24/06/2023 11:51 GMT+7

Hơn 10 năm thầm lặng chăm sóc thương bệnh binh

Chứng kiến những cơn đau của các thương bệnh binh do vết thương tái phát hành hạ, lòng biết ơn đã níu chị lại với công việc đầy khó khăn, nhọc nhằn.

Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Hương đã gắn bó với các thương bệnh binh ở Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh) suốt 12 năm qua - Ảnh: HÀ QUÂN

Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Hương đã gắn bó với các thương bệnh binh ở Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh) suốt 12 năm qua - Ảnh: HÀ QUÂN

Chị đã cống hiến sức trẻ của mình để hơn chục năm qua lặng thầm cạnh bên những người có công với cách mạng. Chứng kiến những cơn đau của các thương bệnh binh do vết thương tái phát hành hạ, lòng biết ơn đã níu chị lại với công việc đầy khó khăn, nhọc nhằn.

"Ở Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh), hầu hết các nhân viên điều dưỡng chăm sóc thương bệnh binh ở đây đều là phụ nữ" - chị Nguyễn Thị Hương (39 tuổi) trải lòng.

Với công việc đặc thù đầy khó khăn vất vả này, chị nói có lẽ chỉ có phái nữ mới kiên trì, trụ vững được lâu đến như thế.

Neo lại vì lòng biết ơn

Trong căn phòng rộng chừng 15m2, điều dưỡng Nguyễn Thị Hương dùng khăn lau người cho một thương binh.

Ông là thương binh Nguyễn Văn Cần, bị liệt cột sống. Hai mảnh đạn còn sót lại trong người khiến ông Cần nằm một chỗ suốt mấy chục năm nay, từ phần ngực trở xuống không còn cảm giác. "Kiến cắn cũng không biết, đi vệ sinh lúc nào cũng không hay" - người thương binh già bộc bạch.

Mất chừng nửa giờ đồng hồ vừa lau người vừa dọn dẹp tại phòng ông Cần, chị Hương tiếp tục nhiệm vụ ở hơn chục phòng khác. Đến giờ trưa khi các bác thương binh nghỉ ngơi, nữ điều dưỡng này mới có thời gian tranh thủ chút cơm trưa.

Chị trải lòng, ở trung tâm hầu hết chăm sóc các bác thương bệnh binh rất nặng, có người đã nằm liệt giường gần chục năm. Bản thân ba chồng chị cũng là thương binh nặng, tỉ lệ thương tật 91%.

Từ tấm lòng của mẹ chồng đã dành cả thanh xuân tận tình chăm sóc cho các thương bệnh binh, chị Hương nối bước mẹ tiếp tục công việc đầy gian lao này.

"Không có tâm, không biết ơn thì không gắn bó với nghề này được" - chị quả quyết.

Khó khăn rất nhiều nhưng có lẽ khó nhất chính là các thương bệnh binh không tự chăm sóc, vệ sinh cá nhân. Hằng ngày, việc lau chùi, vệ sinh rất vất vả do các bác nằm cả ngày, có khi chất thải ra đệm, ra drap giường nhưng không biết.

Các bác thương bệnh binh vẫn còn mảnh đạn trong người nên có khi đau đớn quá lại nói ra những từ không nhã nhặn, thậm chí đôi khi bức xúc chuyện gì đó sẽ hất cả xô nước, lấy tay xe quăng vào người chị em nhưng các nữ nhân viên đều thông cảm, thấu hiểu hết.

Chị bày tỏ ngoài vết thương gây đau đớn, các thương bệnh binh còn đối mặt với nỗi cô đơn. Cũng bởi có người đã gắn bó với trung tâm này suốt mấy chục năm trời, không có gia đình, không vợ con. Với các nữ điều dưỡng, họ luôn coi các bác thương bệnh binh như người thân của mình.

Do đó ngoài công việc chăm sóc sức khỏe, mỗi người đều cố gắng chuyện trò, tâm sự chia sẻ nỗi khó khăn, vất vả của các thương bệnh binh. Nhờ đó những người lính già vơi đi nỗi buồn, giảm đau đớn.

Hơn 10 năm thầm lặng chăm sóc thương bệnh binh - Ảnh 2.

Mỗi khi chúng tôi lắng nghe các bác thương bệnh binh kể chuyện ngày xưa đi chiến đấu ra sao, vết thương đau đớn thế nào, dường như các bác vui hơn nhiều.
Chị NGUYỄN THỊ HƯƠNG

Xóa bỏ tâm lý ngại ngần

Cũng như bao điều dưỡng khác, chị Nguyễn Thị Hương cũng có những ký ức rất riêng. Bồi hồi nhắc lại kỷ niệm ngày mới đi làm, nữ điều dưỡng bẽn lẽn nhắc lại e ngại nhất chính là việc tắm rửa, thay quần áo cho các thương binh.

"Tuần đầu đi làm, tôi được giao tắm cho một bác thương binh. Khi chưa kịp nói gì, như thói quen, bác cởi hết quần áo. Lúc ấy ngại quá, mình chạy một mạch về phòng nói với mẹ chồng (ngày ấy mẹ chồng chị cũng là điều dưỡng).

Và mẹ kể về việc vết thương của các bác ảnh hưởng ra sao, nhất là ảnh hưởng đến não bộ, khiến các bác không tự chủ được. Mẹ nói tôi cần sự thấu hiểu, vượt qua được tâm lý ngại ngần đó thì mới có thể gắn bó với các bác thương bệnh binh được" - chị Hương nhớ lại.

Ban đầu thấy con dâu ngại ngần, mẹ chồng thương, nói để mẹ làm thay phần công việc tắm rửa đó. Thế nhưng chị Hương quả quyết với mẹ: "Con sẽ thử, đã xác định làm ở đây thì con phải làm được".

Dần dà chính sự thấu hiểu đó đã giúp chị vượt qua được tâm lý e ngại để tận tình chăm sóc những người có công với cách mạng.

Chị kể thêm ở trung tâm có nhiều dịp đón các tình nguyện viên đến đăng ký hỗ trợ, chăm sóc thương bệnh binh. Chứng kiến nhiều trường hợp dù đường sá xa xôi cũng lặn lội tìm đến trung tâm chỉ với ước mong duy nhất là được tự tay chăm sóc các bác thương bệnh binh càng thôi thúc chị Hương phải gắn bó với công việc này.

Có chồng là bộ đội, thường xuyên công tác xa nhà, một tay chị vừa làm việc vất vả, vừa quán xuyến hết việc nhà để làm hậu phương vững chắc cho chồng yên tâm công tác.

Nhưng hễ nhắc đến các con, chị Hương không kìm được nước mắt xúc động. Đặc thù của điều dưỡng viên ở trung tâm là phải làm gần như tất cả các ngày trong tuần. Nếu có trường hợp cấp cứu, nhân viên phải đến ngay trung tâm, dù đêm muộn hay mưa bão.

"Con của nhân viên ở đây thiệt thòi hơn các bạn nhỏ đồng trang lứa vì mẹ thường phải đưa các bác đi khám ở viện, có khi đi suốt cả tháng, cả tuần nếu trường hợp của các bác nặng quá. Có đêm con gọi vì nhớ mẹ quá, mình chỉ biết nuốt nước mắt vào trong để động viên con" - chị bộc bạch.

Đồng hành với các thương bệnh binh gần như 24/24

Theo ông Nguyễn Văn Hương - giám đốc Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh), công việc của các điều dưỡng ở đây rất vất vả, phải đồng hành với các thương bệnh binh gần như 24/24 nhưng thu nhập lại rất eo hẹp.

Do đó, điều mong muốn nhất là làm sao cải thiện được thu nhập cho nhân viên để họ yên tâm công tác, để hỗ trợ tốt nhất cho thương bệnh binh.

Chủ tịch nước gửi thư tri ân tới thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có côngChủ tịch nước gửi thư tri ân tới thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công

TTO - Nhân kỷ niệm 74 năm Ngày thương binh, liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2021), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thư tri ân gửi thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp