Chị Zoe Nassimoff, người có bà mất trong đại dịch COVID-19, lặng nhìn những lá cờ nhỏ màu trắng tượng trưng cho các nạn nhân COVID-19 trong một dự án nghệ thuật được tổ chức vào tháng 9-2021 - Ảnh: AP
Theo trang thống kê về COVID-19 worldometers.info, tính đến 20h ngày 30-10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã có 5.007.818 người chết trong tổng số gần 247 triệu ca nhiễm.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 765.722 ca tử vong trong tổng số gần 46.780.000 ca mắc. Đứng thứ hai là Brazil với 607.504 ca tử vong, tiếp theo là Ấn Độ với 457.773 người chết.
Nếu tính theo tỉ lệ tử vong trên 1 triệu dân, Peru là quốc gia có tỉ lệ cao nhất, theo đó cứ 1 triệu người dân thì có 5.962 người tử vong vì COVID-19. Tiếp đến là Bosnia-Herzegovina với 3.533 người/1 triệu dân, xếp tiếp theo là Bulgaria và Cộng hòa Bắc Macedonia, theo worldometers.info.
Trong hơn 1 năm rưỡi qua, ngày càng nhiều công trình tưởng niệm người thân, nạn nhân COVID-19 xuất hiện trên khắp thế giới.
Một số công trình là ý tưởng của chính quyền, có sự đóng góp của các nghệ sĩ nên quy mô hoành tráng nhằm đánh động về sự nguy hiểm của đại dịch với những người xem thường virus. Phần lớn là các công trình nhỏ, tự phát của những người đã mất thân nhân trong đại dịch.
"Rừng ký ức", dự án trồng cây xanh tưởng niệm các nạn nhân COVID-19 tại Bergamo (Ý) - Ảnh: AP
Tại New Jersey (Mỹ), công trình tưởng niệm khiêm tốn nằm bên bờ biển mà một người em gái dành cho anh trai đã thu hút được sự chú ý, trở thành nơi tưởng niệm của hàng ngàn linh hồn khác, theo Hãng thông tấn AP.
Còn tại Bergamo, thành phố tại Ý trải qua đợt bùng phát dịch khủng khiếp vào năm ngoái, một hàng cây xanh - thứ tạo ra khí oxy trong quá trình quang hợp - được trồng đối diện tại một bệnh viện địa phương, nơi nhiều người đã chết vì không thở được.
Đại dịch đã đoàn kết nhiều quốc gia, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của y học khi tạo ra vắc xin trong vòng 1 năm thay vì hàng chục năm. Nhưng đại dịch cũng khoét sâu khoảng cách giữa các nước phát triển và chưa phát triển.
Trong tuyên bố chung ngày 29-10, bộ trưởng tài chính và y tế các nước nhóm G20 cam kết sẽ tăng nguồn cung vắc xin, vật tư y tế hướng đến mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số thế giới vào giữa năm 2022.
Các bộ trưởng cũng kêu gọi thành lập nhóm đặc nhiệm tài chính - y tế để đối phó COVID-19, với sự tham gia của các tổ chức khu vực và quốc tế, các nước bên ngoài G20. Theo các bộ trưởng G20, việc nhóm đặc nhiệm được thành lập đã cho thấy những "thiếu sót nghiêm trọng" trong khả năng điều phối phản ứng với dịch bệnh của thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận