Doanh nghiệp Nhật Bản tại một buổi kết nối giao thương - Ảnh: NAM TRẦN
Theo báo cáo vừa được Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố ngày 4-3 trong khảo sát về "Thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam", doanh nghiệp nước này vẫn muốn gắn bó với thị trường Việt Nam lâu dài.
Hơn 70% doanh nghiệp được hỏi đều mong muốn tiếp tục mở rộng kinh doanh, đây là con số cao hơn so với nhiều nước khác.
JETRO nhận định, điều đó cho thấy việc đầu tư lâu dài ở Việt Nam sẽ ngày càng có lãi, các doanh nghiệp Nhật vẫn đánh giá cao kỳ vọng doanh thu với kỳ vọng vào khả năng tăng trưởng ở thị trường này. Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam có khả năng tăng trưởng cao và tiềm năng lớn.
Tỉ lệ có lãi đối với những doanh nghiệp thành lập trước năm 2010 ổn định ở mức khoảng 80%.
Năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp số dự án đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam tăng và đạt kỷ lục với 630 dự án và là năm thứ 4 liên tiếp tỉ lệ doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng đầu tư tại Việt Nam tăng.
Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện mới của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM cho biết hiện nay Việt Nam là một trong những điểm đến ưa thích của doanh nghiệp Nhật Bản.
Trong năm 2019, công nghiệp chế tạo vẫn là lĩnh vực được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, đầu tư tại Việt Nam. Bên cạnh đó, dịch vụ và đầu tư gián tiếp cũng có xu hướng tăng lên.
Các nhà đầu tư Nhật đặc biệt quan tâm đến tiềm năng phát triển thị trường Việt Nam với dân số trẻ, ngày càng tăng, nền kinh tế phát triển, chính trị ổn định.
Hơn hết, nhà đầu tư Nhật nhìn thấy nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong cải thiện môi trường kinh doanh, đây là một tin hiệu rất quan trọng mà bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào đều quan tâm.
Trung bình, mỗi năm văn phòng JETRO ở TP.HCM tiếp nhận khoảng 6.000 lượt doanh nghiệp Nhật Bản đến tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp Nhật Bản, vẫn còn một số hạng mục đáng quan ngại trong môi trường kinh doanh Việt Nam.
Cụ thể, hạng mục "hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành không rõ ràng" là 48,2%, tăng cao hơn năm trước 1,3 điểm.
Hạng mục "cơ chế, thủ tục thuế phức tạp, thường xuyên có sự thay đổi", nhất là thuế thu nhập cá nhân và thuế chuyển nhượng đang có vấn đề.
Chính sách phát triển ngành công nghiệp ôtô vẫn chưa được cụ thể, theo đó dù tỉ lệ nội địa hóa của Việt Nam có cải thiện nhưng vẫn còn ở mức thấp so với Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận