GS Phạm Quang Minh - hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội - trao Huân chương Lao động hạng nhì cho khoa Việt Nam học và tiếng Việt - Ảnh: PHAN CÔNG MINH
Ngày 16-11, khoa Việt Nam học và tiếng Việt đã được nhận Huân chương Lao động hạng nhì về những thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác giảng dạy tiếng Việt.
Đây là kết quả cho một loạt những thành tựu mang tầm quốc gia và quốc tế của một đơn vị đào tạo có lịch sử lâu đời nhất nước trong việc dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài.
Trong đó, dấu ấn nổi bật trong giai đoạn phát triển mới của khoa là xây dựng thành công Khung năng lực tiếng Việt và Định dạng đề thi đánh giá năng lực tiếng Việt cho người nước ngoài.
Lần đầu tiên, tiếng Việt có một khung tham chiếu về năng lực được phân chia một cách khoa học, dựa theo chuẩn khung tham chiếu châu Âu, được áp dụng chính thức ở Việt Nam và trên toàn thế giới.
Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Nam - trưởng khoa Việt Nam học và tiếng Việt, hiện nay tất cả các nơi đào tạo tiếng Việt cho người nước ngoài ở Việt Nam và rất nhiều nơi trên thế giới đều sử dụng Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài này trong việc giảng dạy, lên chương trình, tập huấn giáo viên, đánh giá năng lực tiếng Việt.
Ở Việt Nam, đây là quy định có tính pháp quy.
Đối với quốc tế, nhiều trường đại học tại Thái Lan, Đài Loan đã mời chuyên gia từ Việt Nam sang thuyết trình về khung năng lực và phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.
Còn ở nhiều trường đại học có giảng dạy tiếng Việt tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, châu Âu…, Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài này cũng đã và đang được giới thiệu, sử dụng.
Riêng việc biên soạn thành công định dạng đề thi đánh giá năng lực tiếng Việt được đánh giá là "một bước tiến có ý nghĩa quan trọng mang tầm quốc gia và quốc tế đối với tiếng Việt như một ngoại ngữ".
Nhờ đó, từ nay tiếng Việt có một định dạng đề thi năng lực thống nhất theo khung năng lực 6 bậc mà các cơ sở dạy tiếng Việt ở trên toàn lãnh thổ Việt Nam áp dụng như một quy chuẩn mang tính pháp lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận