Một nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động ở tỉnh Banten, Indonesia - Ảnh: Reuters
Tuyên bố chung toàn cầu về chuyển dịch từ than sang năng lượng sạch được công bố trong Ngày năng lượng 4-11 của Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow, Vương quốc Anh. Theo báo Guardian, hơn 40 nước đã cam kết dù tại châu Á, việc dùng than vẫn đang tăng chứ không giảm.
Nỗ lực vài thập niên
"Thế giới đang đi đúng hướng, sẵn sàng đặt dấu chấm hết với than và đón nhận các lợi ích kinh tế, môi trường từ việc xây dựng một tương lai sử dụng năng lượng sạch" - Bộ trưởng Năng lượng và kinh doanh của Anh Kwasi Kwarteng nói về tuyên bố chung toàn cầu, chiến lược trọng tâm của Anh tại COP26. Đi cùng cam kết từ bỏ nhiệt điện than sẽ là các khoản đầu tư vào năng lượng sạch, quỹ hỗ trợ cho lao động và những lĩnh vực phụ thuộc ngành than.
Tuy nhiên, chưa rõ các nền kinh tế lớn phụ thuộc nhiệt điện như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ có tham gia không. Theo thông báo từ Chính phủ Anh, dự kiến các nước giàu sẽ ngừng nhiệt điện than từ thập niên 2030 và các nước nghèo hơn sẽ tham gia trong thập niên tiếp theo. Ngoài ra, khoảng 20 quốc gia và tổ chức cũng cam kết không cấp tài chính cho các dự án năng lượng hóa thạch ở nước ngoài từ cuối năm sau.
Tại COP26, đặc sứ phụ trách về khí hậu của Liên Hiệp Quốc, ông Mark Carney, cho rằng thế giới cần 100.000 tỉ USD để thực hiện các mục tiêu khí hậu trong 3 thập niên tới.
Tuy nhiên, các nhà môi trường cho rằng cam kết này vẫn mập mờ và sự thật là nhiều tổ chức tài chính vẫn đang rót hàng trăm tỉ USD vào năng lượng hóa thạch. Trong thập niên trước, các nước giàu từng hứa dành 100 tỉ USD mỗi năm cho đến năm 2020 để giúp các nước nghèo chuyển sang năng lượng sạch và đối phó thời tiết cực đoan nhưng cam kết này sau đó rơi vào quên lãng.
"Cai nghiện" điện than, cần lộ trình
Than tạo ra 37% nguồn điện cho thế giới nhưng cũng gây ô nhiễm nhất và phát thải khí nhà kính nhiều nhất gây biến đổi khí hậu. Do đó, giảm bớt than là yếu tố then chốt để đạt các mục tiêu về môi trường. Tuy nhiên do giá rẻ và nguồn cung dồi dào, nhiều nước vẫn phụ thuộc nguồn năng lượng này.
Tại châu Á, khu vực chiếm 60% dân số thế giới và sản xuất một nửa hàng hóa toàn cầu, việc dùng than đang tăng chứ không giảm. Tổ chức Theo dõi năng lượng toàn cầu (GEM) cho biết phần lớn trong số 195 nhà máy nhiệt điện đang xây dựng trên thế giới là ở châu Á.
Năm 2021, nhu cầu về than tiếp tục đạt đỉnh khi các nước cần nhiều năng lượng để hồi phục sau dịch. "Phát triển năng lượng tái tạo là quan trọng, nhưng than vẫn sẽ là năng lượng chính của Ấn Độ trong ít nhất 15 năm nữa" - cựu bộ trưởng phụ trách than của Ấn Độ nói với Reuters.
Tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên mới đây cho biết Việt Nam chưa thể dừng nhiệt điện than trong giai đoạn 2021-2030. Phát biểu tại hội đàm trực tuyến với Bộ trưởng Bộ Năng lượng, thương mại và chiến lược công nghiệp Anh Greg Hands ngày 21-10, ông Diên nói nhiệt điện hiện đang chiếm trên 32% tổng công suất nguồn điện toàn quốc và đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam.
Nhưng tới năm 2030, Việt Nam sẽ không phát triển thêm các nhà máy nhiệt điện mới, hạn chế tối đa các nhà máy mới tới năm 2045 và từng bước loại bỏ các nhà máy đã vận hành nhiều năm, công nghệ lạc hậu.
Trên thực tế, ngay cả ở những nước đã cam kết cắt giảm khí thải, nhiệt điện vẫn rất quan trọng. Nhật Bản đang xây thêm 7 nhà máy nhiệt điện để bù đắp năng lượng thiếu hụt sau khủng hoảng hạt nhân Fukushima, trong khi Úc mới đây cũng khẳng định sẽ không từ bỏ than.
Ngày 3-10, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố kế hoạch hỗ trợ Indonesia và Philippines đóng cửa 50 nhà máy nhiệt điện trong 10-15 năm tới với 2 nguồn quỹ trị giá hàng tỉ USD.
Theo ADB, một quỹ dùng cho việc dừng hoạt động hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng các nhà máy nhiệt điện, quỹ còn lại đầu tư vào năng lượng sạch. Dù vậy, kế hoạch còn thiếu nhiều chi tiết hành động cụ thể, trong khi các nước vẫn phụ thuộc lớn vào nhiệt điện.
Indonesia là nhà xuất khẩu than lớn nhất thế giới và giá than đang tăng cao. Tại Philippines, hơn một nửa năng lượng tiêu thụ từ than. Indonesia trước đó nói kế hoạch của họ là bỏ nhiệt điện từ năm 2056 và không còn phát thải carbon vào năm 2060. Để làm vậy, Indonesia cần đến 200 tỉ USD mỗi năm trong thập niên này để đầu tư vào năng lượng sạch.
"Chúng tôi cần nguồn tài chính để bỏ than sớm và phát triển năng lượng tái tạo. Đây chính là vấn đề cốt lõi và tôi, trong vai trò bộ trưởng tài chính, đang tính xem việc bỏ than sẽ khiến chúng tôi thiệt hại bao nhiêu" - bà Sri Mulyani, bộ trưởng Tài chính Indonesia, nói tại COP26.
COP26 và những con số
100 tỉ USD: Là số tiền các nước phát triển cam kết năm 2009 hỗ trợ các nước nghèo chống biến đổi khí hậu, nhưng đến nay chưa thực hiện.
101: Tại COP26, 101 quốc gia và Liên minh châu Âu đã cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030.
414: Nồng độ CO2 trong khí quyển hiện là 414 ppm, cao hơn khoảng 50% so với thời kỳ tiền công nghiệp.
80%: Nhóm G20 chiếm khoảng 80% lượng phát thải CO2 toàn cầu.
Dữ liệu: BÌNH AN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận