Tiêm mũi 2 cho học sinh ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Với trẻ 12-17 tuổi đã có 671.840 em tiêm mũi 1, đạt 95,6% và trong 2 ngày 22 và 23-11, đã có 238.200 em được tiêm mũi 2, đạt 33,9% (tính trên dân số 12 - 17 tuổi là 702.560 em).
Theo cổng thông tin TP.HCM, quận 1 đang có tỉ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 2 cho trẻ 12 - 17 tuổi cao nhất là gần 42%, sau đó đến huyện Cần Giờ là gần 37% và huyện Củ Chi gần 33%.
Đối với người từ 18 tuổi trở lên đã có 7.215.180 người tiêm mũi 1, đạt 100%, và 6.065.350 người tiêm mũi 2, đạt 84,1% (tính trên dân số từ 18 tuổi trở lên là 7.208.800 người của Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình).
Đối với người từ 50 tuổi trở lên, đã có 1.786.780 người tiêm mũi 1, đạt 90%, và 1.701.980 mũi 2, đạt 85,7% (tính trên dân số từ 50 tuổi trở lên là 1.984.210 người của Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình).
TP.HCM vẫn tiếp tục tiêm vắc xin đợt 2 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi đến ngày 28-11.
Giảm tử vong bằng cách nào?
Tại các tỉnh thành khu vực phía Bắc, từ thời điểm nới giãn cách đến nay, số ca mắc COVID-19 đã gia tăng, đáng chú ý là Hà Nội liên tiếp trên 200 ca mới/ngày trong nhiều ngày nay, Nam Định, Nghệ An, Phú Thọ... Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cơ sở y tế tiếp nhận nhiều bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng từ các tỉnh phía Bắc. Ông Nguyễn Trung Cấp - phó giám đốc bệnh viện - cho hay bệnh viện đang điều trị trên 400 bệnh nhân, trong đó có 60 ca phải hỗ trợ thở oxy các mức độ.
Theo ông Cấp, tại một số tỉnh thành ông có theo dõi, số lượng bệnh nhân chuyển nặng chỉ khoảng 5%/tổng số ca mắc, so với trước đây thì số bệnh nhân chuyển nặng (thường ở mức 20%) đã giảm nhiều. Ngoài TP.HCM đã liên tiếp tăng ca tử vong trong 4 ngày gần đây, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh... cũng đang căng thẳng. Tỉnh Tây Ninh đã có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị chi viện 100 bác sĩ, trong đó có 20 bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu và 250 điều dưỡng.
Tại Đắk Lắk và các tỉnh thành khu vực Tây Nguyên, số ca mắc mới đã gia tăng nhanh từ đầu tháng 10 trở lại đây, một đoàn công tác của Bộ Y tế do phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Cao Hưng Thái cũng đã vào hỗ trợ từ vài tuần nay. Từ 23-11, TP.HCM đã có hướng dẫn điều trị mới,thêm vào đó, theo ông Cấp, cần nâng khả năng cung cấp dịch vụ y tế, bệnh nhân đến bệnh viện đều được theo dõi, chăm sóc, điều trị, F0 cách ly tại nhà được cấp thuốc sớm sẽ là mấu chốt để giảm tỉ lệ tử vong.
Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 - Ảnh: XUÂN MAI
2 người tử vong sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19
Trưa 24-11, Sở Y tế Thanh Hóa phát đi thông báo về việc 2 người ở huyện Nông Cống tử vong sau khi tiêm vắc xin mũi 2 để ngừa COVID-19.
Trước đó một ngày, Trung tâm Y tế huyện Nông Cống tổ chức tiêm chủng vắc xin Vero Cell mũi 2 tại Công ty TNHH giày Kim Việt để phòng COVID-19 cho công nhân, người lao động theo kế hoạch. Tất cả những người đăng ký tiêm chủng đều được cán bộ y tế khám sàng lọc đầy đủ, tư vấn về loại vắc xin tiêm chủng và các phản ứng có thể gặp sau tiêm theo đúng quy định.
Trong quá trình tổ chức tiêm chủng đã ghi nhận một số trường hợp phản ứng sau tiêm, trong đó có 5 trường hợp xuất hiện triệu chứng nặng, phản ứng phản vệ sau tiêm. Các trường hợp này đã được Bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống, lực lượng phản ứng nhanh của ngành y tế sơ cứu, cấp cứu ngay tại chỗ theo hướng dẫn chuyên môn và chuyển tuyến về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa điều trị. Tuy nhiên do tình trạng quá nặng, diễn biến quá nhanh của phản vệ nên có 2 người đã qua đời lúc 0h45 và 8h45 ngày 24-11.
Sở Y tế Thanh Hóa đã chỉ đạo hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vắc xin, khẩn trương đánh giá nguyên nhân tai biến khi sử dụng vắc xin tại huyện Nông Cống và báo cáo Bộ Y tế xin ý kiến chỉ đạo.
HÀ ĐỒNG
Cần Thơ: ca nhiễm tăng, hệ thống y tế quá tải
Trong những ngày gần đây số ca COVID-19 tại Cần Thơ liên tục tăng cao, từ 700 đến trên 900 ca mắc/ngày.
Hệ thống y tế gồm bệnh viện dã chiến và bệnh viện ở tầng 1 Cần Thơ hiện có 8 bệnh viện điều trị với 1.850 giường. Ở tầng 2 hiện có 6 bệnh viện điều trị với 1.050 giường; tầng 3 điều trị bệnh nhân nặng có 3 bệnh viện với tổng 200 giường điều trị. Tại tất cả các bệnh viện tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 đều đã trong tình trạng quá tải, phải kê thêm giường để tiếp nhận bệnh.
Theo thông tin từ Sở Y tế Cần Thơ, số quá tải tập trung nhiều nhất ở bệnh viện thuộc tầng 1 và 2. Trong đó bệnh viện dã chiến các quận Bình Thủy, Cái Răng, Thốt Nốt, huyện Thới Lai và bệnh viện tầng 1 của Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ đã phải kê thêm giường, với số giường thực kê lên gần gấp đôi so với số giường kế hoạch.
Tại các tầng điều trị của Cần Thơ đang có 3.162 bệnh nhân COVID-19 được điều trị, nhiều nhất là ở tầng 1 với 2.075 bệnh nhân. Tuy nhiên điều đáng lo ngại nhất là ở tầng điều trị bệnh nhân nặng (tầng 3) hiện có 129 bệnh nhân, trong khi năng lực điều trị hồi sức tích cực của TP chưa đáp ứng được cả về trang thiết bị và nhân lực.
Để giải quyết tình trạng quá tải, Cần Thơ cho điều trị trên 5.000 người F0 tại nhà và trên 5.800 F1 cách ly y tế tại nhà. Sở Y tế cũng đã có cập nhật hướng dẫn cụ thể gói chăm sóc sức khỏe người nhiễm COVID-19 tại nhà, phân công cụ thể nhiệm vụ của 83 trạm y tế lưu động quản lý điều trị F0 tại nhà.
Nhằm hỗ trợ bệnh nhân nặng, Sở Y tế Cần Thơ đã có tờ trình gửi UBND TP Cần Thơ để xin Bộ Y tế hỗ trợ nhân viên y tế và trang thiết bị.
T.LŨY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận