07/01/2024 06:15 GMT+7

Hôm nay thành thạc sĩ, con quỳ lạy mẹ đã cả đời vì con

Con trai bà Chung bún đã thành thạc sĩ. Khoác lễ phục tốt nghiệp thạc sĩ lên người mẹ, chàng trai quỳ lạy cảm tạ công lao biển trời mẹ dành cho mình.

Khoảnh khắc Hoàng Anh quỳ lạy công ơn biển trời của mẹ vô tình được một sinh viên chụp lại và gây xúc động với nhiều người - Ảnh: NVCC

Khoảnh khắc Hoàng Anh quỳ lạy công ơn biển trời của mẹ vô tình được một sinh viên chụp lại và gây xúc động với nhiều người - Ảnh: NVCC

Cả đời người mẹ ấy chỉ lo làm lụng nuôi con, chưa một lần bà đi họp phụ huynh, cũng chưa một lần rời khỏi quê nhà. Lần đầu tiên bà rời khỏi làng, đến trường của con học là ngày con nhận bằng thạc sĩ.

Hình ảnh đẹp, xúc động: Thạc sĩ luật quỳ lạy cảm tạ công lao biển trời mẹ dành cho mình

Đứa con quỳ xuống cảm ơn người mẹ một đời hy sinh. Còn với mẹ, thành công của con đã chữa lành bao tủi hờn những tháng năm qua.

Mấy hôm nay, thông tin "Thằng Hoàng Anh con bà Chung bún là thạc sĩ rồi, nó sắp học tiếp tiến sĩ" trở thành đề tài nóng ở chợ Quán Lát (xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi), nhiều người đến gánh bún của bà Nguyễn Thị Kim Chung (62 tuổi, xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức) chúc mừng.

"Sống cả đời, chưa khi nào tôi vui và hạnh phúc như mấy ngày qua", bà Chung nói.

Tôi hạnh phúc nhất là con sống rất tốt. Hôm nhận bằng, tôi thấy thầy cô, đồng nghiệp, bạn bè đều yêu thương nó. Tôi tin con đã trưởng thành hơn từ khó nghèo.

Bà NGUYỄN THỊ KIM CHUNG

Con trai bà Chung bún thành thạc sĩ

Những ngày cận Tết, bà Chung ngồi ở góc nhỏ giữa chợ Quán Lát bán bún, mấy tiểu thương ở chợ ghẹo: "Chà, bà Chung đi Bình Dương có mấy ngày mà trẻ ra chục tuổi".

Bà Chung cười hiền: "Mấy bà đừng chọc tui nữa. Con thành đạt cha mẹ nào chẳng vui".

Chuyện Nguyễn Hoàng Anh (26 tuổi, giảng viên Trường đại học Thủ Dầu Một, con bà Chung) vừa nhận bằng thạc sĩ luật và sắp đến học tiến sĩ luật với đề tài "Pháp luật Việt Nam về xúc tiến du lịch" râm ran khắp làng trên xóm dưới.

Nhưng không phải bà khoe mà thầy giáo Ngô Khắc Vũ (giáo viên Trường THPT Mộ Đức 2) đăng tải trên Facebook.

Thầy Vũ thường xuyên tới lui động viên bà Chung lo cho con học, khó khăn thầy sẽ kêu gọi nhà hảo tâm giúp. Hơn ai hết, thầy Vũ biết rõ nỗ lực của hai mẹ con.

"Bà Chung sức khỏe yếu, cuộc sống nghèo khổ, bà là điển hình của một người mẹ cả đời vì con mà sống. Tôi thấy đây là câu chuyện tạo cảm hứng học tập, đạo hiếu cho mọi người nên đăng tải", thầy Vũ nói.

Cả đời mẹ vì con mà sống!

Đời bà không êm đềm chuyện tình cảm. Hoàng Anh được sinh ra từ mối tình bị cấm ngăn. Bà Chung lặng lẽ rời khỏi người đàn ông của đời mình, lầm lũi làm lụng, vì con mà sống.

Nghèo, bà quần quật nuôi con, cái đói treo lơ lửng không cho phép bà nghỉ ngơi. 40 năm bám chợ, bà Chung chưa nghỉ ngày nào. Dù đau ốm bà cũng gắng sức gánh bún ra chợ.

Vậy nên ba buổi chợ liền bà nghỉ để vào Bình Dương nhận bằng thạc sĩ cùng con, cả chợ Quán Lát "tá hỏa", không biết bà xảy ra chuyện gì.

Một đời lo cơm áo, từ khi con đi học bà chưa một lần dự họp phụ huynh, không biết con mình học thế nào. "Tôi phải đi làm để có tiền mua gạo", bà Chung nói.

Vậy nhưng người mẹ ấy lại chưa một lần từ chối con xin tiền đi học, mua sách vở. Nhiều lúc không có tiền bà đi mượn góp quanh chợ rồi bán bún, làm thuê trả dần. Con leo từng "nấc thang" học vấn, bà lại âm thầm theo sau.

Bà Chung ít chữ, năm con học lớp 9, kỳ thi chuyển cấp không đậu, sau đó nghe con đi học ở Trung tâm giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp dạy nghề huyện Mộ Đức, bà nghĩ mãi, con không đậu sao lại đi học.

Nhưng bà không quan tâm, miễn con đi học là được, bà động viên con: "Cố mà học, có cái chữ đỡ khổ con à. Mẹ nghèo, nhưng con học mẹ lo được".

Bà Chung hạnh phúc trong ngày con trai nhận bằng thạc sĩ - Ảnh: NVCC

Bà Chung hạnh phúc trong ngày con trai nhận bằng thạc sĩ - Ảnh: NVCC

Tôi muốn mẹ cười nhiều hơn

Một ngày cuối tháng 12-2023, bà Chung lần đầu rời khỏi quê nhà. Lúc vào đến Bình Dương, rồi được con dẫn lên TP.HCM chơi, người mẹ quê choáng ngợp trước phố thị.

Hôm con nhận bằng, bà dậy thật sớm, mặc chiếc váy đẹp nhất của đời mình, soi gương mấy lần, bà thấy mình lạ lẫm và tự ngượng với chính mình. Đời bà lam lũ có khi nào mặc đẹp như vậy!

Nhìn mẹ, Hoàng Anh xót xa, anh bảo mẹ đã quá vất vả vì mình. Nếu không có sự hy sinh vĩ đại ấy, anh không có ngày hôm nay.

Lúc nhận bằng, Hoàng Anh khoác lễ phục tốt nghiệp lên người mẹ. Chàng trai quỳ xuống cảm tạ công lao biển trời mẹ dành cho mình. Khoảnh khắc ấy vô tình được một sinh viên Trường đại học Thủ Dầu Một mà Hoàng Anh giảng dạy chụp lại.

Thầy Vũ thấy hình ảnh quá xúc động đã chia sẻ trên Facebook và nhận được "bão" lời khen cùng những bình luận nghẹn ngào từ bao người biết câu chuyện của hai mẹ con.

Thuở nhỏ cuộc sống quá khổ, Hoàng Anh không quan tâm việc học. Năm lớp 9, thi trượt vào lớp 10 là cú sốc lớn. Đứa trẻ ngày ấy hối hận với sự chểnh mảng của mình.

Cậu quyết định làm lại, đăng ký vào Trung tâm giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp dạy nghề huyện Mộ Đức học tiếp chương trình phổ thông. Nỗ lực, Hoàng Anh nhận được học bổng. Chính học bổng này đã thay đổi cả cuộc đời chàng trai.

"Lúc đó, tôi về khoe, mẹ rất vui. Khi nhận học bổng, tôi nhận được lời động viên. Tôi hiểu sinh ra trong nghèo khó là số mệnh, nhưng sống mãi trong khó nghèo là do mình", Hoàng Anh tâm sự.

Từ đứa trẻ không coi việc học quan trọng, Hoàng Anh đã nhìn lại, chú tâm học, lúc rảnh ra chợ phụ mẹ bán hàng. Năm 2016, Hoàng Anh đậu ngành luật kinh tế Trường đại học Thủ Dầu Một.

Hành trang rời quê của cậu sinh viên nghèo là những đồng tiền đẫm mồ hôi của mẹ, cùng lời mẹ nhắn: "Ráng học, thiếu tiền nói mẹ gửi". Hoàng Anh hứa với mẹ: "Con sẽ học thành người".

Và tháng 5-2023, Hoàng Anh đã bảo vệ luận văn thạc sĩ luật kinh tế với số điểm 8,5/10. Sau đó, thi ứng tuyển giảng viên luật tại Trường Đại học Thủ Dầu Một và đang chờ Trường chấp thuận. Hiện Hoàng Anh giảng dạy luật tại Trường Trung cấp Công nghiệp Bình Dương và Trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Công đoàn Bình Dương.

Hiện Hoàng Anh đang học văn bằng 2 ngôn ngữ và hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu sinh tiến sĩ luật.

"Cả đời mẹ vất vả nuôi con và gắn liền với cái tên bà Chung bún. Tôi mong nỗ lực của mình sẽ khiến mẹ hạnh phúc, mọi người cũng sẽ thấy sự hy sinh của bà Chung bún có thành quả", Hoàng Anh nói.

Bà Chung rời khỏi phố thị trở về với gánh bún nơi chợ quê, Hoàng Anh tiếp tục con đường của mình. Hỏi bà Chung mong ước gì ở con, bà bảo rằng: "Tôi mong con đi thật xa, không còn vất vả như tuổi thơ khó nghèo cùng mẹ nữa".

Còn với Hoàng Anh, sau khi quỳ lạy cảm tạ công ơn biển trời của mẹ, hành trình mới lại tiếp tục. Mục tiêu trở thành phó giáo sư - tiến sĩ, chàng trai trẻ sẽ nỗ lực để chạm đến. Và xa hơn, Hoàng Anh muốn đưa mẹ đi khắp nơi, để mẹ cười nhiều hơn, bù đắp cuộc đời vất vả đã qua...

Bà Chung sau khi dự lễ nhận bằng thạc sĩ của con, trở về lại với gánh bún nơi chợ quê. Bà rất vui vẻ, những nỗi nhọc nhằn của đời bà như tan biến - Ảnh: TRẦN MAI

Bà Chung sau khi dự lễ nhận bằng thạc sĩ của con, trở về lại với gánh bún nơi chợ quê. Bà rất vui vẻ, những nỗi nhọc nhằn của đời bà như tan biến - Ảnh: TRẦN MAI

Biết mẹ vất vả, Hoàng Anh vừa học vừa làm thêm. Anh đã trải qua rất nhiều công việc, từ gia sư đến giao hàng, chạy xe ôm, phục vụ quán... để kiếm tiền. Nhưng thời gian chính vẫn dành cho học.

Người mẹ ở quê không biết con học gì vẫn tần tảo, khi con cần lại gửi tiền. Thăm thẳm lòng mình, bà Chung luôn sợ con vì khó khăn mà nghỉ học.

Hoàng Anh không để nỗi lo ấy thành sự thật. Năm 2020 tốt nghiệp đại học, Hoàng Anh tiếp tục học thạc sĩ, người mẹ lại nói: "Học đi con, mẹ lo được".

Bà Chung mải miết theo con, dẫu chính bà không hiểu đủ đầy thạc sĩ là gì.

Mẹ, hai con và lễ tốt nghiệpMẹ, hai con và lễ tốt nghiệp

Tại lễ tốt nghiệp ở Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng) mới đây có anh em sinh đôi mồ côi cha quê Phú Yên.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp