Xa lộ Hà Nội đoạn qua quận 2, TP.HCM mờ ảo trong khói bụi và sương mù buổi sáng - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Kỳ họp này, qua ý kiến nhiều đại biểu Quốc hội, sẽ "nóng" với nhiều vấn đề thời sự vừa được báo chí nêu như ô nhiễm, nhất là ô nhiễm ở đô thị như: khói bụi, nước sạch nhiễm bẩn...
Bàn sâu để thức tỉnh vấn đề môi trường
Theo PGS.TS Đặng Ngọc Dinh - nguyên viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách khoa học công nghệ, những vấn đề môi trường ở các đô thị lớn thời gian qua ngày càng thể hiện rõ. Từ đó, theo ông Dinh, có thể thấy rõ phản ứng của chính quyền còn chậm, người dân chưa hài lòng.
Nguyên nhân có thể do chính quyền chưa nhận thức rõ và có phương án ứng phó. Mặt khác, phải chăng chính quyền chưa thấy chịu sức ép của người dân nhiều nên dù quan tâm nhưng còn vướng mắc với các doanh nghiệp.
Từ trước tới nay các kỳ Quốc hội có bàn về môi trường, nhưng chưa thực sự coi đây là vấn đề rất nghiêm trọng. Ông Dinh cho rằng đã đến lúc phải coi trọng bảo vệ môi trường hơn tăng trưởng kinh tế.
Tiếng nói ở Quốc hội quan trọng và người dân chờ đợi vấn đề môi trường sẽ được đưa ra bàn luận, mổ xẻ sâu sắc, từ đó thức tỉnh tư duy, có chính sách cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và ổn định đời sống xã hội.
Ông Dinh cũng kỳ vọng Quốc hội sẽ có những quyết sách khiến chính quyền minh bạch, tăng trách nhiệm giải trình trong các vấn đề môi trường, quản lý đô thị. Chính quyền phải cảnh giác, ngăn chặn các doanh nghiệp làm hại môi trường.
Đại biểu PHẠM VĂN HÒA (Đồng Tháp)
Ô nhiễm nguồn nước, ngập lụt... chính quyền vào cuộc có trách nhiệm nhưng đâu đó còn bộ phận chưa quyết liệt. Quốc hội kỳ này phải mổ xẻ rõ những hạn chế, tồn tại để khắc phục.
Đại biểu PHẠM VĂN HÒA (Đồng Tháp)
Nhiều vấn đề quản lý đô thị cần được bàn luận
Trả lời Tuổi Trẻ, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho hay quá trình tiếp xúc, cử tri rất kỳ vọng QH kỳ này sẽ đưa ra bàn sâu nhiều vấn đề là tâm điểm dư luận quan tâm như ô nhiễm môi trường các đô thị lớn, ô nhiễm nguồn nước ở Hà Nội, ngập úng và vấn đề Thủ Thiêm ở TP.HCM, đến giá cả hàng nông sản, dịch tả heo châu Phi...
Người dân kỳ vọng từ những thảo luận, QH, Chính phủ sẽ có chính sách giải quyết rốt ráo những vấn đề bất cập, bức xúc. Trong đó, những sự cố về môi trường, ô nhiễm nguồn nước, ngập lụt xảy ra ở TP.HCM và Hà Nội tạo tâm điểm dư luận rất lớn.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng dù chính quyền vào cuộc có trách nhiệm nhưng đâu đó còn bộ phận chưa quyết liệt, không kịp thời giải quyết rốt ráo. Chính vì vậy, QH kỳ này cũng phải mổ xẻ rõ những hạn chế, tồn tại để khắc phục.
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cũng nhận định có nhiều nội dung nổi cộm trong thời gian qua như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, xây dựng công trình ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên... sẽ được các đại biểu lên tiếng trong kỳ họp lần này bởi đây là những vấn đề gây bức xúc trong xã hội.
Đây cũng là vấn đề mang tính điển hình, bức bách trong công tác quản lý hiện nay.
Đại biểu Hiền kỳ vọng kỳ họp này, các nội dung liên quan đến đời sống dân sinh, gắn bó thiết thực với cuộc sống thường nhật của người dân cũng như những vấn đề hạn chế, yếu kém của công tác quản lý sẽ được các đại biểu chuyển tải đến diễn đàn QH.
"Tôi mong rằng các đại biểu sẽ lên tiếng, tự tạo cho mình nhiều cơ hội để lên tiếng không chỉ trong nghị trường mà cả ở các phiên thảo luận tổ hoặc lồng ghép trong các góp ý xây dựng luật. Nếu luật chưa đi vào từng ngóc ngách của đời sống, đại biểu QH phải có trách nhiệm đưa các ngóc ngách đó vào trong luật" - bà Hiền nói.
Ở các kỳ họp, các đại biểu đều lên tiếng có trách nhiệm, vấn đề là các bộ, ngành có lắng nghe, tiếp thu và có những giải pháp hữu hiệu trong thời gian sắp tới hay không.
Đại biểu Hiền cho rằng Việt Nam đang xây dựng chính phủ công khai, minh bạch, kiến tạo thì ý kiến của người dân phải được các đại biểu chuyển tải và Chính phủ, bộ, ngành cũng phải lắng nghe một cách cầu thị, nghiêm túc.
* Đại biểu NGUYỄN ANH TRÍ (Hà Nội):
Sẽ chất vấn việc nguồn nước sông Đà nhiễm bẩn
Người dân Hà Nội đội mưa để hứng nước sạch - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Kỳ họp này có rất nhiều vấn đề được nhân dân quan tâm như chống tham nhũng, chạy chức chạy quyền. Đặc biệt, có vấn đề nổi cộm là ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước.
Với ô nhiễm không khí, tại kỳ họp thứ 4, tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ TN-MT và được trả lời "chưa nghiêm trọng". Tôi chưa hài lòng với câu trả lời này và vẫn bức xúc bởi là một nhà khoa học trong lĩnh vực y tế, tôi thấy không khí ở các thành phố, nhất là Hà Nội, TP.HCM bụi rất nhiều.
Mới đây, chỉ số quan trắc cho thấy vấn đề ô nhiễm bụi mịn trong không khí ở Hà Nội và TP.HCM rơi vào ngưỡng rất cao.
Hoặc đối với nguồn nước, vụ đổ dầu thải vào nguồn nước sông Đà đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân Hà Nội. Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho an ninh, an toàn nguồn nước trên toàn quốc.
Cần phải có một cuộc rà soát tổng thể ở tất cả các tỉnh thành để đảm bảo không xảy ra những sự cố tương tự, không thể làm tổn hại đến sức khỏe, đời sống của nhân dân một cách dễ dàng như vậy.
Với sự cố nguồn nước sông Đà vừa rồi, nếu nguồn gây ô nhiễm không phải là váng dầu, được phát hiện bằng trực quan, bằng mùi vị mà đó là một chất khác độc hại hơn, hệ lụy sẽ khôn lường. Do đó, những vấn đề trên cần phải được đề cập như một vấn đề nóng để thảo luận tại diễn đàn Quốc hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận