Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn - giám đốc Trung tâm Quản lý đường thủy, việc số hóa dữ liệu khảo sát, thông tin luồng đường thủy nội địa, các công trình trên tuyến và trên cạn tích hợp lên cổng thông tin điện tử của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, Trung tâm Quản lý đường thủy nhằm cung cấp thông tin cho người dân.
Đồng thời phục vụ công tác quản lý, khai thác hạ tầng đường thủy hiệu quả và xứng tầm với tiềm năng sẵn có.
Cụ thể, trong năm 2023, Trung tâm Quản lý đường thủy (đơn vị thực hiện) hoàn thành mô hình số hóa hiện trạng toàn bộ 82 tuyến đường thủy của TP.HCM với tổng chiều dài hơn 523km. Tổng diện tích phần dưới nước hơn 5.500ha, tổng diện tích phần mái dốc và 2 bên bờ hơn 10.000ha.
Không chỉ vậy, 217 công trình vượt tuyến (cầu và cống), 146 cảng và bến thủy nội địa, thiết kế cảnh quan điển hình 2 bên bờ sông cho 82 tuyến cũng đã hoàn tất bằng công nghệ hiện đại nhất mà thế giới áp dụng BIM - GIS, 3D đáp ứng yêu cầu của Chính phủ và TP.HCM về áp dụng xây dựng mô hình thông tin công trình (BIM) và tích hợp mô hình thông tin công trình vào hệ thống thông tin địa lý (GIS).
"Nhờ vào đó, các đơn vị quản lý ở TP.HCM nắm bắt chính xác cao độ đáy luồng, xác định tim tuyến đường thủy, lý trình và kết cấu hạ tầng giao thông trên tuyến. Từ đó đề xuất nạo vét duy tu, chỉnh trị luồng đường thủy.
Ngoài ra đây cũng là nguồn dữ liệu cần để thực hiện việc lấp hố xói, gia cố bờ tuyến đường thủy, xây dựng các công trình phòng chống triều cường, sạt lở (đê bao, bờ bao, kè, cống ngăn triều...) để bảo vệ an toàn khu dân cư tại các khu vực ven sông, kênh, rạch", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng thông tin thêm, những năm tới đây đơn vị có thể theo dõi mực nước, có biện pháp kiểm tra công trình dọc tuyến và thông tin cho tàu thuyền đi lại.
Riêng loạt công trình kè hiện hữu kịp thời có giải pháp duy tu sửa chữa nhằm duy trì hoạt động bình thường của công trình. Thông qua xác định hiện trạng 3D bờ hiện hữu để quản lý công trình ven sông, xử lý lấn chiếm bờ sông, kênh rạch.
Các chuyên gia nhận định đây là lần đầu tiên ở Việt Nam công nghệ số hóa được ứng dụng toàn bộ cho một dự án đường thủy nội địa với quy mô lớn như thế. Qua đó thấy được sự quyết tâm chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả quản lý hạ tầng của UBND TP.HCM, Sở Giao thông vận tải TP.HCM.
Trước đó, trong lễ phát động thi đua đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm TP.HCM, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường yêu cầu các đơn vị tiến tới chuyển đổi số xây dựng mô hình thông tin công trình hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy... để quản lý, khai thác.
TP.HCM đi đầu trong chuyển đổi số phục vụ quản lý đường thủy
Theo Trung tâm Quản lý đường thủy, toàn bộ diện mạo đường thủy nội địa TP.HCM được xây dựng trên nền tảng tích hợp Mô hình thông tin công trình (BIM) và hệ thống thông tin địa lý (GIS). Mô hình số này với dạng 3D tích hợp đầy đủ các lớp dữ liệu thông tin quản lý đường thủy nội địa TP.HCM.
Thông tin gồm độ sâu luồng, hiện trạng ven 2 bên bờ, các công trình vượt tuyến, cảng và bến thủy nội địa, hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa...
Trên hệ thống bản đồ số này còn tích hợp dữ liệu hiện trạng và thông tin quy hoạch hệ thống hạ tầng các công trình cảng, bến thủy...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận