Càng về khuya dòng người đổ về Yên Tử để lễ bái càng đông mặc dù trời đổ mưa khá lớn và gió lạnh - Ảnh: NAM TRẦN
22h đêm 24-2, du khách đi vãn cảnh, làm lễ đến Yên Tử ngày một đông, chuẩn bị chờ chính thức khai hội Yên Tử sáng 25-2 (tức mùng 10-1 tháng giêng).
Tại sân chùa Hoa Yên, tiếng nói chuyện râm ran xen cùng tiếng rì rầm lễ Phật. Nhiều đoàn đã chuẩn bị sẵn mâm lễ từ nhà, nhanh chóng đến chùa làm lễ cúng.
Còn ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, nhiệt độ ban đêm đo được trên chùa Đồng chỉ còn khoảng 10 độ C, gió quật mạnh từng cơn kèm mưa lạnh. Dẫu vậy, các phật tử vẫn thành kính hướng Phật, bất kể điều kiện thời tiết lạnh thấu xương.
Vợ chồng anh Hoàng Anh Phúc và chị Trần Thị Phương Thúy đến từ TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam là hai trong số những người lựa chọn hành hương đi lễ chùa vào ban đêm. Đoàn của anh Phúc có hơn 30 người, do điều kiện công việc nên chọn đi lễ thời điểm chập tối và về nhà vào thời điểm nửa đêm.
"Năm nào chúng tôi cũng đi tầm này. Không khí buổi đêm đẹp,thanh tịnh hơn. Hành trình của chúng tôi cũng rất thuận lợi, nhanh chóng" - anh Phúc chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Phương Khuê (ngụ Quận Hà Đông, TP Hà Nội) chia sẻ lý do lễ chùa ban đêm: "Tôi đã đi Yên Tử 5 lần, trong đó hai lần đi vào ban đêm. Cảm giác lúc đầu hơi mệt, nhưng khi lên được đến đỉnh núi, hít thở không khí thoáng đãng, trong lành là lại khỏe ngay. Tôi rất hạnh phúc khi được đi lễ Phật trong điều kiện phù vân Yên Tử như thế này".
Dòng người xếp hàng lên cáp treo Yên Tử, với giá vé hai chiều đi cáp là 300.000 đồng - Ảnh: NAM TRẦN
Từ đầu năm 2018, giá vé tham quan danh lam thắng cảnh khu di tích Yên Tử là 40.000 đồng/người - Ảnh: NAM TRẦN
Một đoàn khách chụp ảnh lưu niệm tại tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông tối khuya 24-2 - Ảnh: NAM TRẦN
Người dân sờ vào khánh đồng đặt trên đỉnh Yên Tử để cầu may - Ảnh: NAM TRẦN
Càng về khuya, nhiệt độ trên đỉnh Yên Tử giảm sâu cùng với đó là mưa và gió lớn khiến nhiều người di chuyển loạng choạng - Ảnh: NAM TRẦN
Người dân làm lễ trên chùa Đồng Yên Tử - Ảnh: NAM TRẦN
Một người phụ nữ cọ tiền lẻ vào chùa Đồng Yên Tử dưới trời mưa với mong muốn gặp nhiều may mắn, tiền tài - Ảnh: NAM TRẦN
Mặc dù thời tiết trên đỉnh Yên Tử càng về đêm càng khắc nghiệt nhưng không ngăn được bước chân của dòng người lên lễ bái, đặc biệt là khu vực chùa Đồng - Ảnh: NAM TRẦN
Một người đàn ông đứng trong mưa, gió lớn thành kính làm lễ bái Phật trước cửa chùa Đồng - Ảnh: NAM TRẦN
Nhiều người không bỏ lỡ cơ hội được đặt chân lên chiêm bái chùa Đồng đã dùng điện thoại ghi lại hình ảnh với di tích này - Ảnh: NAM TRẦN
Chùa Đồng trên đỉnh cao nhất núi Yên Tử 1.068m, là ngôi chùa thu hút hàng năm rất đông du khách thập phương về lễ bái cầu bình an, sung túc - Ảnh: NAM TRẦN
Nhiều người chọn lựa thời điểm đêm khuya để lên Yên Tử lễ bái cho biết để tránh tình trạng chen lấn, đi đêm sẽ thanh tịnh và nhiều thời gian để cọ tiền vào chuông, khánh, cột ở chùa Đồng với mong muốn cả năm làm ăn may mắn, cuộc sống ấm no - Ảnh: NAM TRẦN
Một người dùng điện thoại di động để chụp lại hình ảnh chùa Đồng Yên Tử trong đêm với ánh sáng huyền ảo - Ảnh: NAM TRẦN
Hôm nay 25-2 (tức mùng 10 tháng giêng), Lễ khai hội Yên Tử - một trong những lễ hội lớn nhất của cả nước chính thức khai mạc - Ảnh: NAM TRẦN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận