Hướng dẫn thí sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển đại học tại Ngày hội tư vấn xét tuyển năm 2022 - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Với 941.759 thí sinh có dự kiến đăng ký xét tuyển đại học khi đăng ký dự thi nhưng chỉ có 616.522 (65,5%) thí sinh xác nhận đăng ký xét tuyển trên hệ thống, chưa có thể nói đây là điều bất thường, bởi đây mới chỉ là năm đầu tiên các trường đại học phải xét tuyển lọc ảo chung tất cả các phương thức. Nhưng con số này gây bất ngờ cho các trường đại học.
Nếu thực sự hơn 300.000 thí sinh không tiếp tục đăng ký xét tuyển trên hệ thống mà chuyển sang xét tuyển vào các trường cao đẳng thì đây là điều đáng mừng, vì như vậy sự phân luồng sau THPT bắt đầu có tác dụng. Tuy nhiên điều này còn phải chờ được đánh giá kiểm chứng qua kết quả tuyển sinh của các trường cao đẳng.
Quy chế tuyển sinh 2022 và hướng dẫn thực hiện quy chế được ban hành quá muộn so với ngay cả hai năm đại dịch 2020 và 2021, sau khi hầu hết các trường đã triển khai nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển theo các phương thức khác như xét theo học bạ THPT, ưu tiên xét tuyển hoặc xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.
Trên thực tế, thí sinh phải thực hiện ba lần đăng ký xét tuyển "bắt buộc": lần đầu (từ ngày 4 đến 13-5-2022) thí sinh phải đăng ký dự thi đồng thời có đăng ký xét tuyển (chứ không như truyền thông của Bộ GD-ĐT là đăng ký xét tuyển thực hiện sau khi thi tốt nghiệp THPT); lần hai (có thể trước hoặc sau lần đầu, theo lịch quy định của trường) thí sinh phải đăng ký xét tuyển tại trường đại học; lần ba tất cả thí sinh đã đăng ký xét tuyển tại trường bằng bất kỳ phương thức nào cũng phải đăng ký xét tuyển lại trên hệ thống xét tuyển chung.
Hậu quả của việc đăng ký xét tuyển rối rắm là sau khi đăng ký xét tuyển lần đầu chỉ có rất ít thí sinh tự do đã tốt nghiệp từ những năm trước phải đăng ký dự thi dù không thi môn nào để được cấp mã code cho đăng ký xét tuyển sau này. Bộ GD-ĐT phải thay đổi quy định của chính mình, tiếp tục mở cổng hệ thống cho các thí sinh diện này đăng ký xét tuyển.
Hiện chưa thống kê được hết số lượng thí sinh đã đăng ký xét tuyển lần ba trên hệ thống nhưng chưa đăng ký xét tuyển lần hai tại trường, hoặc ngược lại, có đăng ký xét tuyển lần hai tại trường nhưng không đăng ký xét tuyển lần ba trên hệ thống. Bộ GD-ĐT đã lại phải tiếp tục điều chỉnh lịch: những thí sinh chưa đăng ký được nguyện vọng xét tuyển đại học vì những lý do ngoài mong muốn sẽ được Bộ GD-ĐT hỗ trợ từ ngày 21 đến 23-8.
Do không lường được năng lực kết nối của nền tảng thanh toán trực tuyến, Bộ GD-ĐT thông báo lùi lịch thanh toán trực tuyến trên hệ thống ba ngày so với kế hoạch ban đầu. Điều đáng lo là hiện nay phần mềm xử lý nguyện vọng đăng ký xét tuyển vẫn còn đang giai đoạn chạy thử chờ góp ý hoàn thiện, chưa biết khi vận hành với dữ liệu lớn và phức tạp có bảo đảm được mục tiêu lọc ảo chung tất cả các phương thức được đặt ra lúc ban đầu hay không.
Với hơn 600.000 thí sinh đã đăng ký xét tuyển trên hệ thống và tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng sư phạm năm 2022 vào khoảng 550.000, việc xét tuyển đủ chỉ tiêu và không bị ảo không chỉ là thách thức của quy chế tuyển sinh 2022 mà còn là mối lo hàng đầu của các trường đại học trong giai đoạn xét tuyển cuối hiện nay. Một số trường đại học đã không ngần ngại công bố sẽ xét tuyển bổ sung ngay sau khi kết thúc xét tuyển đợt 1.
Nếu có nhiều trường đại học phải xét tuyển bổ sung với số lượng chỉ tiêu tuyển bổ sung lớn thì việc xét tuyển lọc ảo chung tất cả các phương thức sẽ không còn ý nghĩa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận