Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, người lên ý tưởng làm đêm thơ kỉ niệm ngày sinh của thi sĩ - Ảnh: NGỌC DIỆP
Trước đêm thơ, Hà Nội như lên cơn sốt. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, người lên ý tưởng tổ chức đêm thơ Lưu Quang Vũ không ngờ ý tưởng của mình lại được nhiều người ủng hộ đến thế.
Sau chuyến viếng thăm căn hộ của vợ chồng thi sĩ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh tại 96A phố Huế, ra về Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ trên mạng xã hội hình ảnh về căn hộ về ý định tổ chức đêm thơ vào ngày 17-4.
Hoàng Điệp đã không ngờ sau đó mình nhận được vô số nguồn "viện trợ không hoàn lại" của văn nghệ sĩ Hà Nội. Lập tức một tổ tư liệu, tổ mỹ thuật, tổ quay phim được thiết lập để chuẩn bị cho đêm thơ vào đúng sinh nhật nhà thơ Lưu Quang Vũ 17-4.
Đạo diễn Nguyễn Thước đã đem tới bộ phim tài liệu ông làm về Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh.
Vợ chồng đạo diễn Nhuệ Giang - Thanh Vân mang đến cho Hoàng Điệp chiếc ghế gỗ giống với chiếc ghế Lưu Quang Vũ từng ngồi viết kịch và thơ.
Rất nhiều người đóng góp sách cũ để Nguyễn Hoàng Điệp xây dựng không gian mô phỏng căn hộ đầy sách của hai cố thi sĩ.
NSND Lan Hương đọc thư Xuân Quỳnh viết cho Lưu Quang Vũ - Video: NGỌC DIỆP
Sau khi mời được vợ chồng nghệ sĩ Lan Hương và Đỗ Kỷ tới góp giọng đọc, Nguyễn Hoàng Điệp rón rén gọi cho NSND Hoàng Dũng lúc 23h và không ngờ ông đồng ý tham gia.
Còn rất nhiều bạn nghệ sĩ bị Hoàng Điệp đánh thức lúc nửa đêm và gần như không ai từ chối.
"Điều tôi cảm kích nhất là chị Lưu Khánh Thơ (em gái của nhà thơ Lưu Quang Vũ - PV) dù mới đột quỵ nhưng vẫn thức đêm sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của tôi. Nếu không có sự giúp đỡ của gia đình thi sĩ thì sẽ khó có được đêm thơ này", Nguyễn Hoàng Điệp xúc động nói.
Đêm thơ với cái tên Se sẽ chứ kẻo cánh buồm bay mất là sự tổng hòa của thơ ca, điện ảnh, nhiếp ảnh, âm nhạc, trưng bày - sắp đặt.
Nguyễn Hoàng Điệp không chỉ tinh tế trong việc bài trí không gian kiến trúc mà còn rất thông minh trong việc xây dựng không gian nghệ thuật.
Trong không gian cây cối xanh tươi, loa kèn tháng tư trắng muốt của Ơ kìa Hà Nội, không còn gì hợp hơn khi đọc thơ Vườn trong phố, Quán café ngoại ô…
Thơ không chỉ được đọc ở sân khấu chính. Đôi khi khán giả bất ngờ vì một người đọc thơ hiện ra sau khung cửa sổ. Khi không gian trở nên căng thẳng bởi những bài thơ chất chứa tâm trạng của Lưu Quang Vũ, bất ngờ có tiếng dương cầm êm dịu vẳng ra từ căn nhà. Mà đến gần phút cuối khán giả mới biết người đàn là nhạc sĩ Giáng Son.
Cuộc đời của Lưu Quang Vũ được tái hiện qua phim ảnh, qua những vần thơ như được viết bằng máu và nước mắt, qua âm nhạc khiến khán giả đương thời một lần nữa nhận thấy tầm vóc lớn lao của một hồn thơ nhạy cảm khác thường, có khả năng thẩm thấu cảm xúc của cả một thời đại.
Nhạc sĩ Giáng Son xuất hiện bên khung cửa sổ chào khán giả. Chị đã sáng tác một ca khúc riêng dành cho Lưu Quang Vũ - Ảnh: NGỌC DIỆP
Những lá thư tay tràn đầy tình yêu của hai thi sĩ, với những trăn trở rất đỗi đời thường, những lời động viên nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống khiến những nghệ sĩ đọc thư nghẹn ngào, khán giả vì thương mà rơi lệ.
Đã quá lâu rồi Hà Nội mới có một sinh hoạt văn hóa đặc biệt như thế này. Lưu Quang Vũ đã khiến mọi người xích lại gần nhau, khiến quá khứ và hiện tại như dồn lại vào một ngày.
Cuối chương trình, Hoàng Điệp bắt nhịp cho hơn 350 người đọc hai câu thơ "Trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng. Thơ tôi là mây trắng của đời tôi", như một cách chúc mừng sinh nhật đặc biệt dành cho thi sĩ Lưu Quang Vũ.
Còn với Hoàng Điệp, chị tự sửa câu thơ của Lưu Quang Vũ thành: "Trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng. Phim tôi là mây trắng của đời tôi".
Vợ chồng nghệ sĩ Đỗ Kỷ, Lan Hương đọc thư của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh viết cho nhau - Ảnh: NGỌC DIỆP
Ca sĩ Giang Trang đọc thơ Lưu Quang Vũ. Ngoài ra cô còn kéo theo một người bạn là dân IT đến hát ca khúc phổ thơ Lưu Quang Vũ - Ảnh: NGỌC DIỆP
Gia đình nhà thơ Lưu Quang Vũ ngồi hàng ghế đầu - Ảnh: NGỌC DIỆP
NSND Hoàng Dũng khi đọc thư Lưu Quang Vũ viết cho Xuân Quỳnh đã bật khóc vì quá xúc động - Ảnh: NGỌC DIỆP
Nhạc sĩ Lê Tâm thể hiện ca khúc "Tiếng Việt" phổ thơ Lưu Quang Vũ - Ảnh: NGỌC DIỆP
Khán giả tới tham dự đông đến mức phải đứng tràn ra ngoài cổng - Ảnh: NGỌC DIỆP
Không gian mô phỏng căn hộ của cố thi sĩ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh - Ảnh: NGỌC DIỆP
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận