là dâu, rể của mình với gia đình. Chúng tôi đã trở thành con cháu chung, có việc gì của hai bên gia đình mình cũng phải tập cách xử lý, gánh vác với tất cả trách nhiệm và bổn phận" - Đạt cho biết.
Cuộc sống sau hôn nhân của Đạt và Khiết cũng có đủ những ngọt ngào lẫn nước mắt. Khiết chia sẻ: "Đạt là một người trầm tính, lầm lì ít nói. Khi mới về ở chung, có đôi khi có chuyện anh ấy không nói thẳng mà cứ bóng gió nhưng lại muốn đối tác phải hiểu. Còn bản thân tôi thì lại nói nhiều nên cũng đã có vài lần xảy ra cãi vã lớn tiếng.
Qua ba năm sống chung, tôi thấy trong tình yêu có bốn giai đoạn: hợp, yêu, hiểu và cần. Trong đó hiểu là quan trọng nhất. Và chúng tôi đã bước qua đủ các giai đoạn này nên cả hai gần như đã hiểu và chấp nhận những tật xấu của đối tác để dung hòa cuộc sống".
Với cặp đôi Đạt và Khiết, có một áp lực khá lớn khi cả cộng đồng nhìn vào hạnh phúc gia đình của hai người để phấn đấu. Người đại diện cho gia đình Khiết hôm đám cưới cũng chính là một người anh thân thiết mà cộng đồng LGBT cả nước đều biết, đó là anh Nguyễn Anh Phong, đại diện phía Nam của Mạng lưới người sống chung với HIV (VNP+).
Tại đám cưới, anh Phong bày tỏ: "Tôi hi vọng đây sẽ không chỉ là mốc son ghi dấu tình cảm của hai người mà còn là minh chứng cho tình yêu trong cộng đồng chúng ta là có thật".
Hai chàng trai, cũng là hai vợ chồng; một là trưởng nhóm, một là thành viên năng nổ của nhóm Sắc màu cuộc sống, nơi tư vấn sức khỏe tình dục cho người đồng tính nam và người chuyển giới (transgender). Ngoài công việc đó, với kiến thức của một y sĩ y học cổ truyền, Khiết đã pha chế thành công sản phẩm nước uống làm từ sâm và các loại thảo mộc để kinh doanh, giúp hai vợ chồng có thêm thu nhập để ổn định cuộc sống.
Chọn cách sống tốt để gia đình hiểu
"Tôi chưa bao giờ nói chuyện thẳng thắn với gia đình mình nhưng chỉ cần nhìn là ba mẹ tôi hiểu con mình là người như thế nào. Điều quan trọng là khi bị gia đình để ý, theo dõi trong từng đường đi nước bước thì tôi chọn cách sống cho thật tốt. Khi gia đình thấy mình sống tốt, thành công thì họ biết rằng mình đã chọn con đường đúng" - Khiết chia sẻ.
____________________________
Kỳ tới: Sau những ngày tăm tối
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận