Nhiều cây cổ thụ được chuyển từ Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội) ra vườn ươm ở huyện Gia Lâm rồi bị bỏ quên, không ai chăm sóc, khô héo từ gốc đến ngọn - Ảnh: MAI THƯƠNG
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, có hơn 30 cây xanh trong tình trạng khô héo, mục ruỗng từ gốc đến ngọn, cành cây gãy đổ dần. Có những cây gốc to một người ôm không xuể, thế nhưng phải chịu cảnh chết khô vì thiếu người chăm sóc hàng năm.
Ông Nguyễn Văn Hưng (54 tuổi, ở xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho biết ngày 17-10-2016, Công ty cổ phần Beepro thỏa thuận thuê của ông 3.000m2 đất tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm để ươm hơn 100 cây xanh chuyển từ đường Kim Mã về đây trong thời hạn từ ngày 2-11-2016 đến 2-11-2018 với số tiền 150 triệu đồng/năm.
Theo ông Hưng, Công ty Beepro chỉ trả tiền thuê đất được một năm. Mấy năm nay ông không thể liên lạc được với công ty này. Trong khi đó, hơn 100 cây cổ thụ có cây đã chết, không ai chăm sóc.
Trong khi đó, theo Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) - chủ đầu tư thực hiện dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, năm 2016 cơ quan chức năng có kế hoạch chặt cây xanh trên phố Kim Mã để thi công đường sắt nhưng nhiều người dân và tổ chức xã hội phản đối.
Do vậy, UBND TP Hà Nội và MRB thực hiện phương án thí điểm di chuyển mà không phải chặt hạ những cây cổ thụ có đường kính lớn.
Trước thông tin số cây chuyển về vườn ươm ở Gia Lâm không được chăm sóc, đầu tháng 6-2020, MRB cùng Sở Xây dựng Hà Nội đã tổ chức kiểm tra. Kết quả cho thấy sau 4 năm được chuyển về đây, hiện nay 81 cây phát triển tốt, 2 cây có dấu hiệu phát triển kém và 21 cây hiện không phát triển, tỉ lệ sống ước tính khoảng 80%.
Về nhà thầu chuyển cây, MRB cho biết Sở Xây dựng Hà Nội đã chủ trì, phối hợp MRB lựa chọn Công ty cổ phần Beepro thí điểm thực hiện công việc di chuyển và chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi cây xanh theo đúng quy định của pháp luật. MRB cùng các cơ quan quản lý thuộc TP Hà Nội đã đánh giá năng lực của nhà thầu này, xem xét kỹ lưỡng theo trình tự quy định.
Công ty Beepro được lựa chọn trên tiêu chí có nhiều kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực thi công, thiết kế và di dời cây xanh môi trường.
"Trong hợp đồng đã ký kết giữa MRB với Công ty Beepro, không có điều khoản nào đề cập đến việc Công ty Beepro thuê đất của bên thứ ba để làm vườn ươm cây" - đại diện MRB lý giải về việc số cây không còn được chăm sóc trong thời gian qua.
MRB cho biết sau khi hết hạn hợp đồng, cơ quan này đã có văn bản báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị hướng dẫn MRB và Công ty Beepro thực hiện di chuyển, trồng lại và chăm sóc cây từ vườn ươm, đồng thời nhiều lần yêu cầu Công ty Beepro tiếp tục chăm sóc cây xanh, đảm bảo tỉ lệ sống cao nhất cho đến khi TP Hà Nội chỉ định địa điểm trồng cây. Bởi sau khi hết thời hạn hợp đồng giữa MRB và nhà thầu Beepro, việc dịch chuyển cây từ vườn ươm đến địa điểm trồng mới thuộc thẩm quyền của TP Hà Nội.
Tuy nhiên, MRB thừa nhận việc thực hiện hợp đồng với Công ty Beepro cũng gặp phải nhiều vướng mắc, đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết dù hết hạn hợp đồng.
Khó khăn thứ nhất là do các loại cây được chuyển về vườn ươm đều không thuộc chủng loại cây xanh đô thị (rễ ngang, tán nặng, chiếm không gian lớn, mất cân đối và dễ đổ khi mưa bão) nên các cơ quan chuyên ngành vẫn đang cân nhắc về địa điểm trồng cố định sau khi hết hợp đồng chăm sóc tại vườn ươm.
Thứ hai, do việc chuyển cây xanh là thí điểm, lần đầu tiên thực hiện nên không có định mức, đơn giá dẫn đến việc hoàn thiện thủ tục thanh toán theo quy định gặp nhiều khó khăn.
Sở Xây dựng Hà Nội đã có hướng dẫn nêu rõ việc xây dựng đơn giá định mức đặc thù là không cần thiết do hạng mục đánh chuyển cây chỉ thực hiện thí điểm một lần, không áp dụng đối với các công trình khác trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo đó, MRB và Công ty Beepro vẫn đang phối hợp để lập và hoàn thiện hồ sơ, dự toán theo hướng dẫn của Sở Xây dựng.
Tháng 10-2016, Sở Xây dựng giao cho Công ty cổ phần Beepro thực hiện đánh chuyển 106 cây xanh vướng vào mặt bằng thi công dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội về vườn ươm xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm, Hà Nội) và chăm sóc cây - Ảnh: MAI THƯƠNG
Đến tháng 7-2017, tức gần một năm sau đó, hơn 95% số cây xanh này được ghi nhận đã ổn định, phát triển tốt sau khi di chuyển, mọc cành, lá non - Ảnh: MAI THƯƠNG
Cây xà cừ được đánh dấu số 5 bị chết khô, trơ tróc vỏ vì không được chăm sóc - Ảnh: MAI THƯƠNG
“Sau khi công bố, vườn cây không có ai xuống chăm sóc thường xuyên nên mới xảy ra tình trạng này” - ông Hưng nói - Ảnh: MAI THƯƠNG
Có những cây thân to, một người ôm không xuể nhưng sau khi được đưa về trồng tại đây không được chăm sóc, chịu cảnh nắng gắt nên chết khô dần - Ảnh: MAI THƯƠNG
Thân cây mục ruỗng, tróc vỏ ẩm mục dần - Ảnh: MAI THƯƠNG
Thi thoảng ông Hưng vẫn tự tay chăm tưới cho hàng cây này nhưng một mình ông không cứu vãn được cả vườn cây. “Thi thoảng tôi có xuống vườn tưới cây, nhất là những ngày nắng nóng trên dưới 40 độ. Đây không phải trách nhiệm của tôi nhưng vì yêu cây xanh nên tôi vẫn cố gắng tưới tỉa cho cây sống, chứ nếu không đã chết cả vườn rồi” - ông Hưng chia sẻ - Ảnh: MAI THƯƠNG
Có cây bong tróc vỏ từ gốc đến ngọn, khô lá trụi cành - Ảnh: MAI THƯƠNG
Một vòi nước được nối vào vườn để tưới cây nhưng có dấu hiệu bịt kín, đã lâu không được sử dụng - Ảnh: MAI THƯƠNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận