10/05/2024 16:13 GMT+7

Hơn 17.000 tỉ mở rộng đường Láng nhưng hơn 90% để giải phóng mặt bằng: Đắt nhưng phải làm?

Chuyên gia cho rằng nếu để đường Láng tồn tại như một nút thắt về ùn tắc giao thông, việc đầu tư hàng tỉ USD cho các dự án thành phần trên trục vành đai 2 sẽ mất đi nhiều ý nghĩa.

Toàn cảnh trục vành đai 2 nối tiếp vào đường Láng - một trong những khu vực có mật độ dân cư cao nhất Hà Nội - Ảnh: HỒNG QUANG

Toàn cảnh trục vành đai 2 nối tiếp vào đường Láng - một trong những khu vực có mật độ dân cư cao nhất Hà Nội - Ảnh: HỒNG QUANG

Trời tháng 5 nắng oi ả từ sáng sớm, anh Minh Duy (27 tuổi) mướt mồ hôi chen chúc giữa hàng nghìn phương tiện trên đường Láng, hướng đi Cầu Giấy (Hà Nội).

Sau lưng anh, dòng xe nườm nượp từ Ngã Tư Sở tiếp tục đổ dồn về con đường vốn đã kẹt cứng. Nhịp đèn đỏ phía cầu vượt Lê Văn Lương chưa dứt, xe cộ phía sau lại tiếp tục dồn lên, len vào từng khoảng trống.

Hơn 5 tháng kể từ khi có phương án phân luồng mới, hình ảnh phương tiện khổ sở nhích từng chút đã trở nên ít gặp tại Ngã Tư Sở. Nhưng trái ngược với sự thông suốt đó, đường Láng lại oằn mình gồng gánh lượng xe cộ vừa được giải tỏa khỏi nút giao này.

"Ở hai đầu là những trục đường rộng 8-10 làn xe, lại có đường trên cao, đường Láng nằm giữa chưa được mở rộng thành ra rất tắc", anh Duy nói. Với anh, con đường dài gần 4km bất đắc dĩ trở thành nút thắt trên trục vành đai tỉ đô của Hà Nội.

Nút thắt cuối

Vành đai 2 là trục giao thông xương sống dài hơn 43km, chạy qua 8 quận, huyện ở Hà Nội.

Những năm qua, số tiền rót vào các dự án thành phần trên tuyến này là khoảng 2 tỉ USD. Một số công trình điển hình là cầu Nhật Tân, đường Võ Chí Công, đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, cầu Vĩnh Tuy, nút giao trung tâm quận Long Biên, quốc lộ 5 kéo dài và cầu Đông Trù…

Như vậy, theo phương án quy hoạch, tuyến vành đai 2 hiện đã gần khép kín các dự án thành phần. Nút thắt cuối cùng còn sót lại là đường Láng, hiện chỉ rộng 10,5m mỗi chiều.

Anh Đào Tiến Mạnh (tài xế taxi công nghệ) cho hay đi từ khu vực cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở chỉ mất khoảng 12 phút. Nhưng để vượt qua trục đường Láng thì trung bình tài xế mất tới 40 phút cho cùng chiều dài quãng đường. 

"Đường tắc cứng, nhịp đèn tại cầu vượt Nguyễn Chí Thanh và Láng Hạ lại quá dài khiến xe cộ dồn về thêm", nam tài xế nói.

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, đường Láng có lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện/giờ, nhưng hiện đã lên đến 8.000 phương tiện/giờ nên thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm.

Để giải bài toán quá tải, Hà Nội dự kiến đầu tư mở rộng đường Láng kết hợp nối dài tuyến đường trên cao từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy với tổng chi phí khoảng 21.000 tỉ đồng (hơn 17.000 tỉ đồng mở rộng đường dưới thấp và gần 3.900 tỉ đồng làm đường trên cao). 

Đáng chú ý, hơn 16.700 tỉ đồng trong số này dùng để giải phóng mặt bằng.

'Đắt nhưng buộc phải làm'

Đánh giá về dự án mở rộng đường Láng và kéo dài đường trên cao từ Ngã Tư Sở tới Cầu Giấy, TS Đào Huy Hoàng (Viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải) cho rằng đây là công trình quan trọng về tổng thể mạng lưới giao thông và có ý nghĩa cấp bách ở thời điểm hiện nay.

Ông Hoàng cho biết vành đai 2 là tuyến giao thông trục chính nằm bao bọc vùng lõi đô thị Hà Nội. Hiện, trên tuyến chỉ còn đường Láng chưa được đầu tư hoàn thiện mở rộng. Theo thống kê, đường Láng có nhiều nút giao cắt và giao cắt có bố trí đèn tín hiệu. Ngoài ra còn có khoảng 55 đường nhánh, đường ngõ, dân sinh đấu nối trực tiếp. Trong khi mặt đường mỗi bên chỉ rộng 10,5m, dẫn đến thường xuyên ùn tắc…

"Theo tính toán, thời gian trung bình từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy vào khung giờ cao điểm khoảng 30 phút cho 3,8km, đây là tình trạng rất đáng ngại, gây ức chế cho người tham gia giao thông", vị chuyên gia nói.

Nói về hơn 16.700 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng dự án, TS Hoàng nhận định đây là con số rất lớn và là "cái giá phải trả' cho tầm nhìn và công tác quy hoạch của giai đoạn trước.

Tuy nhiên, xét về ý nghĩa tổng thể mạng lưới cũng như yêu cầu thực tế giao thông, ông cho rằng "dù đắt nhưng vẫn phải làm và nên làm".

Đường Láng nhỏ hẹp, chạy qua khu dân cư đông đúc và thiếu các trục đường lớn để giải tỏa - Ảnh: HỒNG QUANG

Đường Láng nhỏ hẹp, chạy qua khu dân cư đông đúc và thiếu các trục đường lớn để giải tỏa - Ảnh: HỒNG QUANG

Đồng quan điểm, TS Phan Lê Bình (chuyên gia giao thông nhiều năm làm việc tại Nhật Bản) cho rằng con số 21.000 tỉ về tổng thể là lớn, nhưng để đầu tư làm con đường này là cần thiết nếu so sánh tham chiếu về thời gian, chi phí hàng năm thiệt hại do tắc đường. Dẫn chứng được đưa ra là con số thống kê hiện nay từ Sở Giao thông vận tải Hà Nội với hơn 8.000 lượt phương tiện qua đây mỗi giờ. Và con số này có thể tăng lên khi dự án mở rộng đường hoàn thành.

"Đặt lên bàn cân, rõ ràng việc mở rộng đường Láng nên làm và làm càng sớm càng tốt, nếu để lâu chi phí sẽ tiếp tục đội lên cao", ông Bình nói, đồng thời cho rằng nếu để đường Láng mãi là nút thắt về ùn tắc, việc đầu tư hàng tỉ đô la cho các dự án thành phần trên tuyến vành đai 2 sẽ mất đi nhiều ý nghĩa.

Không nên xâm phạm sông Tô Lịch

Trước một số ý kiến cho rằng việc mở rộng đường Láng nên làm sát về phía sông Tô Lịch để giảm thiểu chi phí giải phóng mặt bằng, TS Đào Huy Hoàng cho rằng điều này bất hợp lý trong bối cảnh Hà Nội đang dần hoàn thiện các dự án làm sống lại sông Tô Lịch với ý nghĩa cảnh quan và thoát nước.

"Về tầm nhìn dài hạn, cần thiết bảo tồn sông Tô Lịch, đồng thời có vùng đệm giữa sông với công trình giao thông", ông nói.

Chuyên gia cho rằng cần bảo tồn sông Tô Lịch và duy trì vùng đệm giữa dòng sông với con đường - Ảnh: HỒNG QUANG

Chuyên gia cho rằng cần bảo tồn sông Tô Lịch và duy trì vùng đệm giữa dòng sông với con đường - Ảnh: HỒNG QUANG

Chuyên gia Phan Lê Bình cũng cho biết Hà Nội đã quy hoạch sẵn chỉ giới mở rộng đường Láng, đồng thời có sự quản lý từ lâu về mặt xây dựng đối với dải dân cư nằm sát mặt đường. Do vậy khi đã có quy hoạch, việc triển khai sớm là cần thiết. Một mặt để giải bài toán ách tắc, đồng thời giúp người dân trong khu vực sớm ổn định đời sống an cư.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng nêu lên thách thức của dự án này khi công trình đường trên cao sẽ phải chạy trên cầu vượt Ngã Tư Sở và nhà ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh việc lên phương án thiết kế, cần xử lý thấu đáo việc kết nối tại các nút giao (Láng Hạ, Nguyễn Chí Thanh), tránh để luồng xe cộ xung đột, gây ùn tắc kéo dài.

Đề xuất mở rộng gấp đôi đường Láng: Chưa được trình thẩm định

Liên quan đến đề xuất mở rộng gấp đôi đường Láng (Hà Nội) so với hiện trạng, ông Đỗ Việt Hải - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội - cho biết hiện đề xuất này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và chưa được trình thẩm định.

Cụ thể, sở đang tổ chức nghiên cứu lập đề xuất chủ trương đầu tư (lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) dự án và hiện mới chỉ là nghiên cứu sơ bộ ban đầu.

Ông Hải đánh giá đây là dự án đầu tư quan trọng, phức tạp, có tác động lớn, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng.

“Phương án đầu tư, quy mô đầu tư cụ thể của dự án sẽ được đơn vị tư vấn tổ chức khảo sát, đánh giá đề xuất các phương án khác nhau đảm bảo đáp ứng yêu cầu về kinh tế - kỹ thuật để lựa chọn phương án tối ưu” - lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội thông tin.

Sở này cho biết thêm, sau khi hồ sơ được lập, trình thẩm định và phê duyệt, đơn vị sẽ tiếp tục thông tin cụ thể về quy mô, định hướng đầu tư dự án. (PHẠM TUẤN)

Giao thông ở Ngã Tư Sở, Hà Nội ra sao sau hơn 1 tuần phân luồng theo phương án mới?Giao thông ở Ngã Tư Sở, Hà Nội ra sao sau hơn 1 tuần phân luồng theo phương án mới?

Tình trạng giao thông qua Ngã Tư Sở, Hà Nội đã có chuyển biến theo hướng tích cực, tuy nhiên việc này vẫn phụ thuộc lớn vào sự có mặt của lực lượng chức năng.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp