Ông Châu Văn Hiếu ở xã Bình Đông (thị xã Gò Công) phải đi đổi từng can nước ngọt về sử dụng từ trước tết đến nay - Ảnh: V.TR. |
* Nỗ lực cứu cho được 90% diện tích lúa
Theo báo cáo của Sở NNPTNT, tại các huyện Tân Phú Đông, Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công hiện có khoảng 42.000 hộ dân với khoảng 235.000 dân đang phải sử dụng nước máy và nước dự trữ bị nhiễm mặn.
Bình quân độ mặn nước sinh hoạt ở mức trên dưới 1g/lít, trong khi quy định độ mặn nước sinh hoạt là dưới 300mg/lít.
Do hạn hán diễn ra khốc liệt và nước mặn xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng hàng chục cây số nên dự báo đến cuối tháng 3-2016 vùng ngọt hóa Gò Công sẽ không còn nước để các trạm cấp nước lấy để xử lý, cấp cho người dân sử dụng.
Riêng tại huyện cù lao Tân Phú Đông nguồn nước ngọt dự trữ trong ao rộng 6ha đã cạn, chỉ còn khoảng 80.000m3. Trong khoảng 2-3 tuần tới huyện này sẽ không còn nước cho sinh hoạt, kể cả nước nhiễm mặn.
Đối với 30.000ha lúa đông xuân ở các huyện ven biển, nhờ có những giải pháp quyết liệt và có hiệu quả nên diện tích lúa chết đang giảm mạnh.
Đến ngày 25-2 diện tích lúa chết ghi nhận được 931ha, nhiều nhất là huyện Gò Công Đông với 862ha. Như vậy từ ngày mùng 1 tết Bính Thân đến nay (gần 20 ngày) diện tích lúa chết chỉ tăng thêm khoảng 100ha.
Mới đây Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khi đến Tiền Giang kiểm tra tình hình chống hạn, mặn đã rất ngạc nhiên khi tỉnh có những giải pháp hay, cứu được hơn 90% diện tích lúa trong số 30.000ha lẽ ra đã chết sạch từ tháng 2.
Quyết định phù hợp nhất là bơm nước mặn dưới 1,5g/lít từ sông Tiền tại TP Mỹ Tho vào hệ thống kênh Xuân Hòa-Cầu Ngang đưa về các huyện ven biển cách đó 50km; đồng thời thuê hơn 1.000 máy bơm công suất lớn đặt ở 400 điểm bơm nước từ kênh trục chính vào kênh nội đồng liên tục 24/24g suốt từ tháng 1-2016 đến nay giúp cứu được lúa.
Hiện có 558ha đã thu hoạch, đến ngày 10-3 tới sẽ có khoảng 20.000ha lúa sẽ cắt nước vì sắp chín. Khoảng 7.500ha nữa đến cuối tháng 3-2016 sẽ cắt nước. Như vậy tỉnh Tiền Giang sẽ chắc chắn cứu được 21.000ha lúa đông xuân.
Ông Lê Văn Hưởng, chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, yêu cầu giám sát độ mặn trên sông Tiền nghiêm ngặt, khi độ mặn giảm xuống thì tận dụng từng phút bơm vào vùng ngọt hóa Gò Công trước ngày 5-3, vì dự báo đến ngày này không thể lấy nước được nữa.
Ngành nông nghiệp tiến hành đắp đập, chặn dòng kênh trục chính để trữ nước cứu 7.500ha xuống giống trễ nhất. Phấn đấu không để diện tích thiệt hại vượt quá 1.000ha và cứu được 90% diện tích lúa của dân.
Ông Hưởng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các đường ống đấu nối với nguồn nước của Nhà máy nước BOO Đồng Tâm đã được duyệt, sớm đưa nước sạch đến cho dân tại thị xã Gò Công và huyện Gò Công Đông.
Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang cam kết ngày 26-2 sẽ hoàn thành hai tuyến ống hòa vào hệ thống sẵn có cấp nước cho khoảng 2.000 hộ dân.
Đối với các trạm cấp nước đang bị nhiễm mặn tại các khu vực khác thì thi công đường ống tạm để trên mặt đất để bơm nước từ nguồn BOO Đồng Tâm vào các trạm này, cấp nước ngọt cho hơn 5.000 hộ dân.
Ở những nơi không có nước máy, hiện đã thi công đường ống mở 122 vòi nước công cộng cho dân đến lấy sử dụng miễn phí.
Ngoài ra, nước ngọt sẽ được về cứu khát cho 35.000 dân ở huyện cù lao Tân Phú Đông kể từ ngày 1-3 đến tháng 5.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận