Ảnh minh họa. |
Tại buổi “Tập huấn phổ biến các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan” cho tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm âm nhạc, bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại trong cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, môi trường kỹ thuật số sáng 15-5 ở TP.HCM, RIAV cho biết hiện có khoảng 20 đơn vị sản xuất đầu máy karaoke nhưng chỉ có bốn đơn vị là Sơn Ca, Hanet, Việt KTV và BTE có mua bản quyền những bản ghi sử dụng trong các đầu máy của mình.
Người tiêu dùng hay chủ kinh doanh karaoke sẽ được cấp một mã code để chép thêm những ca khúc tùy thích vào đầu máy và sử dụng trái phép.
Với những đơn vị không bản quyền thì khi khách hàng mua, họ sẽ hướng dẫn đến các đại lý lấy mã code để chép ca khúc. Vì vậy khi hỏi đến việc mua bản quyền ghi âm, các đơn vị sản xuất đầu karaoke đều cho rằng họ chỉ cung cấp thiết bị và không phải là người chép những ca khúc đó vào đầu máy nên họ không có trách nhiệm trả bản quyền.
Tại buổi tập huấn, ông Vũ Xuân Thành - chánh thanh tra Bộ Văn hóa, thể thao & du lịch - đã có kết luận việc các đơn vị sản xuất và cung cấp đầu karaoke không trả tác quyền là sai luật. Ông ví các đơn vị sản xuất là chủ nhà, xây nhà xong mở cửa giữ “hàng gian” cho người khác cũng là phạm luật.
Ông hi vọng thông qua buổi tập huấn này, các đơn vị, cá nhân sẽ thấu hiểu vấn đề hơn, cùng bắt tay với các nhà sản xuất bản ghi và chủ sở hữu các tác phẩm âm nhạc trong tương lai.
Ông chánh thanh tra Bộ Văn hóa, thể thao & du lịch cũng cho biết thời gian tới bộ sẽ siết mạnh việc thanh tra và có những biện pháp xử lý nghiêm ngặt hơn với các trường hợp vi phạm bản quyền, tác quyền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận