Kết quả này được chia sẻ tại hội nghị quốc tế sức khỏe tâm thần do Trường ĐH Y dược Huế tổ chức ngày 9-1 tại Huế.
Theo TS Linda Muray, qua điều tra gần 500 bà mẹ sau khi sinh từ 4-6 tháng ở miền Trung, có đến 18,1 % bị trầm cảm, mức cao so với tỉ lệ trung bình trên thế giới (10-20%).
Nguyên nhân ảnh hưởng lớn nhất đến sức khỏe tâm thần của bà mẹ là bạo lực gia đình (từ chồng), sợ các thành viên trong gia đình; áp lực phải sinh con trai, kinh tế gia đình khó khăn và ít hòa nhập xã hội.
Trong khi đó một đề tài nghiên cứu 600 bà mẹ ở Đà Nẵng (của PGS.TS Võ Văn Thắng - Viện nghiên cứu sức khỏe cộng đồng Trường ĐH Y dược Huế và thạc sĩ Dương Kim Hoa, Khoa Y - ĐH kỹ thuật Y dược Đà Nẵng), kết quả 19,3% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh, 15,5% bà mẹ bị trầm cảm muốn tự sát.
Tại hội thảo, đề tài “Sức khỏe và sự mạnh khỏe tinh thần của sinh viên y khoa Việt Nam” của GS.TS Michael Dunne (ĐH Công nghệ Queensland-ÚC); PGS.TS Lưu Ngọc Hoạt và BS Trần Quỳnh Anh (ĐH Y Hà Nội) thực hiện, cho biết khảo sát 2099 sinh viên ở tám trường đại học y trong cả nước, kết quả cho thấy có đến 43% sinh viên có dấu hiệu trầm cảm, 5,8% sinh viên có ý tưởng tự tử.
Nguyên nhân dẫn đến sinh viên y khoa trầm cảm và có ý tưởng tự tử cao là vì cuộc sống căng thẳng như kết thúc tình yêu, kết thúc tình bạn, khó khăn về chỗ ở và tài chính, bất đồng với cha mẹ; không hài lòng với kết quả học tập, thi trượt, muốn chọn lại nghề.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận