UBND TP.HCM vừa có quyết định phê duyệt đề án xây dựng nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 - 2030.
75% công chức đánh quá công việc nhiều hoặc rất nhiều
Theo đó, đề án đã lấy 12.869 phiếu khảo sát công chức và 76.601 phiếu khảo sát viên chức về quan điểm, cảm nhận, thái độ với nền công vụ. Đáng chú ý, hơn 75% công chức đánh giá khối lượng công việc ở mức nhiều hoặc rất nhiều.
Khảo sát cũng cho biết nghịch lý dù 74% công chức cho rằng sẽ sẵn sàng thực hiện mọi việc để ở lại cơ quan, đơn vị mình, nhưng lại có tới hơn 43% công chức sẽ rời bỏ công việc hiện tại khi có cơ hội phù hợp hơn, gần 22% còn đang phân vân.
Ba nguyên nhân được nêu ra là thu nhập quá thấp, công việc quá áp lực và không có cơ hội thăng tiến.
Kết quả khảo sát viên chức cũng nêu ra vấn đề thiếu nhân lực ở các cơ quan, đơn vị, thu nhập chưa xứng đáng với kết quả công việc. Tuy nhiên, 70% viên chức cho biết sẽ không rời bỏ đơn vị dù nơi khác mời với thu nhập cao hơn vì họ đang hài lòng với các mối quan hệ ở nơi làm việc hiện tại.
Cũng theo đề án, đến năm 2025, TP.HCM nhận diện đúng vấn đề và từng bước khắc phục tồn tại ở ba yếu tố là năng lực, động lực và môi trường. Ưu tiên cải thiện các yếu tố liên quan trực tiếp đến đội ngũ công chức, viên chức. Đồng thời phát huy sự đổi mới của đội ngũ công chức, viên chức.
Giai đoạn 2025 - 2030, TP.HCM tập trung hoàn thiện, cải cách mạnh mẽ và toàn diện về thể chế và tổ chức bộ máy chính quyền đô thị. Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức chất lượng, chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả, ngang tầm nhiệm vụ chính trị và đáp ứng mục tiêu "muốn làm, làm được, được làm".
Giải pháp đưa ra là gì?
Theo đó, TP.HCM sẽ đẩy mạnh việc vận động học sinh, sinh viên, nhân sĩ, trí thức, người lao động tham gia làm việc trong khu vực công.
Nâng cao chất lượng đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức theo hiệu quả công việc và chất lượng sản phẩm đầu ra, gắn trách nhiệm của người đứng đầu.
TP tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn, thực thi công vụ theo từng vị trí, chức danh. Trong đó, TP tập trung xây dựng Học viện Cán bộ TP trở thành trung tâm về đào tạo, bồi dưỡng chất lượng cao.
Ngoài ra, TP.HCM sẽ tập trung đổi mới công tác tổ chức cán bộ; mở rộng phương thức bổ nhiệm, quản lý các cấp thông qua thi tuyển cạnh tranh; thí điểm mô hình tập sự lãnh đạo, quản lý các cấp.
Sàng lọc đội ngũ, tinh giản biên chế, đưa ra khỏi bộ máy những trường hợp không đáp ứng được yêu cầu. Thực hiện tốt chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Đáng chú ý, TP.HCM sẽ đưa ra các chính sách cân bằng công việc - cuộc sống, nghiên cứu, đề xuất thí điểm các mô hình làm việc linh hoạt nhằm giúp cán bộ, công chức, viên chức làm việc hiệu quả hơn, tạo tâm lý thoải mái, tư duy tích cực, yên tâm gắn bó lâu dài đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với hoàn thiện tổ chức, bộ máy của địa phương theo yêu cầu thực tiễn. Đầu tư cơ sở vật chất và hiện đại hóa nền công vụ.
TP.HCM cũng sẽ kiên trì kiến nghị, đề xuất, tìm kiếm các đột phá về thể chế.
Hỗ trợ nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức
Về các chính sách đãi ngộ, TP.HCM sẽ tập trung hỗ trợ nhà ở xã hội, nghiên cứu xây dựng kế hoạch về phát triển nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách chi thu nhập tăng thêm, áp dụng cơ chế khoán trong sử dụng biên chế, số lượng người làm việc.
Bên cạnh đó là các chính sách tôn vinh xứng đáng cán bộ, công chức, viên chức có đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển TP, khen thưởng đối với cá nhân có giải pháp đột phá, năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận