Hàng hóa, nhu yếu phẩm từ khắp cả nước ngày đêm đến với Bắc Giang, Bắc Ninh những ngày này - Ảnh: TỬ VĂN
‘Không để ai bị đói, bị bỏ sót’
Ngày 2-6, ông Nguyễn Đình Khang, chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, và đoàn công tác đã làm việc với bí thư tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh để tháo gỡ khó khăn cho người lao động.
Đều là các tỉnh đông công nhân, bí thứ 2 tỉnh này đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục đề xuất với Chính phủ có giải pháp căn cơ, tháo gỡ khó khăn cho người lao động.
Tại Bắc Ninh, số lao động nhập cư thuê trọ tại các khu dân cư phải cách ly y tế là hơn 45.000 người. Tại Bắc Giang, số lao động bị cách ly ở các khu nhà trọ là hơn 60.000 người.
Ông Nguyễn Đình Khang yêu cầu các cấp công đoàn cần bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người lao động trong khu phong tỏa, cách ly. Không để bất cứ ai bị đói, bị bỏ sót, đồng thời tránh bị trục lợi chính sách.
"Chính sách không phân biệt, nhưng trước mắt cần quan tâm, ưu tiên trước đến lao động ngoại tỉnh. Đây là những người khó khăn hơn cả. Lao động trong tỉnh còn có mớ rau, con gà nuôi được, còn lao động ngoại tỉnh ở nhà trọ, sẩy nhà ra thất nghiệp", ông Nguyễn Đình Khang chỉ đạo.
Đoàn công tác cũng đã trao hỗ trợ nhân dân mỗi tỉnh 500 triệu đồng; trao 200 triệu đồng hỗ trợ Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh); tặng 200 triệu đồng tới Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang).
Tổng liên đoàn Lao động cũng hỗ trợ 2 tỉnh, mỗi nơi 1 tỉ đồng để chăm lo cho công nhân bị nhiễm bệnh, thuộc diện cách ly và gặp khó khăn do COVID-19.
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ủng hộ nhân dân tỉnh Bắc Giang số tiền 500 triệu đồng - Ảnh: ĐẶNG LỢI
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ủng hộ nhân dân tỉnh Bắc Ninh số tiền 500 triệu đồng - Ảnh: ĐẶNG LỢI
Khó khăn vẫn bủa vây
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 3-6, Phó chủ tịch tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn khẳng định, khoảng 24.000 công nhân đang cách ly y tế ở huyện Việt Yên và 3 xã huyện Yên Dũng đã được hỗ trợ khẩn cấp với khoảng 18 tỉ đồng thông qua nhu yếu phẩm quy đổi tối thiểu 75.000 đồng/người/ngày.
Ông Tuấn nói: "Tỉnh cố gắng đảm bảo chăm lo điều kiện tối thiểu cho công nhân qua các hình thức như 29 'siêu thị 0 đồng', điểm ATM gạo. Tỉnh kêu gọi nguồn hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp để cung cấp cho công nhân, cũng như người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Một số hàng ăn phục vụ công nhân lao động đã đáp ứng phần nào nhu cầu tại các thôn đông công nhân".
Ông Nguyễn Văn Bắc, phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Bắc Giang, cho hay còn hơn 60.000 lao động ở trọ tại các khu cách ly xã hội ở huyện Việt Yên, huyện Yên Dũng sau khi có khoảng 3.000 người trở về thành phố, huyện lân cận để giảm tải theo chủ trương của tỉnh.
Bắc Giang còn bị "bủa vây" bởi khó khăn như thiếu thức ăn để được lâu, đồ dùng sinh hoạt. Đa số công nhân là phụ nữ (chiếm 70%) và độ tuổi rất trẻ từ 18-35 nên nhu cầu giấy vệ sinh, băng vệ sinh rất lớn. Bắc Giang kêu gọi sữa dinh dưỡng, bỉm trẻ em… hỗ trợ cho khoảng 4.000 công nhân nữ đang mang bầu trên địa bàn gặp khó khăn.
Ông Bắc chia sẻ: "Hỗ trợ vừa rồi chỉ đảm bảo trong 1 tuần. Mong các tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết để hỗ trợ số 60.000 người trên. Hơn 15.000 người F1 là công nhân phải trả 80.000 đồng tiền ăn bắt buộc theo nghị quyết 16, phí sinh hoạt 40.000 đồng và 3 lần xét nghiệm thì khoảng 5 triệu đồng. Rất mong Nhà nước hỗ trợ tiền ăn để công nhân vượt qua khó khăn".
Ông Hoàng Trọng Đông, chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Yên Dũng, bộc bạch rằng lao động thời vụ hiện rất khó khăn vì họ không có lương như công nhân tại nhà máy phải chờ hỗ trợ từ "siêu thị 0 đồng".
Ông Đông kể: "Huyện Yên Dũng có 8 'siêu thị 0 đồng' nhưng với 10.000 công nhân thì không thể nào đáp ứng được. Mong các nhà hảo tâm đến tặng quà nhưng hãy chuyển đến với chúng tôi để đưa tới tay 688 chủ nhà trọ vì công nhân không được ra khỏi nhà. Tránh chỗ này thừa, chỗ kia thiếu".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận