06/03/2014 16:58 GMT+7

Hơn 5.500 nhóm trẻ mầm non hoạt động không phép

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Theo thống kê chưa đầy đủ từ 50 tỉnh, thành phố, hiện có 5.590 nhóm trẻ chưa được cấp phép, chưa kể những nhóm trẻ gia đình nhỏ lẻ dưới 10 trẻ/nhóm chưa thể kiểm soát, thống kê được.

Đây là thông tin do Bộ GD-ĐT cung cấp trong hội thảo quản lý nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục tổ chức sáng 6-3.

jpWSeQQB.jpgPhóng to
Bữa ăn tại một nhóm trẻ mầm non ở Q.Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: M.N.

Bà Nguyễn Thị Nghĩa, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết hiện nay Việt Nam có 16.000 nhóm lớp độc lập tư thục giữ trẻ dưới 36 tháng tuổi. Nhưng có tới 34% chưa được cấp phép với quy mô nhỏ và phần lớn là nhóm trẻ gia đình. Các điều kiện để đảm bảo chất lượng vô cùng khó khăn.

Bà Nghĩa nhận định việc còn nhiều nhóm trẻ chưa được quản lý là một nguyên nhân dẫn đến thực trạng trẻ chưa được chăm sóc, chưa được áp dụng giáo dục theo chương trình của Bộ GD-ĐT và ở một số nơi còn xảy ra tình trạng bạo hành, thiếu an toàn cho trẻ gây bức xúc dư luận trong thời gian qua.

Tại Bắc Ninh còn có tới gần 1.200 cơ sở mầm non không phép, trong đó chỉ riêng huyện Từ Sơn, nơi có nhiều khu công nghiệp, 25/38 cơ sở mầm non không phép.

Hải Phòng mặc dù có nhiều giải pháp kiểm soát nhưng hiện vẫn còn khoảng 8.000 trẻ đang được gửi ở những nhóm lớp chưa được quản lý.

Tình trạng giáo viên, chủ trường không có trình độ, chất lượng chăm sóc trẻ, cơ sở vật chất kém là thực trạng chung của các cơ sở không phép.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, trưởng ban gia đình xã hội Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, cũng cho biết năm 2012, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam có tiến hành một cuộc khảo sát 5 tỉnh thành đông khu công nghiệp gồm: Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Đồng Nai, Hải Dương.

Kết quả cho thấy chỉ có 18,9% gia đình gửi các con vào các cơ sở mầm non công lập, trong khi đó gửi tư thục 36,7%. Hầu hết con của nữ công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất đều gửi vào nhóm nhỏ, tư thục chưa được cấp phép. Kết quả cũng cho thấy 72,3% họ gửi con vào nhóm trẻ tư thục không phép vì gần nhà, tiện đường đưa đón. 41% do các lớp này có thời gian gửi trẻ, giữ trẻ linh động, chỉ có 34,4% các gia đình quan tâm chất lượng, trong đó chỉ có 32% gia đình quan tâm tới chất lượng giáo viên.

Đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay trong 10 tỉnh có khu công nghiệp, khu chế xuất mà Tổng liên đoàn Lao động khảo sát năm 2011 thì chỉ có 16,9% khu công nghiệp, khu chế xuất có nhà trẻ mẫu giáo. Trong đó, công lập chỉ chiếm 39,9%, tư thục là 60,1%.

Trước thực trạng tỉ lệ trẻ được hưởng sự chăm sóc giáo dục trong các cơ sở mầm non công lập còn quá ít, việc kiểm soát, quản lý các cơ sở mầm non tư thục hiện nay là bài toán khó giải cần sự phối hợp của chính quyền, các bộ ngành chứ không thể trông chờ vào duy nhất ngành GD-ĐT.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết dự kiến ngày 20-3 tới Thủ tướng Chính phủ sẽ ký ban hành đề án "Hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục tại cộng đồng” do Hội Liên hiệp phụ nữ chủ trì. Đây là một cơ hội để hỗ trợ cùng Bộ GD-ĐT và các ban, ngành, địa phương trên cả nước chung tay giải quyết bất cập trên.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp