04/01/2022 19:05 GMT+7

Hơn 10 ngày nay, Hà Nội tăng số ca mới nhưng số ca nặng và tử vong thấp, nhờ đâu?

LAN ANH - PHẠM TUẤN
LAN ANH - PHẠM TUẤN

TTO - Hơn 10 ngày gần đây, Hà Nội liên tục đứng đầu cả nước về số ca COVID-19 mới, tuy nhiên điểm đáng chú ý là Hà Nội vẫn giữ được số ca chuyển nặng và tử vong ở mức thấp.

Hơn 10 ngày nay, Hà Nội tăng số ca mới nhưng số ca nặng và tử vong thấp, nhờ đâu? - Ảnh 1.

Số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội liên tục tăng thời gian gần đây - Đồ họa: NGỌC THÀNH

Từ 27-4-2021 đến nay, Hà Nội ghi nhận 55.106 ca mắc COVID-19, trong đó có 18.731 ca tại cộng đồng; 30.079 ca trong khu cách ly tập trung và cách ly tại nơi cư trú, 5.983 ca tại khu phong tỏa; 100 ca nhập cảnh; 213 ca mắc tại các bệnh viện trước ngày 30-9.

Theo thống kê, hiện Hà Nội đang có 363 ca COVID-19 ở mức độ nặng, nguy kịch. Trong đợt dịch thứ 4 này, Hà Nội đã ghi nhận 184 ca tử vong. 

So với các tỉnh thành có số mắc tương đương hoặc thậm chí thấp hơn Hà Nội thì số ca nặng, số ca tử vong ở Hà Nội thấp hơn.

Giữ được số tử vong ở mức thấp

Trong 3 ngày nghỉ lễ vừa qua, tại 2 Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương và Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19 Hoàng Mai ghi nhận trên 20 người bệnh COVID-19 tử vong. Đây là thời điểm số ca mắc mới ở Hà Nội tăng cao, tỉ lệ thuận theo đó là số tử vong và số chuyển nặng cũng tăng hơn so với trước.

Tuy nhiên so với số ca tử vong chung cả nước hằng ngày (liên tục trên 200 ca/ngày trong tháng 12-2021 và những ngày đầu năm 2022) thì Hà Nội vẫn giữ được số ca bệnh chuyển nặng, số ca tử vong ở mức thấp. 

Theo thống kê chung của Hà Nội, tổng số bệnh nhân hiện đang điều trị là 32.253, trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương là 121 ca; Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là 214 ca. Tại các bệnh viện thuộc TP Hà Nội là 2.632 ca; cơ sở thu dung điều trị TP là 1.798 ca; cơ sở thu dung quận/huyện: 5.355 ca; theo dõi cách ly tại nhà: 22.133 ca.

Trong số này có 1.658 ca bệnh ở mức độ trung bình, 363 ca ở mức độ nặng, nguy kịch. Trong số các bệnh nhân nặng, nguy kịch, có 298 bệnh nhân phải thở oxy qua mặt nạ, gọng kính; 30 bệnh nhân thở oxy dòng cao HFNC; 12 bệnh nhân thở máy không xâm lấn; 23 bệnh nhân thở máy xâm lấn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Hoàng Bùi Hải - phó giám đốc Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19 Đại học Y Hà Nội - cho biết phần lớn bệnh nhân COVID-19 trở nặng và tử vong thời gian vừa qua tại bệnh viện có điểm chung là tuổi cao, chưa tiêm vắc xin và có bệnh nền.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, 3 ngày đầu năm 2022 ghi nhận trên 10 ca tử vong, trong đó 100% có bệnh nền; ngoại trừ 1 người 48 tuổi có bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, tan máu bẩm sinh, số còn lại đều từ 72 tuổi trở lên.

Trong hơn 200 người tử vong tại bệnh viện từ đầu dịch, ông Nguyễn Trung Cấp, phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết có gần 90% từ 70 tuổi trở lên, người dưới 70 tuổi hầu hết có bệnh nền nặng như xơ gan, HIV, ung thư...

3 tầng điều trị liên thông

Thời điểm hiện tại, mỗi ngày Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19 Đại học Y Hà Nội ghi nhận từ 2-5 ca tử vong vì COVID-19. Ông Hải đánh giá tỉ lệ tử vong như trên là "khá cao".

"Chúng tôi đã rất nỗ lực, tuy nhiên ngày nào tại bệnh viện cũng có ca tử vong vì COVID-19", ông Hải thông tin.

Tuy nhiên so với các địa phương có số ca mắc mới ở mức thấp hơn Hà Nội thì số tử vong ở Hà Nội vẫn đang giữ được ở mức thấp. Theo một chuyên gia của Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19, số ca bệnh chuyển nặng ở Hà Nội hiện là trên 330 ca, còn trong khả năng kiểm soát của ngành y tế.

Thứ 2 là các tầng điều trị người bệnh ở Hà Nội liên thông theo hướng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương "kèm" 5 bệnh viện tầng 3 của Hà Nội, bệnh viện tầng 3 lại kèm bệnh viện tầng 2... "Một luật bất thành văn là bệnh viện từ chối nhập viện bệnh nhân vì chưa đến mức phải điều trị ở tầng 3 chẳng hạn thì bệnh viện tầng 3 vẫn theo dõi ca bệnh từ xa", chuyên gia này cho biết.

Theo ông Nguyễn Trung Cấp, hiện hệ thống liên thông tương tự đã được thiết lập ở nhiều tỉnh thành và đã có kết quả đáng khích lệ, như ở Vĩnh Long, Bắc Ninh, Hải Phòng...

Với việc F0 tăng nhanh, trong thời gian qua, Hà Nội cũng đã thiết lập nhiều trạm y tế lưu động và cơ sở thu dung mới, như quận Long Biên đã đưa vào vận hành 15 trạm y tế lưu động và một cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 trên địa bàn quận.

Những ngày gần đây, số mắc mới hằng ngày ở Hà Nội liên tiếp lập "đỉnh" mới, trong đó ngày 4-1 ghi nhận gần 2.500 ca mắc mới, 10 ca tử vong. Hà Nội đang nỗ lực để tình hình trong tầm kiểm soát của y tế, và đây cũng được coi là bài "test" khi sắp tới là Tết Nguyên đán, lượng người đi lại, giao thương sẽ nhiều hơn.

F0 nên làm gì?

Theo ông Nguyễn Trung Cấp, khi có kết quả xét nghiệm dương tính, việc đầu tiên của các F0 là gọi báo y tế phường xã để trạm y tế phường xã đưa vào danh sách theo dõi, tư vấn, cấp thuốc tùy tình hình. Trường hợp có biến chuyển nặng thì liên lạc cơ sở y tế để chuyển viện.

Ông Cấp cho rằng cơ bản thời gian qua dù số F0 gia tăng, nhưng hầu hết ca bệnh chuyển nặng, có suy hô hấp ở Hà Nội đều đã được chuyển kịp thời tới cơ sở y tế.

Tin COVID-19 chiều 4-1: Hà Nội tăng mạnh với gần 2.500 ca, gấp 4 lần số ca ở TP.HCM Tin COVID-19 chiều 4-1: Hà Nội tăng mạnh với gần 2.500 ca, gấp 4 lần số ca ở TP.HCM

TTO - Bản tin chiều 4-1 của Bộ Y tế cho biết cả nước ghi nhận 14.861 ca mắc mới, Hà Nội lại tăng tiếp với gần 2.500 ca, Trà Vinh đăng ký bổ sung gần 6.900 bệnh nhân.

LAN ANH - PHẠM TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp