26/05/2022 15:35 GMT+7

Hơn 100.000 quan chức Trung Quốc họp khẩn bàn giải pháp ổn định kinh tế

MINH KHÔI
MINH KHÔI

TTO - Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp với hơn 100.000 quan chức tham gia ngày 25-5 để bàn thảo biện pháp ổn định nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Hơn 100.000 quan chức Trung Quốc họp khẩn bàn giải pháp ổn định kinh tế - Ảnh 1.

Thành phố Thượng Hải của Trung Quốc vẫn còn phong tỏa, ngày 25-5 - Ảnh: REUTERS

Theo thông tin do tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) đăng tải, hơn 100.000 quan chức Trung Quốc ở tất cả các cấp đã tham dự cuộc họp trực tuyến vào ngày 25-5, với Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Trong cuộc họp, ông Lý Khắc Cường chỉ ra trong tháng 3 và tháng 4, nền kinh tế Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng hơn năm 2020, năm đầu tiên của đại dịch. Các tác động của đại dịch có thể thấy thông qua tỉ lệ thất nghiệp tăng, sản xuất công nghiệp suy giảm hay gián đoạn chuỗi cung ứng.

Ông Lý thúc giục các nhà chức trách hành động để duy trì việc làm và giảm tỉ lệ thất nghiệp.

Trong những tuần gần đây, thủ tướng Trung Quốc thường nói về suy thoái kinh tế, gọi tình hình hiện tại là "phức tạp và nghiêm trọng".

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã bị ảnh hưởng nặng nề khi làn sóng COVID-19 lan rộng vào tháng 3, khiến các thành phố lớn bị phong tỏa, nhất là trung tâm tài chính Thượng Hải.

Theo Tân Hoa xã, vào ngày 23-5, Quốc vụ viện Trung Quốc cũng đã họp và công bố 33 biện pháp kinh tế mới, bao gồm tăng tiền hoàn thuế, mở rộng khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ và cung cấp các khoản vay khẩn cấp cho ngành hàng không đang gặp khó khăn.

Ngoài ra, các quy định phòng dịch cũng được giảm bớt, như nới lỏng quy định với xe tải đến từ các khu vực có nguy cơ thấp.

Quay lại cuộc họp ngày 25-5, Thủ tướng Lý Khắc Cường kêu gọi các nhà chức trách thực hiện 33 biện pháp kinh tế nói trên vào cuối tháng 5. Theo Tân Hoa xã, bắt đầu từ ngày 26-5, Quốc vụ viện sẽ cử người đến 12 tỉnh để giám sát việc triển khai các chính sách hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. 

Trong suốt đại dịch, Trung Quốc đã duy trì chính sách "zero-COVID", gồm các biện pháp kiểm soát biên giới, cách ly bắt buộc, xét nghiệm đại trà và phong tỏa.

Nhưng chiến lược này đã bị thách thức bởi biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao, đã bùng phát trên toàn quốc vào đầu năm nay.

Theo Đài CNN, tính đến giữa tháng 5, hơn 30 thành phố ở Trung Quốc đã phong tỏa toàn bộ hoặc một phần, ảnh hưởng đến 220 triệu người.

Mặc dù một số thành phố đang dần mở cửa trở lại, nhưng tác động của sự gián đoạn chuỗi cung ứng do phong tỏa vẫn còn. Nhiều công ty đã ngừng sản xuất như Tesla hay Volkswagen, một số công ty đa quốc gia như Airbnb thì tuyên bố dừng hoạt động tại thị trường Trung Quốc.

Hồi tháng 4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2022 xuống còn 4,4%, giảm từ mức dự báo trước đó là 4,8%, với lý do ảnh hưởng từ chính sách "zero-COVID". Con số dự báo tăng trưởng này thấp hơn so với dự báo chính thức của Trung Quốc vào khoảng 5,5%.

Trung Quốc lên tiếng về lo ngại Trung Quốc lên tiếng về lo ngại 'chiến tranh lạnh' với phương Tây ở Thái Bình Dương

TTO - Từ ngày 26-5 đến 4-6, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị dự kiến thăm 8 quốc đảo Thái Bình Dương mà Bắc Kinh có quan hệ ngoại giao.

MINH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp